Đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt. Trên thế giới, những biến thể mới lại tiếp tục xuất hiện và có nhiều đe dọa mới đối với những thành quả chống dịch của nhân loại trong thời gian vừa qua.
Nhìn nhận lại thời gian đại dịch lan tràn trên thế giới hai năm qua, có quá nhiều điều để bàn luận và rút ra những kết luận khác nhau.
Trên bình diện quốc tế, chỉ mới hơn 2 năm đại dịch nhưng đã làm cho cả thế giới náo loạn và thay đổi. Không chỉ nó làm lung lay các nền kinh tế thế giới vững chắc, nó còn làm chao đảo nhiều hệ thống chính trị khác nhau trên thế giới từ những nước giàu có phát triển đến các nước nghèo khó.
Đại dịch COVID-19 xé toang bức màn che đậy chế độ
Tại Việt Nam, đại dịch đã cho thấy quá nhiều những mâu thuẫn xã hội ẩn giấu dưới cái vỏ bọc “an ninh, hạnh phúc, ổn định… ra sao. Đặc biệt, đại dịch đã bóc trần bản chất của một chế độ, vạch rõ trước thiên hạ cái thực chất của những từ ngữ hào nhoáng mà cả hệ thống quan chức, tuyên truyền cộng sản luôn ra rả năm này qua năm khác, thế hệ nọ sang thế hệ kia cho đến giờ vẫn chưa dứt.
Qua đại dịch,người dân Việt Nam, dù không muốn quan tâm đến thời sự chính trị đất nước, những người dù chỉ muốn cúi đầu chấp nhận mọi ngang trái xã hội, vô cảm trước nỗi đau nhân quần, thờ ơ với vận mệnh đất nước và chấp nhận một đời sống, một cuộc đời của con người nhưng không phải là con người khi nhân quyền bị tước đoạt. Thì ngay cả những con người đó, cũng không thể không nhìn thấy những tệ hại, những đốn mạt, những sự múa may của ngôn từ, miêng lưỡi người cộng sản đã dùng, đã nói và thực tế cuộc sống đã trả lời ra sao.
Để nói hết những vấn đề đó, quả thật sẽ là không dễ dàng sẽ tốn không ít thời gian và công sức, bởi tất cả mọi mặt cuộc sống xã hội đã thể hiện hết sức đầy đủ và rõ ràng không thể che đậy.
Ở đây, chỉ xét một khía cạnh rất nhỏ trong hàng nghìn hàng vạn hiện tượng xã hội sau đại dịch vừa qua. Một hiện tượng mới nảy sinh và có vẻ ngược đời đang xảy ra trong đời sống xã hội Việt Nam: Hiện tượng thiếu thuốc men và vật tư y tế, hàng loạt, hàng nghìn người trong hệ thống y tế bỏ nghề.
Thiếu vật tư Y tế
Báo chí Việt Nam cho biết: Mới đây, chiều 23/6/2022 tại Thủ tướng Chính phủ VN Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ họp về cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Thành phần họp được huy động đầy đủ các bộ, ban ngành của chính phủ. Đầy đủ các ban ngành và quan chức có thể quyết định những vấn đề quan trọng khẩn cấp cần giải quyết.
Nội dung của cuộc họp này, là để đối phó với tình hình đã đến lúc gay cấn về vấn đề y tế. Bởi theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại bệnh viện công. Cũng như hiện tượng cả chục ngàn nhân viên ngành Y bỏ việc.
Theo kết luận của Thủ tướng VN, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi khiến người dân lo lắng.
Thời gian qua, khắp cả nước, bắt đầu từ Sài Gòn, rồi Hà Nội, rồi đến các tỉnh, thành, tiếng kêu vang lên khắp nơi về hiện tượng bệnh viện không có thuốc điều trị, bệnh nhân phải tự mua thuốc đến bệnh viện để điều trị. Các gói thầu y tế không có người tham gia, có những gói thầu thuốc men, thiết bị y tế đã đấu thầu vẫn không thực hiện được…
Việc các bệnh viện, các cơ sở y tế nhà nước trở nên lúng túng mà không có giải pháp để xử lý hữu hiệu. Và bệnh nhân, người dân ốm đau, mua bảo hiểm y tế là những người chịu hậu quả của hiện tượng này.
Báo chí Việt Nam kêu lên rằng: Hệ lụy của những ách tắc này khiến nhiều bệnh nhân phải tự xoay trở rất khổ sở khi hằng ngày vẫn đang đối mặt với tình trạng bệnh viện thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Đáng lo hơn, tình trạng này vẫn chưa rõ khi nào được giải quyết rốt ráo.
Tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, do không thực hiện đấu thầu được cũng dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế khám chữa bệnh, gây khó khăn và thiệt thòi cho người bệnh.
Nhân viên ngành Y bỏ việc
Ngày 4/7/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – người vừa mới được cử điều hành Bộ Y tế thay Bộ trưởng vừa chuyển công tác vào nhà tù – cho biết: Tổng cộng trong 1,5 năm, cả nước có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.
