Chơi hụi là trò chơi góp vốn có nguồn gốc dân gian Việt Nam. Ví dụ một dây hụi có 12 người trong đó có một người làm chủ hụi. 12 người đều phải đóng tiền cho chủ hụi, đến ngày cuối cùng của tháng sẽ có người hốt tiền hụi để kinh doanh. Quy tắc là người nào chưa hốt hụi sẽ đóng tiền ít, người nào đã hốt thì sau đó đóng nhiều hơn để trả lãi cho người hốt sau. Người hốt đầu tiên gọi là hốt hụi chết, người hốt cuối cùng là hốt hụi chót, người này hưởng lợi nhiều nhất.
Nói cho cùng, chơi hụi là trò chơi khá giống với ngân hàng. Chủ hụi tương tự như ngân hàng, là người thu tiền góp của người khác rồi giao cho người hốt. Người hốt hụi chính là người vay còn người đóng tiền hụi là người cho vay.
Trò chơi này cũng có “nợ xấu” tương tự như ngân hàng. Nợ xấu chính là “hụi ma”, nghĩa là người hốt hụi rồi bỏ trốn. Có trường hợp chủ hụi gom tiền đem cho bạn bè vay vì người bạn đó hứa cuối tháng trả cả vốn lẫn lãi. Tuy nhiên, đến hẹn thì người bạn ôm tiền bỏ trốn, chủ hụi không đủ khả năng trả cho người chơi nên đường dây hụi bị bể. Thế là những ai đóng hụi bị mất trắng. Cho nên có người bán rau bán cá ở chợ thu nhập chừng 500 ngàn đồng/ngày mà nợ đến hàng chục tỷ là vì bị bể hụi. Làm chủ hụi nhưng ôm tiền “đầu tư trái ngành” và mất trắng nên thành con nợ khủng.
Chơi hụi kém an toàn hơn gởi ngân hàng, vì sao? Vì đường dây hụi nó hoạt động dựa vào niềm tin lẫn nhau mà không dựa vào luật pháp như các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản nếu xảy ra rủi ro mất thanh khoản. Cho nên, gởi ngân hàng an toàn hơn chơi hụi là như thế.
Nếu cho vay qua hệ thống ngân hàng thì có luật ngân hàng chi phối hoạt động của phía vay và Ngân hàng Nhà nước điều phối luật chơi. Nếu cho vay qua thị trường trái phiếu thì có luật chứng khoán chi phối hoạt động của người vay và có Ủy ban chứng khoán điều phối luật chơi. Như bài “Kẻ nào dẫn đường cho anh mù đến với cạm bẫy?” tôi đã có chỉ ra lỗ hổng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã lợi dụng nó bán giấy lộn cho nhà đầu tư kiếm tiền như thế nào?! Đấy! Có luật, có trọng tài mà còn bị lừa thì không luật không trọng tài sẽ ra sao?
Có luật pháp chi phối hoạt động, có nhà nước điều phối luật chơi mà người dân còn bị mất tiền như vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh và trái phiếu An Đông, vậy thì với cách làm của ông Phạm Nhật Vượng không có luật pháp chi phối, không có nhà nước điều phối luật chơi thì nhà đầu tư vào VMI khác nào dân chơi hụi? Dân chơi hụi chỉ dựa vào niềm tin và nhà đầu tư của VMI cũng chỉ dựa vào niềm tin chứ có gì khác đâu? Đều là chơi kiểu không luật không trọng tài như các đường dây hụi.
Mới đây ông Nguyễn Tử Quảng – CEO của Bkav đã lên mạng xã hội gọi vốn các fans. Cách gọi vốn của ông này còn chẳng khác nào gọi vốn của dây hụi, chỉ dựa vào niềm tin mà không dựa vào luật pháp và nhà nước điều phối hoạt động. Ông Nguyễn Tử Quảng né thị trường tín dụng chính thống, né thị trường trái phiếu doanh nghiệp để gọi vốn trực tiếp từ các fans thì đấy là nghi ngờ lớn. Nếu doanh nghiệp ông ta có sức khỏe tài chính tốt thì sao ông ta chọn cách gọi vốn nơi “không luật không trọng tài” chứ? Các fans hãy cẩn thận, mùi “chạy làng” khá đậm đặc đấy bà con ạ!
Đỗ Ngà