Ai chủ trương dạy văn dạy tố cáo chế độ?

Ảnh minh họa
- Quảng Cáo -

Chu Mộng Long

Tôi dạy văn 30 năm. Có học trò chứng giám: tôi chúa ghét dạy văn dạy tố cáo chế độ này chế độ kia để tự ca ngợi chế độ mình. Gần đây nhất, một lần ngồi Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ, tôi phê bình học viên, rằng đó là nghiên cứu xã hội học dung tục. Nhiều giáo sư khi đưa tri thức thi pháp học vào nhà trường và mở hướng nghiên cứu mới, nhưng vẫn gà què khi không biết nói gì nữa, đành quay lại cái điệp khúc tố cáo chế độ cũ và ngợi ca chế độ mới. Cứ mở vô số các sách cũ giảng văn lẫn sách mới áp dụng thi pháp học ở Việt Nam ra xem chứ tôi không bịa.

Theo tôi, văn chương dẫu có “phản ánh hiện thực” đến thô thiển, cũng không là công cụ để chính trị lợi dụng. Mà nền chính trị nào lợi dụng điều đó, ắt đến lúc tự bắn đại bác vào chế độ của mình. Chỉ cần một tác phẩm miêu tả một cảnh đời đau khổ trong thực tại, với cách hiểu văn như vũ khí tố cáo chế độ, ắt cái bộ mặt chế độ thực tại bị bắn nát.

Tốt nhất, thưởng thức văn chương là thưởng thức những giá trị nhân văn, tức thông điệp thẩm mỹ mà tác phẩm mang đến. Thông điệp thẩm mỹ không phải là “cái hay”, “cái đẹp” mà các giáo sư văn học nói một cách sáo rỗng mà phải hiểu là sự hòa điệu: hòa điệu giữa người đọc và nhân vật, giữa người đọc và nhà văn. Văn học cũng như mọi sáng tạo thẩm mỹ đánh thức tiềm năng cảm xúc ở mỗi con người, đúng nghĩa từ Aesthesis, tiếng Hy Lạp là sự rung động, nhạy cảm. Nhờ nhạy cảm, con người gắn bó với tự nhiên và chia sẻ với đồng loại, cụ thể là biết vui, biết buồn, biết hạnh phúc, biết đau khổ cùng người khác.

- Quảng Cáo -

Thái Hạo, khi nói về cái chết của cô giáo ở thành phố Quy Nhơn và cái án tù của một người chồng tự tử không thành sau khi giết vợ để giải thoát bệnh tật và đói nghèo, đã dẫn chuyện Người con gái Nam Xương, chuyện Thúy Kiều, chuyện Lão Hạc… với những trang sách giáo khoa dùng các hình tượng ấy tố cáo tội ác của chế độ cũ để đặt câu hỏi: những chuyện bi thảm đang diễn ra trong hiện tại là tố cáo chế độ nào? Cách đặt vấn đề rất hay, lẽ ra làm nhột các giáo sư làm sách giáo khoa, giáo trình, nhưng bất ngờ là các giáo sư và nhiều trí thức chia sẻ một cách hả hê. Đúng là giáo sư mặt mo!

Trong sự kiện cô giáo tự vẫn để lại lời ai oán về công việc, về nghề nghiệp và đồng nghiệp trong bức thư tuyệt mệnh, điều tôi thật sự bất ngờ là ít có sự hòa điệu, chia sẻ, nhất là trong giới lãnh đạo và cả trong đội ngũ giáo viên. Quan trên trung ương thì im hơi lặng tiếng. Quan của tỉnh thì dửng dưng biện bạch: do cô giáo trầm cảm. Quan cấp phòng, sở thì đổ lỗi do hoàn cảnh gia đình, do phụ huynh côn đồ, do học sinh hư làm cho cô giáo trầm cảm. Lại còn chối đẩy đẩy, rằng công việc đầu năm của nhà giáo không có áp lực nào. Họ xem bệnh trầm cảm như là tự nhiên chứ không phải là nguyên nhân xã hội vậy. Thiếu hiểu biết tâm lý tối thiểu như vậy, nhưng họ vẫn làm quản lý, vẫn làm giáo dục thì quản lý và giáo dục không tệ hại mới là chuyện lạ.

Một cô giáo, hình như cũng dạy văn, có tên Lã Minh Luận, ngoài lời mỉa mai chính đáng vào cái nền giáo dục này, lại mỉa mai luôn cái chết của cô giáo. Đúng là sự vô cảm đã đến mức báo động. Khi chỉ biết dùng văn chương như vũ khí chống chế độ, con người đã trở nên lạnh lùng vô cảm. Bởi đã là “vũ khí” thì bản chất của vũ khí nào cũng lạnh lùng vô cảm. Vũ khí có thể giết giặc nhưng cũng tàn sát luôn cả đồng loại.

