Lúc này, trong muôn trùng thuế thì thuế đểu nhất nóng nhất là thuế phí áp đặt cho nhiên liệu, xăng dầu nhập khẩu.
Chính quyền của bọn “thực dân phong kiến thối nát” ngày xưa có lần bị lên đoạn đầu đài với bản án “Á tế á ca” trong đó lời buộc tội về thuế ấn tượng nhất. Tôi có ông bạn đồng môn thời… học đại, nhà nghiên cứu Hán Nôm Võ Văn Sạch. Ông này từng lục tung các kho lưu trữ dính dáng tới Đông Dương và công bố một bản Á tế á ca rất dài, có khá nhiều điểm khác so với những bản được đưa ra trước đó. Có lần y bảo bản đầy đủ của bài ca này không chỉ nói về thuế như thời chúng mình học phổ thông đâu.
Lão Sạch nhắc vậy, lại nhớ Á tế á ca được lứa chúng tôi học hồi cấp 2, lớp 7. Thầy Ngô Minh Phất dạy văn giảng kỹ lắm. Á tế á có nghĩa là châu Á, các cụ nho phiên âm từ gốc Asia ra thành vậy. Á tế á ca nghĩa là bài ca châu Á, còn có tên khác Đề tỉnh quốc dân ca (Bài ca thức tỉnh dân nước), không phải của tác giả cá nhân mà là nhóm tác giả, giống như công trình tập thể bây giờ. Bọn học trò lớp 7 chỉ được học đoạn nói về thuế. Giờ nghe giật mình, cứ nghĩ không phải chỉ nói về thời xưa, mở đầu đoạn trích là “non sông thẹn với nước nhà/vua là tượng gỗ dân là thân trâu”. Y hệt. Kinh nhất về thuế, có nhẽ thời nay chỉ kém ở cái phần “thuế xí kia mới thật lạ lùng/làm cho thập thất cửu không/làm cho đau đớn khốn cùng chưa thôi”. Những vị đang trong bộ máy cai trị xứ này, chắc đều nhớ đều thuộc cái đoạn lớp 7 ấy.
Lúc này, trong muôn trùng thuế thì thuế đểu nhất nóng nhất là thuế phí áp đặt cho nhiên liệu, xăng dầu nhập khẩu. Nhà cai trị thừa khôn và mưu mẹo khi hiểu rằng muốn móc túi dân được nhiều nhất thì chả gì bằng áp thuế phí vào xăng dầu. Dân xứ ta, có phải ai cũng dùng rượu bia thuốc lá ô tô son phấn… đâu, dẫu đánh thuế nặng vào mấy thứ ấy, dù xem là hàng đặc biệt, siêu đặc biệt đi chăng nữa, cũng chỉ móc được một phần nhỏ của đám đông. Còn đánh vào xăng dầu, nhiên liệu, chăng lưới chỗ hiểm ni, đố đứa nào thoát. Những đứa dùng xe chạy xe đã đi một nhẽ, cả những ai chỉ suốt ngày ngồi nhà, bươn chải ngoài đồng, buôn bán tại chỗ cũng dính hệ lụy thuế xăng dầu, bởi vẫn phải ăn uống, sinh hoạt, mà đồ ăn thức dùng lại liên quan tới vận tải chuyên chở, tới máy móc sử dụng nhiên liệu. Tàu ra khơi bắt con tôm con cá ngoài biển khơi chả hạn, xăng dầu đắt hơn thì tôm cá tanh tưởi bỏ vào mồm cũng đắt hơn. Hột gạo chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng đắt hơn.
Hôm 17.6, tối lúc 8 giờ 20, tivi quốc doanh HTV9 phát chương trình về giá xăng và thuế phí đang được nhà nước “ưu tiên” áp cho xăng dầu. Họ đưa ra một bản liệt kê lồ lộ những chi tiết về thuế và phí, chiếm tới 44% giá thành mỗi lít xăng. Vẫn chưa kinh, bởi trang Thư viện pháp luật còn đưa chi tiết hơn: cứ mua 100.000 đồng tiền xăng thì người mua phải đóng trong đó 54.700 đồng tiền thuế phí. Còn kinh hơn, báo Gia Lai (cơ quan của đảng cộng sản VN tỉnh Gia Lai) tỉ mẩn trưng ra “các hạng thuế kể chi cho xiết”, nào là thuế nhập khẩu (chiếm 20%), thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10% (thứ thuế GTGT này, khi đất nước chưa thống nhất, chính quyền Sài Gòn áp dụng, bị miền Bắc vung mồm chửi cho ủng mồ ủng mả, nói là bóc lột tàn tệ), thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít, rồi phí kinh doanh, phí lợi nhuận, phí lập quỹ bình ổn. Tổng các khoản thuế phí trong chi phí giá thành mỗi lít xăng là 73,5%, riêng thuế 50,3%.
Cũng cần nói toẹt ra, tất cả những công bố, bạch hóa về thuế phí nêu ở trên đều từ nguồn nhà nước, mậu dịch, chứ không phải do các thế lực thù địch, chống đối, tiệt tân việt tiếc thối mồm. (còn tiếp)
Nguyễn Thông