- QUAN HỆ ẤN – TRUNG TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ ẤN – NGA, ẤN – MỸ
Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã vẽ lại bản đồ quan hệ giữa nhiều nước. Trong số các sự thay đổi quan hệ địa chính trị thế giới có tầm ảnh hưởng đáng kể là sự thay đổi quan hệ Ấn – Nga, Ấn – Mỹ. Nhìn cho kỹ thì quan hệ Ấn – Nga, Ấn – Mỹ chịu sự chi phối một mức độ đáng kể của quan hệ Ấn – Trung.
Ngoài xung đột với Pakistan, nơi Ấn Độn có thể giữ vị thế ngang bằng, không thất thế, thì mối xung đột lãnh thổ dai dẳng khó giải quyết với Trung Quốc đặt Ấn Độ vào tình thế phải tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Vị thế của Ấn Độ trong cán cân xung đột Ấn – Trung không được như vị thế trong xung đột Ấn – Pakistan. Bởi thế Ấn Độ cần sự chống lưng của các cường quốc để cân bằng với Trung Quốc trong xung đột biên giới. Cuộc xung đột biên giới năm 2020, sau cuộc xung đột biên giới 1962, một lần nữa cho thấy vấn đề biên giới Ấn – Trung chưa có lối thoát. Trung Quốc không từ bỏ yêu sách lãnh thổ của Ấn Độ. Trung Quốc ngày càng mạnh thì đòi hỏi lãnh thổ ngày càng cường quyền. Trung Quốc là đối thủ hiện hữu khó chơi nhất của Ấn Độ.
Để cân bằng với Trung Quốc, đã nhiều thập niên, Ấn Độ tìm kiếm sự ủng hộ của Liên Xô trước đây và của Liên bang Nga sau đó. Một nhân tố quan trọng để có sự ủng hộ là mua vũ khí của Liên Xô và của Liên bang Nga. Bằng việc mua vũ khí của Nga, Ấn Độ tìm kiếm một sự ủng hộ của Nga, chí ít là không nghiêng về Trung Quốc.
Nhưng cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc. Nga không thể giữ được vị trí cân bằng trong xung đột Ấn – Trung. Ấn Độ không thể dựa vào Nga để có thêm sức mạnh trong tranh chấp Ấn – Trung mà ngược lại, Nga sẽ ở “phe Trung Quốc”. Ấn Độ phải chọn con đường khác.
Giờ đây Ấn Độ phải dấn bước sâu hơn nữa trong liên minh kim cương bộ tứ ‘Mỹ, Nhật, Ấn, Úc’ để đối trọng với Trung Quốc. Giờ đây Ấn Độ đang hướng về vũ khí phương Tây, chứ không phải là vũ khí Nga để có ưu thế trong tranh chấp vũ trang Ấn – Trung.
Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã đẩy Ấn Độ xa Nga trên mọi phương diện, trong đó rất quan trọng là tỷ phần cung cấp vũ khí. Nếu trước đây, trong nhiều thập niên Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ, thì nay bức tranh đã đổi hướng. Tỷ phần vũ khí Nga giảm từ 69% cho giai đoạn 2012-2017 xuống 46% cho giai đoạn 2017-2021. So với năm 2012 thì năm 2021 Ấn Độ đã giảm 50% ngân sách mua vũ khí của Nga. Từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, Ấn Độ dừng đơn hàng 29 máy bay Mig 29 của Nga và chuyển sang nguồn cung cấp thay thế từ phương Tây. Chiến tranh Nga – Ukraine sẽ còn tác động mạnh hơn nữa lên tỷ phần ngân sách Ấn Độ dành cho mua vũ khí từ Nga (https://economictimes.indiatimes.com/…/art…/90218483.cms
https://www.economist.com/…/india-is-cutting-back-its…).
Về phương diện chính kiến trên trường quốc tế, quan điểm của Ấn Độ đã có những thay đổi quan trọng về chiến tranh Nga – Ukraine. Ấn Độ ngày càng tỏ thái độ phản đối Nga phát động chiến tranh chống Ukraine. Trong các phát biểu tại Liên hợp quốc (LHQ) và ở các diễn đàn quốc tế, Ấn Độ công khai tuyên bố tôn trọng chủ quyền và toàn vện lãnh thổ, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Hiến chương LHQ – là đã gián tiếp phản đối cuộc chiến của Nga. Ấn Độ lên án Nga về sát hại dân thường ở Bucha và ủng hộ cuộc điều tra độc lập. Ấn Độ chỉ trích Nga vì đẩy các nước đang phát triển vào tình thế nguy hiểm về an ninh lương thực và tác động xấu lên phát triển kinh tế. Ấn Độ khẳng định không có kẻ chiến thắng trong cuộc chiến Nga – Ukraine và kêu gọi TT Putin đàm phán trực tiếp với TT Zelensky.