Có lẽ đây là điều rất lạ và rất mới.
Ai cũng biết một điều là đã thành cái lệ, để được tuyển chọn vào ngành y tế không hề là chuyện đơn giản. Sau quá trình học hành rồi thực tập, rồi thi cử, thử thách nghề nghiệp rồi thi công chức… thì thông thường là tốn hàng chục là ít, còn bình thường là hàng trăm triệu đồng để được tuyển vào làm một chân ở bệnh viện hoặc ngành nghề Y tế. Điều người ta biết rất rõ là nhân viên y tế, sau cả chục năm công tác, phấn đấu thì mức lương được hưởng cũng chưa bằng mức lương của một nhân viên công an quèn mới vào nghề.
Thế nhưng, còn nhớ câu chuyện một Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh trước khi nghỉ hưu đã tuyển hàng loạt nhân viên mới vào ngành, bất kể đó là đứa đứng bán vải hay phe hàng ngoài chợ Tỉnh. Để rồi Giám đốc mới phải sa thải hàng loạt vì không có chỗ bố trí công tác. Thế là dòng người ùn ùn đến nhà cựu Giám đốc Sở đòi tiền và ngài cựu phải nhả ra trả số tiền không ít. Điều đó để nói rằng, dù vất vả, dù đói, thì những con đường chạy vạy vào ngành y, vào bệnh viện cũng luôn nhộn nhịp và tấp nập.
Thế mà nay bỗng nhiên hàng ngàn người bỏ ngành y tế không thương tiếc, không ngậm ngùi ắt hẳn phải có lý do.
Vì sao các dự án không được chào đón mặn mà?
Theo lý giải của Bộ Y tế, thì nguyên nhân thiếu vật tư y tế một phần do tác động của các yếu tố như tình hình dịch, mô hình bệnh tật. Nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Thiết nghĩ những lý do đó cũng là chuyện thường, và điều này không chỉ ở Việt Nam mới có, mà cả thế giới, bất cứ nơi nào thì những điều đó cũng đã và đang xảy ra, mặt khác, trong cả điều kiện dịch bệnh, thì ngay cả ở Việt Nam, đó cũng không phải là lý do chính để thiểu thuốc men điều trị và vật tư y tế như hiện nay.
Bởi việc khan hiếm thuốc men và vật tư y tế này chỉ xảy ra ở các bệnh viện nhà nước, nơi điều trị cho nhân dân. Còn ngoài xã hội, hẳn nhiên là không thiếu thuốc men, vật tư y tế. Điều rất rõ, là bệnh nhân điều trị vẫn mua thuốc men và vật tư y tế ở ngoài vào để bệnh viện công điều trị đó thôi.
Vấn đề chủ yếu tạo nên hiện tượng khan hiếm vật tư và thuốc men trong ngành y hiện nay, là ở chỗ mà báo chí Việt Nam đã nói: “tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm…”.
Nghĩa là hiện nay, các cơ sở Y tế khắp cả nước, hệ thống mua sắm vật tư thuốc men y tế đã mặc kệ, và họ không làm việc, không hào hứng với các dự án, các gói thầu mua sắm thuốc men và vật tư, thiết bị y tế như trước.
Đây là một điều hết sức lạ lùng, nếu những ai đã từng ở trong hệ thống quốc doanh, hệ thống chính trị Việt Nam. Bởi họ hiểu rất rõ rằng, những dự án, những gói thầu, những gói đầu tư… cho bất cứ ngành nào, đơn vị nào và ở cấp nào, đều là những cơ hội của họ.
Họ giành giật, họ chạy chọt, họ mua bán, họ hối lộ, chia chác… bằng mọi cách để được có những gói thầu, những dự án, những kế hoạch mua sắm vật tư, thiết bị trong bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào.
Thậm chí, trong xã hội Việt Nam đã hình thành một lớp người chuyên chạy dự án, chuyên môn chạy kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ quan, đơn vị… và thậm chí, hàng loạt cá nhân đã lợi dụng việc chạy dự án để lừa đảo tiền tỷ đó thôi.
Bởi được mua sắm, là có cơ hội để nâng giá, để thông thầu, để lập hồ sơ khống, để bằng mọi cách bòn rút của công đút túi riêng.
Chỉ riêng tại CDC Hà Nội, Nguyễn Nhật Cảm, một cán bộ ưu tú, một đảng viên trong sạch của đảng, đã nâng giá một hệ thống xét nghiệm Covid-19 từ 2,3 tỷ lên thành hơn 7 tỷ đồng. Nghĩa là chỉ gói thầu này, các cá nhân bỏ túi số tiền hơn gấp đôi số tiền bỏ ra mua thiết bị y tế.
