Trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều ngày 4 Tháng Mười Một, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách.
“Có thực mới vực được đạo”, ông Sơn nói như thế. Thêm một việc quan trọng nữa mà ông Sơn phải giải quyết đó là tình trạng thiếu hụt giáo viên ngày càng trầm trọng. Lý do thiếu giáo viên liên quan đến vấn đề thứ nhất, lương không đủ sống, lại còn bị “trên đe, dưới búa”, chẳng thầy cô nào muốn dạy học nếu có cơ hội đổi nghề. Chẳng sinh viên nào muốn theo học trường sư phạm, nếu có khả năng tìm nghề khác.
Không cần ông Tân Bộ trưởng GD&ĐT nói điều câu này, ai cũng biết ngay từ ngày miền Nam bị “phỏng” đến nay, giáo viên chưa bao giờ sống được bằng lương. Thế mà bao nhiêu năm nay, ông bộ trưởng nào lên cũng nghĩ giáo viên sống được nhờ “lý tưởng cách mạng”, nên chẳng ai mở miệng hỏi “lương thầy cô có đủ sống không?”
Một cô giáo có hơn 40 năm gõ đầu trẻ nói với rằng cô ấy không hiểu làm sao mình sống được bằng đồng lương dạy học. Vừa buông viên phấn là tất tả chạy đi “xin cơm heo về nuôi lợn”, tối ăn xong miếng cháy lại ngồi làm giáo án, chấm bài đến khuya. Trước khi đi ngủ cô ấy nhìn mấy con heo rồi cám cảnh: “Tụi mày còn sướng hơn giáo viên trăm lần. Chết đi còn để lại miếng thịt cho đời, tụi tao mà chết thì chỉ còn da bọc xương”.
Một tài khoản tên hieubrazin92 viết trên voz.vn đại khái như thế này:
Giáo viên không sống được bằng lương là điều hiển nhiên, khỏi phải bàn. Mới ra trường hưởng lương 3 triệu đồng/tháng, “bán cháo phổi” hơn 30 năm, đến khi gần về hưu lương mới lên được gần 10 triệu. Mức lương đó cũng chỉ đủ đi bác sĩ và tự lo cho mình đỡ phải trông chờ con cái.
Cái giai đoạn khó khăn nhất là tầm 30-40 tuổi. Lương thấp, con cái còn nhỏ nên nhiều thứ phải lo. Muốn đủ sống thì phải trông chờ vào lậu từ việc dạy thêm, lễ tết được phụ huynh thăm nom rồi xin xỏ vào trường và lớp chọn. Những người không làm được vậy hoặc không có điều kiện làm thì tìm thêm việc khác chân trong chân ngoài mà chân ngoài phải dài hơn chân trong thì mới đủ nuôi bản thân để mà theo nghề được. Thế nên gặp thầy cô nào ăn nói bặm trợn thì cũng đừng ngạc nhiên, họ đứng bán đồ “lạc xoong” ngoài chợ trời riết nên ăn nói có phần hơi… cứng thôi chứ họ yêu học sinh lắm.
Nhìn lại, bộ trưởng bộ Dục nhiệm kỳ 2006-2010 Nguyễn Thiện Nhân cũng đã hứa với các nhà giáo là ông “sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010 thì nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình”, khỏi ra đứng ngoài chợ trời nữa.
Chẳng biết ông Nhân có trình lên hay không, hoặc có trình kế hoạch lên nhưng bị Chính phủ và Bộ Chính trị, Ban Bí thư bác bỏ (?) Không ai biết điều này, vì sau đó ông ấy không trả lời cho giáo viên biết lời hứa của ông đã thực hiện đến đâu.
Vào năm 2019, ông Nguyễn Thiện Nhân bị người dân Sài Gòn đổi tên thành “tiện nhân” vì ra lệnh cho đồng bọn “ăn cắp” lư hương Đức Thành Trần ở Bến Bạch Đằng đem về để ở Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, nhằm tránh người dân Sài Gòn ra đó tưởng niệm các chiến sĩ VNCH hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974.
