A.Thời nào cũng có tham nhũng.
Nhưng mức độ tham nhũng rất khác nhau tuỳ thuộc vào thể chế. Thể chế lành mạnh thì tham nhũng ít. Thể chế bệnh tật thì tham nhũng phát triển. Tham nhũng làm suy yếu đất nước. Tham nhũng làm nhân dân khốn khổ. Cho nên, bất cứ thời nào, nhân dân cũng ủng hộ chống tham nhũng, mọi tiến bộ về chống tham nhũng đều được hoan nghênh.
Những năm gần đây, công cuộc chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt. Kết quả là các cán bộ cao cấp bị vào tù và mất chức mỗi ngày thêm nhiều. Một mặt là thấy được mặt tích cực của công cuộc chống tham nhũng. Nhưng mặt khác, là nỗi lo. Mà lo lớn hơn mừng.
Không phải lo rằng “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc”. Mà lo vì cách chống tham nhũng hiện nay, dù tiến hành quyết liệt đến đâu, mạnh mẽ đến đâu cũng không làm thuyên giảm tham nhũng. Bởi vì “bốc thuốc không trúng bệnh” – chưa chống tham nhũng tại nguồn gốc sinh ra tham nhũng.
Nếu quả đúng như dư luận đang lan truyền, rằng Phó thủ tướng (PTT) Phạm Bình Minh và PTT Vũ Đức Đam sẽ nghỉ hưu trong năm tới vì liên quan đến trách nhiệm trong đại dịch Covid -19, thì phải nghĩ đến phương thức khác về chống tham nhũng.
Rõ ràng, trước đại dịch Covid -19, dư luận xã hội đã dành cho PTT Phạm Bình Minh và PTT Vũ Đức Đam những đánh giá khá tích cực. Đó là hai vị cán bộ lãnh đạo cao cấp, ở một phương diện nào đó, đã thể hiện là có trí tuệ trong công việc, và chưa thấy bị ca thán về phẩm chất.
Câu hỏi hiển nhiên là: Khi mà tham nhũng trù mật khắp mọi nơi, những người như PTT Phạm Bình Minh và PTT Vũ Đức Đam đều dính tiêu cực, thì có ai trong số cán bộ lãnh đạo cấp cao không dính tiêu cực?
Câu hỏi không tránh khỏi là: Lĩnh vực mà PTT Phạm Bình Minh và PTT Vũ Đức Đam quản lý không phải là lĩnh vực nhiều tài chính nhất mà còn có nhiều tiêu cực lớn, vậy thì những lĩnh vực có nguồn tài chính khủng thì tiêu cực sẽ lớn đến mức như thế nào?
Tham nhũng ở nước ta đang biến thành quốc nạn nguy hiểm. Quốc nạn nguy hiểm vì nó tồn tại trù mật khắp mọi nơi, ở mọi ban ngành, ở mọi cấp độ từ trung ương cho đến địa phương.
Mức độ tham nhũng của từng trường hợp cụ thể hay từng lĩnh vực có khác nhau. Nhưng nhìn chung trên toàn quốc, nếu ký hiệu mức độ tham nhũng là x% tổng kinh phí, thì từ đó có thể ước lượng được tổng số tiền bị tham nhũng ở mỗi đơn vị.
Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 dự kiến tổng chi cho trung ương là 1 087 032 tỷ đồng. Trong đó, các Bộ, cơ quan trung ương là 536.953,208 tỷ đồng. Tương ứng với một số Bộ như sau:
Bộ Quốc phòng: 171.502,56 tỷ đồng
Bộ Công An: 95.598,95 tỷ đồng
Bộ Giao thông: 69.053,273 tỷ đồng
Bộ Lao động và thương binh xã hội: 34.839,815 tỷ đồng
Bộ Tài Chính: 22.449,32 tỷ đồng
Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn: 11.962,71 tỷ đồng
Bộ Y tế: 11.282,15 tỷ đồng
Bộ Giáo Dục và Đào tạo: 6.521,427 tỷ đồng
Bộ Ngoại Giao: 3.132,62 tỷ đồng
Bộ Khoa học và Công nghệ: 2.777,23 tỷ đồng.
Số liệu trên không bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia. Số liệu trên không phản ánh được tổng tiền chi tiêu qua tay từng Bộ, vì một lượng tài sản khổng lồ hơn nằm trong các doanh nghiệp do Bộ quản lý. Viện dẫn số liệu để hình dung tóm lược nguồn NSNN chi trực tiếp cho Bộ. Toàn bộ số liệu về NSNN năm 2022 có thể xem trong: https://thuvienphapluat.vn/…/Nghi-quyet-40-2021-QH15…).