Hoặc như chỉ riêng mấy bệnh viện ở Hà Tĩnh, mua chiếc máy giặt, sấy cho bệnh viện có giá thị trường chỉ từ 520-560 triệu đồng. Thế nhưng, các Giám đốc bệnh viện đã lập mưu nâng lên đến 3 tỷ và 3,5 tỷ đồng/bộ. Nghĩa là số tiền nhà nước bỏ ra gấp từ 6 đến 7 lần giá thị trường.
Thế nhưng nay bỗng dưng cả hệ thống y tế đã không hề mặn mà, không hề hăm hở gì với việc đấu thầu và mua sắm thiết bị y tế.
Thế rồi vụ Việt Á, như một quả bom nhiệt áp nổ giữa trời quang. Cả xã hội rùng mình chao đảo, bộ mặt của đảng bị bóc trần qua những cán bộ kiên trung, các chi bộ trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Hầu hết tất cả các tỉnh, thành, cái vòi Việt Á với tỷ lệ hối lộ từ 25-30% giá trị gói thầu, thì chưa có một đảng viên gương mẫu nào từ chối phạm tội. Cho đến nay, mới chỉ hơn chục tỉnh, thành bị moi ra, đã có gần 100 các đảng viên, cán bộ cao cấp từ bộ trưởng đến Tiến sĩ, giáo sư vào tù.
Và hệ thống nhà tù được tăng cường lượng trí thức nhiều vô kể. Đến mức, Nguyễn Phú Trọng phải trấn an “Đừng sợ bắt hết thì không có ai làm việc”.
Hẳn nhiên, đã mấy chục năm nay, dưới “sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của đảng” thì hệ thống này vẫn cứ vậy, vẫn cứ ngựa quen đường cũ mà đi. Nhưng nay, khi báo chí vạch rõ, chỉ thẳng mặt, vạch thẳng tay nạn sâu mọt, thì một số đồng chí bị lộ đã biến thành củi cho lò của Nguyễn Phú Trọng.
Hẳn nhiên là những đồng chí này vẫn trong sạch, vững mạnh và gương mẫu, chỉ có điều là không ở phe lò.
Thế mới nên tội.
Và nay thì không có cán bộ nào, bệnh viện nào tha thiết với việc mua sắm vật tư, thuốc men.
Bởi đã đấu thầu, đã mua sắm thì phải tham nhũng, phải nâng giá… Nếu không thì mua sắm làm gì. Nhưng việc mua sắm đã trở thành nguy hiểm, là bậc thang dễ dàng dẫn đến nhà tù.
Vì sao bỏ việc?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ Y tế nói rằng: “Nguyên nhân một phần do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; mặt khác do áp lực công việc cao, nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay”. Và một cán bộ Y tế đã trả lời: “Chúng tôi không thể cống hiến với cái bụng rỗng”.
Tuy nhiên, điều này không chỉ bây giờ cán bộ Y tế mới có cái bụng rỗng, cũng chẳng phải bây giờ mới bị áp lực cao.
Bởi vì là một ngành phục vụ hơn 90 triệu dân, mỗi năm được cấp kinh phí chưa bằng 1/10 kinh phí ngân sách cấp cho ngành Công an chỉ phục vụ một nhóm đảng viên cầm quyền. Thế nên mới có chuyện một người học hành xong, phục vụ ngành Y tế cả chục năm, nhưng lương chưa bằng một công an mới ‘nứt mắt’ vào ngành.
Thực chất, việc cán bộ ngành Y tế đua nhau bỏ nghề, chỉ vì đơn giản là những điều đập vào mắt họ là những điều trái ngược, là những ví dụ cụ thể để họ phải thừa nhận cái thực tế của ngành Y cũng như xã hội – điều mà họ cố tình không thừa nhận bấy lâu nay – Đó là sự tha hóa và bất công xã hội, sự dối trá đến tận cùng.
Họ thấy rõ, những kẻ lăn lưng, bỏ sức, nhẫn nại chấp nhận mọi sự khó khăn làm việc, lại chính là những nạn nhân bị bóc lột, hà hiếp đến xương tủy.
Trái lại, những kẻ rao giảng đạo đức, luôn tỏ ra đạo mạo, tư cách và tự hào, nêu gương… lại chính là những kẻ bẩn thỉu và là những tên ăn cắp trắng trợn nhất.
Và câu nói: Thằng Còng làm cho thằng Ngay ăn là ở đó.
Và họ chán nản, họ hết hy vọng. Và họ từ bỏ. Thế thôi.
Qua một vụ đại dịch, biết bao nhiêu điều nảy sinh trong xã hội mà người dân có thể nhìn thấy bản chất của nhà nước “Của dân, do dân, vì dân” thực chất là gì.
Chỉ riêng trong lĩnh vực Y tế, khi nạn thiếu vật tư, thuốc men và nhân viên bỏ việc, đã cho thấy rõ ràng rằng: Ngày nay, tham nhũng đã trở thành động lực xã hội cộng sản. Khi không thể tham nhũng, thì xã hội cộng sản không hoạt động.
Và con người khi hết hy vọng, thì việc từ bỏ, thay đổi chẳng có gì là lạ lẫm./.