Quan điểm của Ấn Độ phê phán Nga ngày càng gia tăng. Nếu 3 cuộc bỏ phiếu trước đây tại LHQ về Ukraine, Ấn Độ chọn phiếu trắng, thì gần đây nhất, ngày 16/9/2022 Ấn Độ đã bỏ phiếu ủng hộ TT Zelensky phát biểu trực tuyến trước Đại hội đồng LHQ, trái với nguyện vọng của Nga. Quyết định của LHQ được thông qua với 101 phiếu thuận, 19 phiếu trắng, 7 phiếu chống (Nga, Belarus,Triều Tiên, Syria, Cuba, Nicaragua và Eritria) (https://cand.com.vn/…/lien-hop-quoc-trao-ukraine-co…/).
Tại Hội nghị Thượng đỉnh của tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Samarkand của Uzbekistan (15-16/9/2022), Thủ tướng Ấn Độ Narenda Mori đã bày tỏ sự phản đối Nga khi trực tiếp nói với TT Putin rằng “Tôi biết rằng thời đại ngày nay không phải là thời của chiến tranh và tôi đã nói với ngài trên điện thoại về chuyện này nhiều lần”( https://thanhnien.vn/thu-tuong-an-do-trach-tong-thong-nga…).
Về thương mại, do Nga hạ giá mạnh, để giảm bớt tình trạng suy thoái kinh tế, Ấn Độ đã tăng lượng mua dầu của Nga vào tháng 4 lên 389.000 thùng/ ngày, và 1 triệu thùng/ ngày vào tháng 6/2022, nhưng tổng kim ngạch Ấn – Nga không đáng kể. Năm 2021, kim ngạch thương mại Ấn – Nga (khoảng 13 tỷ USD) chỉ bằng 8,2% kim ngạch thương mại Ấn – Mỹ (157 tỷ USD). Ấn Độ đang rời xa Nga trên mọi phương diện.
Trung Quốc không từ bỏ yêu sách có thêm lãnh thổ tại biên giới Trung – Ấn. Trung Quốc càng mạnh thì yêu sách lãnh thổ tại biên giới Trung – Ấn càng lớn. Đó là bài toán mà Ấn Độ phải đối mặt ngày càng gay gắt.
Điều đã khiến Ấn Độ mỗi ngày một rời xa Nga là nhận thức rõ ràng của Ấn Độ về Nga, rằng Nga không phải là nhân tố mà Ấn Độ có thể dựa vào để có thêm sức mạnh trong cuộc tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Nga càng gần Trung Quốc bao nhiêu thì Ấn Độ càng rời xa Nga bấy nhiêu. Nga dưới triều đại Putin không phải là đồng minh tin cậy của Ấn Độ. Để giúp cho Ấn Độ có ưu thế với Trung Quốc về cả 3 phương diện – vũ khí, kinh tế và ngoại giao thì Ấn Độ phải tìm kiếm ở Hoa Kỳ và phương Tây, chứ không phải ở Nga.
- KẾT LUẬN NÀO CHO VIỆT NAM TỪ QUAN HỆ ẤN – NGA?
Tương tự như Ấn Độ, Việt Nam cũng phải đối mặt với những yêu sách lãnh thổ không kém phần gay gắt từ Trung Quốc. Từ ngàn xưa, Trung Quốc đã nhiều lần đem quân xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Trung Quốc hiện đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc ngày càng mạnh thì yêu sách chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông càng cường bạo.
Ngoài mục tiêu bành trướng lãnh thổ, Trung Quốc còn có mục tiêu đặt Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, và tìm mọi cách khiến cho Việt Nam chuyển động theo quỹ đạo của Trung Quốc vẽ ra.
Biết rằng tự lực là nhân tố quyết định, nhưng sự giúp đỡ quốc tế cũng vô cùng quan trọng. Nước lớn như Ấn Độ mà phải cần đến các cường quốc để có thêm sự chống lưng trong xung đột lãnh thổ với Trung Quốc thì nước nhỏ hơn như Việt Nam càng phải tìm sự ủng hộ của các nước mạnh để bảo vệ chủ quyền.
Chiến tranh Nga – Ukraine đã làm cho nước lớn như Ấn Độ phải thay đổi chiến lược quan hệ quốc tế và chiến lược mua sắm vũ khí thì các nước yếu hơn không thể không định dạng lại chiến lược quan hệ quốc tế và chiến lược quốc phòng.
Trước đây, với các nước có thu nhập quốc dân trên đầu người chưa cao, trong số đó có Ấn Độ, thì sự lựa chọn vũ khí Nga là sự lựa chọn “theo túi tiền”. Nhưng chiến tranh Nga – Ukraine đã cho thấy vai trò sống còn của vũ khí chính xác.
Sự rẻ tiền sẽ không đảm bảo được tính mạng. Thà mua 1 vũ khí hiện đại đắt tiền, bắn trúng đích trước để sống sót, còn hơn mua 10 vũ khí rẻ tiền, bắn trượt để bị tiêu diệt. Quân đội Việt Nam cần một chuẩn hoá mới.
Trong một thế giới luôn tồn tại “cá lớn nuốt cá bé” thì muốn sống sót phải có đồng mình. Không chỉ một đồng minh mà có nhiều đồng minh. Đồng minh không có nghĩa là đối đầu. Đồng minh không có nghĩa là chọn phe. Đồng minh không loại trừ độc lập, tự chủ./.