Hoàng Mai – VNTB
Ngày 6-12-2022, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê, ca cao và đậu nành.
Theo dự luật mới, các sản phẩm nằm trong danh sách bị cấm gồm dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su – được xác định là những yếu tố thúc đẩy nạn phá rừng nếu có xuất xứ từ vùng đất rừng bị tàn phá sau tháng 12-2020.
Các công ty nhập khẩu sẽ phải chứng minh sản phẩm không liên quan đến hoạt động phá rừng, và phải chứng minh được thông tin địa lý chính xác về vùng đất xuất xứ của sản phẩm.
Một khi các quy định mới có hiệu lực, tất cả các công ty liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt nếu đưa những mặt hàng này vào thị trường EU.
Dự luật này được EC đề xuất hồi tháng 11-2021. EU giờ đây sẽ phải chính thức thông qua để văn kiện này có hiệu lực và các công ty thương mại sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy định này.
Phía Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng về chuyện pháp luật bảo vệ rừng. Theo đó, các chính sách, quy định của Việt Nam ưu tiên giữ diện tích rừng hiện có, trồng lại tại các diện tích rừng bị mất và trồng rừng mới; phòng chống nạn khai thác và buôn bán gỗ bất hợp hợp pháp; cấm mọi hoạt động khai thác tại rừng tự nhiên từ năm 2016. Việt Nam cũng ký các thỏa thuận với EU về luật và quản lý rừng và mua bán hàng hóa là sản phẩm của rừng, có hiệu lực từ ngày 1-6-2019; và với Mỹ về ngăn chặn nạn khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp, có liệu lực từ ngày 1-1-2021.
Trên thực tế thì việc phá rừng để trồng cà phê ở Việt Nam cho đến nay vẫn tiếp diễn với nghi vấn các quyền lực chính trị ở địa phương ‘chống lưng’.
Ghi nhận của cơ quan công an tỉnh Lâm Đồng, có gần 4 ha đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 442 Nao Quang, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng bị lấn chiếm để trồng cà phê. Sau khi người dân bức xúc gửi đơn phản ánh tình trạng nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị phá để chiếm đất trồng cà phê, một nhóm đối tượng giang hồ mang theo hung khí rượt đuổi, đe dọa những người tố cáo.
Trước đó, đầu tháng 1-2021, người dân địa phương có đơn phản ánh về tình trạng đốn hạ rừng thông ba lá, bạch đàn cổ thụ… xảy ra tại Tiểu khu 442 thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Đam B’ri huyện Bảo Lâm, địa phận Nao Quang, xã Lộc Phú để chiếm đất trồng cà phê.
Cũng theo phản ánh của người dân, sau khi chính quyền và các cơ quan chức năng tiếp nhận đơn, bất ngờ xuất hiện nhóm người mang theo hung khí có mặt tại Tiểu khu 442 rượt đuổi và đe dọa, yêu cầu người dân phải rút đơn tố cáo. Khi người dân bỏ chạy, nhóm côn đồ để lại một tờ giấy với nội dung đe dọa: “Tao vô lần này thôi. Coi mà rút đơn đi, đừng để tao vô lần thứ 2 nha”.
Theo thống kê được công bố tại hội thảo khởi động Dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông, Việt Nam”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), UBND tỉnh Đắk Nông và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức, thì từ năm 2005 – 2020, diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên đã giảm từ 2,83 triệu hecta xuống còn 2,18 triệu hecta.
Ngược lại, diện tích trồng cà phê tại khu vực này được mở rộng từ 449.400 héc ta lên 577.119 hecta. Diện tích trồng cao su tăng từ 86.892 hecta lên hơn 259.200 hecta. Diện tích trồng cây lấy gỗ tăng từ 144.420 hecta lên 368.734 hecta…
Xem ra sản phẩm cà phê và mủ cao su của Việt Nam sắp tới đây sẽ khó khăn hơn khi vào thị trường EU./.