Đến thời ông bộ trưởng Phạm Vũ Luận (2010-2016), với quyết tâm “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, ông Luận tiếp tục “xin” đảng và nhà nước ngó vào bảng lương giáo viên, xem họ sống thế nào, để tăng lương cho họ. Với kế hoạch “cải cách giáo dục toàn diện”, ông Luận hy vọng việc cải cách chế độ tiền lương sẽ có những điều chỉnh mang tính lâu dài và bảo đảm được cuộc sống cho các nhà giáo.
Có thể kế hoạch của ông Luận chẳng ra gì, hoặc đảng và nhà nước hồi đó có nhiều vấn đề lớn phải giải quyết quá nên… quên bén việc tăng lương cho giáo viên theo đề nghị của ông (?!)
Đến thời ông (Phùng Xuân) Nhạ “ngọng” (2016-2021) thì chẳng ai nghĩ ông ta quan tâm đến lương giáo viên, dù ông ấy đã có lần “rớt nước mắt” khi biết tin một giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh sau 37 năm công tác chỉ nhận được gần 1,3 triệu đồng tiền lương hưu.
Bởi ông dành phần lớn thời gian ở bộ Dục để lo “cải tiến sách giáo khoa”. Nghe nói ông bộ trưởng và một ngàn giáo sư, tiến sĩ “theo đóm ăn tàn” kiếm không ít tiền trong vụ này. Ông Nhạ không lo lương cho giáo viên cũng đúng, vì theo lời ông “nghị quyết Trung ương (số 27) đã nói thang bảng lương của các thầy cô giáo phải được xếp cao nhất!”
Thế nên, theo ông Nhạ, nhiệm vụ của ông chỉ là “phối hợp với các Bộ, ngành để có đánh giá công bằng và khi thầy, cô đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo được động lực, đồng thời, theo đúng tinh thần Nghị quyết của Trung ương mà thôi”. Chẳng biết ông “phối hợp, phối giống” thế nào mà sau khi ông rời chức bộ trưởng, lương giáo viên vẫn thế.
Đến thời ông Sơn, ông còn mạnh miệng hơn: “Cần cấp bách tăng lương, phụ cấp cho giáo viên”. Nhưng bây giờ chẳng còn ai tin lời mấy ông bộ trưởng nữa. Nhiều giáo viên đã nhìn ra thực trạng đó từ lâu và chấp nhận bỏ nghề trong luyến tiếc. Ông Sơn nói “phải làm cấp bách” vì số lượng giáo viên bỏ dạy ngày càng nhiều, nếu tính đến năm 2026, Bộ Giáo dục sẽ thiếu 107.000 giáo viên, trong khi chỉ tiêu giáo viên được chính phủ cho phép nhận vào chỉ có hơn 65.000 người. Với đồng lương còm cõi hiện nay, chưa chắc bộ ông Sơn nhận đủ 65.000 người.
Về vấn đề lương giáo viên, ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ông Bộ trưởng bộ Dục không có quyền quyết định, mà chỉ được “đề nghị” thôi. Lương tăng, tăng bao nhiêu là do ông thủ tướng xem xét dựa vào sự phát triển kinh tế, và phải cân đối giữa các ngành.
Mà ông thủ tướng thì phải chờ chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhiêu khê lắm! Hóa ra, từ trước đến nay, mấy ông bộ trưởng bộ Dục cứ cho giáo viên ăn “bánh vẽ” khi tạo cho họ “niềm tin” rằng các ông sẽ tăng được lương cho họ.
Ông Phó Thủ tướng Đam nói muốn giáo viên sống được thì nền kinh tế nhất định phải tăng trưởng mới có tiền tăng lương. Nhưng hiện nay tham nhũng tràn lan, như nhà dột từ nóc, thì chuyện tăng lương cho giáo viên xin được khất đến… muôn đời sau!