Tôi dám khẳng định, dạy văn ở Việt Nam đã hoàn toàn lạc hướng. Môn Ngữ văn, dù đã cải cách từ phê bình xã hội học sang thi pháp học hiện đại, nhưng cách giảng văn cũ và cách đọc hiểu văn bản mới như hiện nay đã giết chết tâm hồn con người. Từ dạy văn học như một thứ vũ khí tố cáo chế độ đến đọc hiểu văn bản một cách lý tính khô khan trừu tượng, môn văn xem như đã chết từ lâu. Người học văn không còn thấy trong văn chương tất cả những giá trị nhân văn đúng nghĩa. Chẳng hạn, một tấm lòng cao cả của vua Priam làm xúc động “người hùng” Achilles khi xin xác con mình là Hector và xin tha chết cho dân lành trong cuộc chiến thành Troia. Không ngẫu nhiên mà Achilles thốt lên: “Ngài là nhà vua vĩ đại nhất mà tôi từng biết”. Giáo trình chỉ dạy máu côn đồ được gọi là các anh hùng trong cuộc chiến giành đất, giành gái thời bộ tộc nguyên thủy. Người học văn không còn thấy sau cái chết của Romeo và Juliet là sự thức tỉnh của những người đang sống để hóa giải mọi định kiến và hận thù, nếu có chỉ là leo lẻo ở đầu môi chót lưỡi chứ không thực tâm. Cái chết của người con gái Nam Xương, hành vi tự vẫn của Thúy Kiều, cái chết của lão Hạc hay Chí Phèo được dùng như một vũ khí chống chế độ, thì chuyện một cô giáo hôm nay tự sát vì áp lực công việc hay quan hệ với đồng nghiệp, ắt cũng không thức tỉnh được ai.

Tôi không đánh đồng mọi chế độ để đi đến hòa cả làng. Một cách sòng phẳng, chế độ nào cũng có những mảng tối của những cuộc đời, những thân phận do những quan hệ xã hội tạo ra. Chức năng chính của văn chương là khơi lên cái phần tăm tối ấy để thức tỉnh lương tri đồng loại, để đồng cảm, chia sẻ. Chỉ vì các giáo sư động đến cái phần tăm tối ấy là biến thành vũ khí chống chế độ, nên giới cầm quyền mới siết chặt gọng kìm kiểm duyệt, đến mức nghiêm cấm hẳn, thực chất là che đậy hẳn cái xấu, cái ác và khuếch trương những thứ đẹp đẽ giả tạo để bịp bợm.

Văn chương là sản phẩm của tâm hồn trong cuộc kiếm tìm hòa điệu. Khuếch đại đủ thứ chức năng lớn lao của văn chương, trong đó có chức năng biến văn chương thành vũ khí, cũng làm cho nhà văn vô cảm, viết lên những câu văn khát máu mà nhầm tưởng mình vĩ đại.

Bài trước, tôi kêu gọi giới quản lý và các nhà giáo hãy thức tỉnh, bằng lương tâm và trách nhiệm, bằng những hành động cụ thể như dẹp ngay các trò cải cách làm loạn não cả thầy và trò, cải tạo quan hệ đồng nghiệp trong nhà trường, thay bằng gây áp lực là kích thích hứng thú trong công việc, may chăng mới hạn chế được những cái chết thương tâm mà gần đây đã diễn ra đến mức báo động. Nhưng xem ra khó. Bởi giới lãnh đạo không hề thấy mình là thủ phạm khi tạo ra những áp lực đẩy nạn nhân vào cái chết. Các giáo sư, trí thức thì dùng cái chết của nạn nhân làm vũ khí bắn ngược vào chế độ, dửng dưng đến mức không biết đó là tự bắn ngược vào chính mình. Một xã hội mà những người có trách nhiệm mất hẳn khả năng đặt mình trong hoàn cảnh của nạn nhân, tức mất hẳn trái tim hòa điệu hay đồng cảm chia sẻ thì còn nhiều cái chết thương tâm nữa sẽ diễn ra. Xem ra thằng cu Sơn Tùng nhạy cảm hơn tất cả khi quy mọi hành vi tự tử về một nguyên nhân: There is no one at all – không một ai chia sẻ. Chung quy đều do giáo dục. Giáo dục, và đặc biệt là môn Ngữ văn, do các giáo sư tạo ra, lâu nay đã nhào nặn trái tim con người thành trái tim của loài thú dữ, hoặc không có trái tim, cho nên mới đẻ ra cái xã hội cầy cáo như vậy./.

Chu Mộng Long

- Quảng Cáo -