Hàn Lam (VNTB)
Mặt trời tắt nắng lâu rồi trong nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa
Đảng chưa sực tỉnh với tình trạng người Việt Nam làm thuê, làm mướn ở đáy của chuỗi giá trị nên nhiều người vẫn nghiện FDI mà lơ là phát triển doanh nghiệp dân tộc, thờ ơ với cải cách giáo dục.
“Họ lơ là cung cấp lao động có chất lượng cho doanh nghiệp trong nước, cả FDI lẫn quốc nội, nhưng lại bắt đầu say sưa với “chiến lược xuất khẩu lao động chất lượng cao “ cho thị trường ngoài nước. Chán!” – một ý kiến nhận xét.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tổng số 25.171 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, chỉ có 10.125 doanh nghiệp FDI sản xuất kinh doanh lãi, chiếm hơn 40%; trong khi có 14.108 doanh nghiệp báo lỗ, tương đương 56%. Số thua lỗ năm 2020 của các doanh nghiệp FDI ghi nhận lên tới khoảng 151.064 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2020, có hơn 16.100 doanh nghiệp FDI báo lỗ, chiếm khoảng 64% doanh nghiệp khai báo. Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI đến hết năm 2020 lên tới hơn 623.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, các dự án FDI hiện nay chủ yếu có quy mô nhỏ. Tính đến hết tháng 12-2021, cả nước có 1.254 dự án đầu tư có vốn từ 50 triệu USD trở lên, còn lại hàng chục ngàn dự án có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD, chiếm tới 96,4% tổng số dự án FDI. Hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao, suất đầu tư trên 1ha đất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo bình quân chỉ đạt 3,7 triệu USD.
Thực trạng chẳng mấy lạc quan ở trên, có thể đến từ nguyên do nguồn lao động đáp ứng cho FDI vẫn chưa tương xứng. Mới đây, tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra vấn đề rất nóng đối với thị trường lao động Việt Nam.
Đại diện WB cho rằng hãy nhìn vào bối cảnh hiện tại là Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Đây là vấn đề của giáo dục đào tạo nghề bậc trung cấp và cao học. Về kỹ năng của lao động, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore đứng thứ 79.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – ông Phạm Tấn Công đưa ra con số: Khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).
Thách thức nói trên cũng là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19 và các biến động của chính trị quốc tế.
“Từ chính phủ cho đến người dân. Chỉ thích ăn xổi ở thì kiểu làm giàu không khó, chỉ thích đầu cơ. Trong lúc đó thì môi trường bên ngoài Việt Nam ngày càng khó cho Việt Nam. Thật ra thì vẫn còn kịp, nhưng nhìn từ trên xuống dưới, từ giáo dục đến y tế… thì hỡi ôi, không còn niềm tin khi mà lãnh đạo tối cao vẫn thích tự sướng về lời khen xã giao của WB hồi nào về mặt trời đang tỏa sáng tại Việt Nam” – một ý kiến phản biện mang tính chính trị trong chuyện FDI đang ngày kém khỏe ở Việt Nam.
Mặt trời đang dần tắt nắng ở Việt Nam là điều không hề “phản động”
Hơn 30 năm thu hút đầu tư, nhưng thực tế thì Việt Nam vẫn không có cơ chế ràng buộc, khiến cho các doanh nghiệp FDI vẫn ưu tiên nhà cung ứng vốn đã có lịch sử hợp tác lâu dài hoặc các doanh nghiệp đồng quốc tịch, vì vậy doanh nghiệp Việt khó chen chân vào.
Theo một khảo sát của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp FDI chuyển sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam giảm dần. Cụ thể, năm 2015 có 68,9% doanh nghiệp FDI mua hàng từ doanh nghiệp tư nhân, 19,3% mua hàng từ các hộ kinh doanh; đến năm 2020 giảm theo thứ tự còn 62,5% và 14,8%.
“Tôi nghĩ rằng mặt trời tắt nắng lâu rồi trong nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi nếu vẫn tỏa nắng như rất nhiều lần tuyên bố về cơ đồ quốc gia trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp của người đứng đầu đảng, vậy thì phải giải thích ra sao khi ngần ấy năm không một nhà máy điện quy mô nào – kể cả vốn nhà nước, tư nhân hay FDI – được khởi công xây dựng trong khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Có những thời điểm mùa khô, tiêu thụ điện tiệm cận với công suất phát, dự phòng còn rất ít…” – một ý kiến phản biện chính trị, với dẫn chứng cụ thể./.