Chẳng hạn như sự kiện Hội PHHS trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) yêu cầu mỗi phụ huynh đóng thêm khoảng 7,1 triệu đồng/năm và nhờ vậy, trường sẽ kiếm được khoảng 1,3 tỉ đồng trong niên khóa này.
Giáo dục vẫn là một trong những lĩnh vực gây bất bình và lo ngại cho nhiều giới trong xã hội Việt Nam. Ngoài những bất cập liên quan đến quản trị – điều hành, trao truyền kiến thức, kỹ năng, bất chấp các tuyên bố, cam kết của những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, bất bình đẳng trong cơ hội thụ hưởng giáo dục như một loại phúc lợi công cộng càng ngày càng trầm trọng.
Tuần này, Dân Trí giới thiệu một video clip dài bốn phút ghi lại phát biểu của bà Phạm Thị Kim Tuyến – Hội phó Hội Phụ huynh học sinh (Hội PHHS) Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp, TP.HCM) tại cuộc họp phụ huynh học sinh lớp 3/10 ở trường này. Trong cuộc họp vừa đề cập, bà Tuyến đã điểm mặt một số phụ huynh, yêu cầu trả lời tại sao không góp tiền và khuyến cáo, đại ý: Nghèo thì đừng đua đòi cho con theo học lớp 3/10 (1)!..
Video clip vừa đề cập khiến nhiều người nổi giận nhưng ít ai ngạc nhiên. Số người bày tỏ sự sửng sốt trên mạng xã hội Việt ngữ phần lớn là những người rời Việt Nam đã lâu như Hue Chi Ha Thi: Hãi hùng quá! Sao các phụ huynh khác có thể để sự việc này xảy ra như vậy? Đáng lẽ phải tống cổ phụ huynh kia ngay và liền. Chẳng lẽ là cậy có bảo kê của hiệu trưởng nên gáy to (2)?..
Bởi bà Tuyến phát biểu như thế trước mặt cả giáo viên lẫn Hiệu trưởng nên nhiều người nghĩ như Do Duy Ngoc: Đúng là bí ổi. Ai cho phép bà này lớn tiếng bảo gia đình nào khó khăn thì đừng học lớp này? Ai cho bà quyền hài tên những phụ huynh nghèo? Ai cho bà quyền làm nhục người khác? Khốn nạn nhất là Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm ngồi im thin thít. Không im sao được khi có người huy động tiền cho mình. Thật sự khốn nạn! Nhà trường biến thành nơi bán chữ. Người thầy thành kẻ đi buôn. Không thể chấp nhận hành vi của bà này, cũng không thể chấp nhận những kẻ mang danh giáo chức nhưng để đồng tiền biến thành đớn hèn như thế. Trẻ con mới lớp ba mà đã gieo vào đầu chúng sự khinh rẻ người nghèo, phân chia sang hèn trong lớp học… Chúng ta căm phẫn khi xem video clip, nghe những lời nghịch nhĩ của bà Hội phó Hội PHHS nhưng rồi muốn con được đi học cũng đành nghiến răng, nhịn ăn mà đóng cho đủ để chúng chia nhau. Khốn nạn thế đấy! Nền giáo dục giờ đây nằm tận dưới đáy hố rồi, không còn cách nào vực lên được nữa. Khi nào không còn những thứ thi đua vô bổ, không còn là chợ mua bán chữ, không còn những kẻ tìm đủ cách để chia chác lợi lộc với nhau, không còn đám chim mồi mang lốt Hội PHHS, không còn những kẻ đớn hèn vì sinh kế mà cúi đầu nhẫn nhục… lúc đó mới mong trường học đúng là nơi dạy chữ, dạy làm người (3)…
Cũng có một số người như Thái Hạo cho rằng: Dù những phát biểu của bà Tuyến rất đáng phê phán nhưng đó vẫn không phải là đối tượng chính để chúng ta trút nỗi bất bình và công phẫn của mình. Theo ông Thái Hạo: Trong buổi họp có giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng ngồi dự tại sao vị phụ huynh đại diện cha mẹ học sinh lại có thể thốt ra những lời như: “Những phụ huynh thật sự khó khăn đừng theo các lớp này… Hoàn cảnh em khó khăn lắm, đi chiếc xe đạp rất tội nghiệp…”. Rồi chỉ mặt từng phụ huynh, yêu cầu đứng dậy, chất vấn, sỉ nhục? Không có sự bàn bạc, thông đồng của giáo viên chủ nhiệm và nhất là hiệu trưởng, liệu vị phụ huynh ấy có dám nói năng ngang ngược như thế không? Và nói thế để làm gì? Chưa hết, khi phóng viên báo Lao Động hỏi chuyện thì ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GDĐT quận Gò Vấp trả lời rằng video clip ghi lại buổi họp “xảy ra từ năm ngoái nhưng không hiểu sao giờ này lại xuất hiện”. Nó chứng tỏ một sự bao che có hệ thống từ trường lên tới phòng và thậm chí là cao hơn nữa. Như vậy, đây là căn bệnh của ngành giáo dục chứ không phải chỉ là vấn đề đạo đức cá nhân của vị đại diện cha mẹ học sinh kia. Dù màu sắc, tính chất, nặng nhẹ khác nhau nhưng về cơ bản, ngày nay các ban đại diện cha mẹ học sinh đã trở thành cánh tay nối dài của các cấp quản lý giáo dục mà trực tiếp là hiệu trưởng. Chính bộ máy ấy đã tuyển lựa, định hướng và góp phần làm hư những ban đại diện này trên khắp cả nước.
