RFA
Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc sau khi tham khảo các nguồn thông tin và phản hồi của chính quyền Việt Nam cho rằng, biện pháp khắc phục thích hợp nhất là trả tự do cho nhà thơ Trần Đức Thạch và trao cho ông quyền thực thi để được bồi thường tiền và các khoản đền bù khác, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Văn bản đăng tải ý kiến của cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm 4/11 cho rằng, việc bắt giữ ông Trần Đức Thạch, đồng sáng lập viên của tổ chức Hội Anh em Dân chủ là tùy tiện.
Theo nguồn tin của tổ chức này, ông Thạch liên tục bị lực lượng an ninh tỉnh Nghệ An sách nhiễu trước khi bị bắt vào năm 2020.
Ngày 23/4/2020, khoảng 20 cán bộ mặc thường phục, được cho là thuộc đội an ninh công an tỉnh Nghệ An, đến nhà ông Thạch vào khoảng 9 giờ sáng với lệnh khám xét.
Dù lệnh khám xét đã được đọc to nhưng thành viên gia đình ông Thạch có mặt không xem được thông tin chi tiết. Công an khám xét nhà tịch thu một số đồ đạc và tiến hành bắt giữ ông Thạch.
Cơ quan an ninh chỉ trao lệnh bắt cho một thành viên gia đình ông Thạch một ngày sau khi ông bị bắt.
Ông bị cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự và sau đó tòa án kết án ông 12 năm tù giam.
WGAD nói việc chỉ trích chế độ, tham gia thành lập tổ chức không vi phạm pháp luật quốc gia và quốc tế
WGAD nói rằng ông Thạch bị trừng phạt vì thực thi quyền tự do lập hội có tên Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự liên tục bị Nhà nước Việt Nam trấn áp. WGAD nhắc lại kết luận trong Nghị quyết số 13/2022 và nhiều nghị quyết trước đó, rằng “Đăng tải bình luận về chính sách nhà nước trên mạng xã hội và tham gia thành lập tổ chức không được coi là hành động kích động gây rối trật tự xã hội hoặc bạo lực.”
Coi ông Thạch là nhà hoạt động nhân quyền, WGAD nhắc lại Điều khoản về Quyền và Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc cổ suý và bảo vệ các quyền con người phổ quát và các quyền tự do cơ bản trong Tuyên bố về Người Bảo vệ Nhân quyền, trong đó quy định mọi người có quyền tự mình hoặc liên kết với người khác để cổ suý và bảo vệ nhân quyền cũng như tạo sự chú ý của công chúng để theo dõi tình trạng nhân quyền.
WGAD nói việc bắt giữ ông Thạch vi phạm Điều 9 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, vốn quy định rằng những người đang chờ xét xử phải bị tạm giam không phải là quy tắc chung.
WGAD cho rằng việc xét xử và kết tội ông Thạch không công bằng, và đây là án bỏ túi vì phiên toà xử ông sau tám tháng biệt giam chỉ kéo dài chưa tới 3 giờ đồng hồ.
Cơ quan này nói việc tước bỏ tự do của ông là tùy tiện và vi phạm luật quốc tế vì việc bắt giữ và kết án được thực hiện trên nền tảng phân biệt về quan điểm chính trị của một nhà hoạt động nhân quyền.
WGAD nói việc ông bị biệt giam trong quá trình điều tra từ khi bị bắt tháng tư đến khi bị đưa ra xét xử vào giữa tháng 12 là vi phạm Quy tắc 58 của Các quy tắc tối thiểu về giam giữ (Quy tắc Nelson Mandela) và điều 19 của Các quy tắc về bảo vệ người đang bị giam giữ dưới mọi hình thức.
Trong tám tháng bị giam giữ, cựu sỹ quan quân đội Bắc Việt không được gặp người thân, và chỉ được gặp luật sư một ngày trước phiên sơ thẩm để chuẩn bị bào chữa.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng sáng lập viên và Chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, nói:
“Ông Trần Đức Thạch, cũng như các thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ và gần 300 tù nhân lương tâm ở Việt Nam đều không có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.