Lĩnh vực Khoa giáo mà PTT Vũ Đức Đam phụ trách có nguồn kinh phí nhỏ hơn so với công nghiệp và các mảng khác. Lĩnh vực Ngoại giao của PTT Phạm Bình Minh phụ trách thì có kinh phí rất ít so với các Bộ khác (3.132,62 tỷ đồng), chỉ bằng 1/54,7 của Bộ quốc phòng, 1/30,5 của Bộ công an, và 1/22 của Bộ giao thông.
Đây không phải đưa ra lý lẽ để biện hộ cho PTT Phạm Bình Minh và PTT Vũ Đức Đam. Ai có tội thì phải chiếu theo pháp luật mà xử. Các lý lẽ và số liệu viện dẫn là để hình dung ra bức tranh thực về tương quan biên giới tài chính giữa các lĩnh vực, từ đó có thể mường tượng ra mức độ thất thoát.
B. Những khuôn mặt được dư luận đánh giá phần nào có trí tuệ, dường như sạch sẽ, cuối cùng cũng không tránh xa được tiêu cực.
Từ xa xưa, tiền nhân đã dạy: “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Trườn qua một đường ống dài thì chịu ảnh hưởng của không khí và nhiệt độ trong đường ống đó, nóng phải chịu nóng, lạnh phải chịu lạnh, thơm thì được thơm, không thơm thì chịu không thơm, bẩn thì phải lấm bẩn. Ai đi suốt từ cấp thấp nhất lên cấp cao nhất mà thoát khỏi được tác động của cơ chế?
Nếu tiếp tục cơ chế này thì sẽ còn mất nhiều cán bộ nữa. Dù là thầy giáo, bác sĩ hay nhà khoa học, khi bước vào con đường quan chức gồm nhiều quyền lực sẽ khó tránh khỏi tiêu cực. Vì cơ chế bị khuyết tật. Khuyết tật thúc đẩy tham nhũng. Những kẻ biết lợi dụng khuyết tật của cơ chế đã trở nên giàu có nhanh chóng kèm theo sự sa ngã của hàng loạt cán bộ cao cấp. Trong cơ chế hiện hành, ai bước lên thang bậc quyền lực mạnh cũng khó thoát khỏi tham nhũng, không tham nhũng kinh tế tiền bạc thì tham nhũng danh vọng, tham nhũng quyền lực, tham nhũng tình cảm; thậm chí tham nhũng nhiều thứ cùng một lúc. Đại dịch Covid -19 là một bằng chứng thực tế đau xót.
Từ đó để thấy, chống tận gốc tham nhũng là phải cải cách thể chế. Điều này đã được nhiều lãnh đạo cao cấp của nhà nước nhắc đến nhiều lần, nhưng chưa được triển khai trong thực tiễn.
C.VẬY PHẢI CẢI CÁCH NHỮNG ĐIỂM NÀO?
Rất nhiều điểm phải cách mạng. Sau đây là mấy ‘trụ cột’ cần gấp rút thay đổi căn bản.
- CÁCH MẠNG VỀ TƯ PHÁP
Cai trị bằng pháp luật chứ không dựa vào đạo đức tự nguyện. Trị bằng pháp luật chứ không phải trị bằng ‘phê bình nghiêm khắc’ hay ‘cảnh cáo’. Càng không thể ‘tự phê bình’ hay ‘rút kinh nghiệm’.
Nhưng muốn pháp luật được thực thi nghiêm minh, thì pháp luật không chịu sự chi phối của bất cứ lực lượng nào, pháp luật phải độc lập với mọi quyền lực. Nghĩa là phải tiến tới một nền tư pháp độc lập. Nếu không có một nền tư pháp độc lập thì không thể chống được tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực.
- ĐỀ CAO ‘TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN’
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc đến ‘phân cấp, phân quyền’. Cần phải nói rõ thêm ‘trách nhiệm cá nhân’. Nói đến ‘trách nhiệm cá nhân’là để khác với ‘quyết định tập thể’. ‘Quyết định tập thể’ thì sẽ khó pháp trị. ‘Quyết định tập thể’ chỉ để cho một số tình huống cụ thể. Còn trong điều hành hàng ngày thì ‘trách nhiệm cá nhân’là thống soái.