Thái Hạo lưu ý thêm: Toàn bộ phát biểu của vị đại diện cha mẹ học sinh xoay quanh chuyện tiền, đóng tiền. Luật giáo dục nêu rõ là PHỔ CẬP Tiểu học và THCS, nghĩa là phải miễn phí. Tuy nhiên, dù luật ghi rành rành như thế nhưng mới hôm qua thôi TPHCM còn quyết định tăng học phí lên gấp năm lần so với hiện tại. Chuyện gì đang xảy ra với cái gọi là Luật Giáo dục vậy? Nhắc lại, theo luật, ít nhất là đối với Tiểu học và THCS, thì phải là miễn phí – không được thu học phí chứ đừng nói đến việc đẻ ra các khoản trên trời dưới đất để thu đến khô xương kiệt máu của cha mẹ học sinh như thế. Cũng xin nhắc lại, cái cần bàn, cần lên tiếng và phản đối ở đây không phải là đạo đức của vị đại diện cha mẹ học sinh kia mà là sự hư hỏng của bộ máy quản lý, là sự bóp méo Luật Giáo dục. Một hiệu trưởng ngồi trong phòng họp nghe đại diện phụ huynh phát ngôn như thế mà không hề có sự can thiệp nào, ông/bà ta phải bị đuổi khỏi ghế hiệu trưởng. Một Trưởng phòng Giáo dục quanh co nói dối và bao che trắng trợn như thế phải bị cách chức. Và một bộ luật công khai bị từ chối thực thi như thế, hãy yêu cầu nó được thượng tôn (4).
***
Giáo dục không chỉ khiến thiên hạ sôi sùng sục vì video clip vừa đề cập. Giáo dục còn được đun sôi bởi vô số sự kiện khác. Chẳng hạn như sự kiện Hội PHHS trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) yêu cầu mỗi phụ huynh đóng thêm khoảng 7,1 triệu đồng/năm và nhờ vậy, trường sẽ kiếm được khoảng 1,3 tỉ đồng trong niên khóa này. Không thể kể hết sự sáng tạo của hệ thống đang điều hành các “mái trường XHCN” khi lập những khoản thu, thu từ tiền mua giấy vệ sinh trở lên đến… “chăm cô”. Thậm chí học sinh lớp một ở quận Ba – TP.HCM còn phải “hỗ trợ sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở cho công nhân viên chức, lao động nghèo trên địa bàn quận ba” để thực hiện… “Mái ấm công đoàn”. Có những facebooker như Hoàng Nguyên Vũ thắc mắc: Nhà trường sinh ra trên đời này để làm gì vậy (6)? Với thiên hạ, những thắc mắc kiểu này có thể là… ngớ ngẩn nhưng tại Việt Nam, đó là nỗi đau mà các thế hệ cùng “ngậm đắng, nuốt cay” chịu đựng vì không được trả lời và cũng không thể trả lời!
Chú thích
(5) https://zingnews.vn/phu-huynh-buc-xuc-vi-phai-dong-tien-theo-goi-y-cua-hieu-truong-post1359431.html