Việc nhà nước Việt Nam bắt giữ và giam cầm ông Trần Đức Thạch và các tù nhân lương tâm khác vi phạm chính pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.”
Nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ hiện đang phải sống lưu vong ở Đức khẳng định ông Thạch và các tù nhân lương tâm khác bị cầm tù với các cáo buộc như “Tuyên truyền chống nhà nước,” “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” hay “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” đều chỉ thực hiện các quyền con người phổ quát như quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, hội họp để đấu tranh cho một Việt Nam tự do và dân chủ.
Trong phần cuối của nghị quyết, WGAD yêu cầu Chính phủ Việt Nam thực thi các bước để khắc phục ngay lập tức tình trạng của ông Trần Đức Thạch, trong đó có việc trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho ông cũng như bồi thường cho ông vì việc bắt giữ và giam giữ tuỳ tiện.
Cơ quan nhân quyền này cũng yêu cầu Việt Nam điều tra việc bắt giữ và tước quyền tự do của ông Thạch và đưa những kẻ vi phạm ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chính phủ Việt Nam phải báo cáo việc thực thi các yêu cầu trên cho WGAD, nghị quyết của tổ chức này nói.
Chính phủ Việt Nam nói gì về trường hợp ông Trần Đức Thạch?
Ngày 4/4/2022, WGAD chuyển lời cáo buộc của nguồn báo cáo về vụ bắt giữ ông Trần Đức Thạch tới Chính phủ Việt Nam. Vào cuối tháng sáu, Hà Nội phản hồi và bảo vệ quyết định của Chính phủ Việt Nam trong việc bắt giữ và kết án ông.
Chính quyền Hà Nội cho rằng ông Thạch bị bắt giữ vì vi phạm luật pháp Việt Nam chứ không phải vì quan điểm dân chủ, và việc bắt giữ và kết án được thực hiện theo đúng luật pháp Việt Nam, tương đồng với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Theo đó, Hà Nội nói ông Thạch cùng với nhiều cá nhân khác thành lập tổ chức Hội Anh em Dân chủ thu hút nhiều thành viên ở khắp cả nước và liên kết với nhiều kẻ khủng bố chống Việt Nam để hoạt động với mục tiêu lật đổ chính phủ đương nhiệm và thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Hà Nội cũng nói ông Thạch lợi dụng quyền tự do dân chủ để đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc để bôi xấu chế độ, bôi nhọ cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, và kích động tinh thần chống chế độ.
Ông Trần Đức Thạch là sỹ quan quân đội Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông là tác giả của bài “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt khi thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30/4/1975.
Ông còn là tác giả của nhiều bài thơ, bài báo mang tính nhân văn sâu sắc. Với những đóng góp của mình, ông được trao giải thưởng mang tên tù chính trị Nguyễn Chí Thiện 2020.
Là một nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, ông liên tục bị sách nhiễu và đàn áp trong hai thập niên qua. Năm 2009, ông bị kết án ba năm tù giam và ba năm quản chế với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cùng với hai nhà hoạt động Vũ Văn Hùng và Phạm Văn Trội.
Ông Thạch là một trong hàng trăm tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Nhiều trường hợp trong số này được báo cáo lên WGAD.
Trong năm năm gần đây, WGAD đưa ra hàng chục văn bản nêu ý kiến rằng việc bắt giữ và kết án hàng chục tù nhân lương tâm, trong đó có Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Văn Dũng, Châu Văn Khảm, Nguyễn Bảo Tiên… là tùy tiện và yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho họ.
Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam im lặng trước các yêu cầu trên, tiếp tục giam giữ các nhà hoạt động này trong điều kiện hà khắc. Hà Nội luôn phủ nhận việc giam giữ tù nhân lương tâm, nói rằng chỉ cầm tù những người vi phạm pháp luật./.