Một phân tích về dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động các tàu biển (AIS) cho thấy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) duy trì các cuộc tuần tra gần như hàng ngày tại các thực thể quan trọng trên Biển Đông vào năm 2022.
Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) đã phân tích các dữ liệu AIS được ghi nhận trong năm 2022 trên 5 thực thể mà Trung Quốc thường xuyên tuần tra nhất: Bãi Tư Chính, Bãi Cỏ Mây, Bãi cạn Luconia, Bãi cạn Scarborough và Đảo Thị Tứ. So sánh với dữ liệu từ năm 2020 cho thấy số ngày theo lịch mà các tàu hải cảnh CCG tuần tra gần các thực thể này đã tăng lên trên diện rộng.
Cùng các đội tàu gọi là dân quân biển, lực lượng tàu hải cảnh Trung Quốc mở các cuộc tuần tra tràn ngập Biển Đông.
Số ngày tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển ở Bãi Tư Chính, một địa điểm phát triển dầu khí chính của Việt Nam, đã tăng lên 310 ngày trong năm 2022, hơn gấp đôi con số 142 ngày trong năm 2020. Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Bãi Tư Chính nằm ở phía Nam của Biển Đông, hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam, và cách lục địa Trung Quốc khoảng 600 hải lý.
Số ngày mà các tàu Trung Quốc xuất hiện tại các vùng biển ở Bãi Cỏ Mây tăng từ 232 ngày lên 279 ngày; ở Bãi cạn Luconia từ 279 đến 316 ngày; Bãi cạn Scarborough từ 287 đến 344 ngày. Dữ liệu của chính phủ Philippines cho thấy các tàu Trung Quốc đã có mặt tại khu vực Đảo Thị Tứ đến 208 ngày trong năm qua.
Chưa hết, số ngày thật sự có thể nhiều hơn con số báo cáo, vì bộ thu phát tín hiệu đi biển AIS của các tàu CCG của Trung Quốc đã bị vô hiệu hóa hoặc bị chỉnh sửa để không thể phát hiện được bằng bộ thu AIS vệ tinh. Trong một số trường hợp khác, tàu Trung Quốc phát đi thông tin AIS, nhưng phát không đầy đủ hoặc giả dối; điển hình là trường hợp một con tàu phát sóng gần đảo Thị Tứ dưới cái tên “Dujuae” và tự nhận mình là một con tàu chở hàng. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh đã cho thấy rõ con tàu đó thực sự là một tàu hải cảnh Trung Quốc lớp Zhaojun dài 101 mét, một hung thần săn đuổi các tàu cá Việt Nam và Philippines.
Tổ chức AMTI nhận định rằng: “Khi yêu sách của các quốc gia ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục ở quần đảo Trường Sa vào năm 2023, sự hiện diện thường xuyên của lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu dân quân biển của Trung Quốc sẽ khiến các cuộc đối đầu trong tương lai hầu như không thể tránh khỏi.”
Người Đà Lạt Xưa