Đừng nghĩ rằng đề cao ‘trách nhiệm cá nhân’và giảm vai trò ‘quyết định tập thể’ thì sẽ dẫn đến lũng đoạn quyền lực, độc tài. Vì ‘trách nhiệm cá nhân’ được kiểm soát bằng luật pháp. Còn ‘quyết định tập thể’làm cho luật pháp khó thực thi. Chống lũng đoạn cá nhân dễ hơn chống lũng đoạn tập thể, dễ hơn chống lũng đoạn cá nhân núp bóng tập thể.
- CẢI CÁCH THỂ THỨC BỔ NHIỆM CÁN BỘ
Vì đề cao ‘trách nhiệm cá nhân’ là dồn quyền lực trong điều hành hàng ngày cho cá nhân, nên lựa chọn cá nhân đứng vào những vị trí có nhiều trách nhiệm quan trọng (cấp độ 1) thì phải được quyết định bởi trí tuệ của số đông, chứ không quyết định bởi số ít.
Còn khi đã chọn được cá nhân vào vị trí cấp độ 1 bởi trí tuệ số đông rồi, thì cá nhân đó được quyền lớn trong lựa chọn cấp dưới (cấp độ 2) để điều hành.
Cách bổ nhiệm cán bộ của chúng ta hiện nay được quyết định bởi số ít cho cả hai cấp độ 1, 2 nêu trên. Cán bộ cấp độ 1 được quyết định bởi số ít nên không đủ độ tin cậy, dẫn đến dù nhân sự đã được xem ‘xét kỹ lưỡng’ nhưng vẫn nhiều người rơi vào vòng lao lý. Nhân sự Đại hội XII làm rất kỹ nhưng vẫn nhiều Uỷ viên Trung ương (UVTƯ) vào tù. Rút kinh nghiệm, nhân sự Đại hội XIII xem xét kỹ hơn nhưng vẫn nhiều UVTƯ tiếp tục bị kỷ luật.
Còn cán bộ cấp độ 2 vẫn do tập thể số ít quyết định, nên cấp trên không điều khiển được cấp dưới, vì không có quyền bổ nhiệm, không có quyền cách chức.
Tóm lại, tập thể số ít quyết định nhân sự cấp độ 1 thì không đủ tin cậy. Tập thể số ít quyết định nhân sự cấp độ 2 thì trở thành “thọc gậy bánh xe”. Kết quả cuối cùng là hiệu quả công việc kém.
- GẮN TRÁCH NHIỆM VỚI QUYỀN LỢI
Đề cao ‘trách nhiệm cá nhân’ thì phải gắn với quyền lợi. Ngoại trừ ‘độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ’, còn lại, không ai chịu trách nhiệm đến mức bị mất mạng và lao tù mà không có danh lợi. Cho nên, ‘trách nhiệm’ luôn đi đôi với ‘quyền lợi’. Quan niệm dựa vào ‘lý tưởng’, ‘ý thức tự giác’, ‘lòng yêu nước’…sẽ hoàn toàn phá sản trong điều hành kinh tế thời bình.
Nên nhớ rằng, cán bộ cấp độ 1 đại diện cho tài sản Nhà nước, nên nếu không gắn trách nhiệm với quyền lợi thì tài sản Nhà nước sẽ còn bị tiếp tục thất thoát nhiều nữa.
Còn nhiều điều cần phải thay đổi mà không thể đề cập ở đây. Có kể ra mà nơi có quyền thay đổi vẫn chưa chịu thay đổi thì cũng chưa giải quyết được vấn đề. Chống tham nhũng là điều rất cần và luôn được hoan nghênh. Quan trọng hơn là tiêu diệt nguồn gốc tham nhũng. Quan trọng nữa là không làm con người bị hư hỏng.
Xót xa, vì những người có nhân cách, sau khi bước vào con đường quan chức, đều chịu ‘hao mòn nhân cách’. Bao nhiêu người đã xa cách người thân, mất thầy giáo, mất bạn bè vì cơn cuồng phong ‘hao mòn nhân cách’? Nếu cơn cuồng phong ‘hao mòn nhân cách’ tiếp tục “càn quét” nhiều năm nữa thì hoạ càng thêm lớn.
Phải kêu to lên, vì cơn cuồng phong ‘hao mòn nhân cách’ làm suy yếu Dân Tộc./.