Cuối cùng thì ngày 20 Tháng Sáu, Công an thành phố Đà Nẵng đã bắt tạm giam ông Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng là nơi chi tiền cao nhất cho Việt Á để mua kit test dỏm. Tội của ông giám đốc này thì cũng giống tội của hàng loạt ông giám đốc CDC khác thôi, cũng là tham ô tài sản trong hoạt động mua sắm, sử dụng sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Công tác đấu thầu kiểu “đo ni đóng giày” là cách mà các CDC đã dùng để chọn Việt Á trúng thầu. Thông thường, để có nhà thầu cung cấp thuốc và thiết bị y tế, CDC phải đưa ra tiêu chuẩn mời thầu. Trong trường hợp này, các CDC chỉ đưa ra những tiêu chuẩn mà Việt Á có, nhưng các đối thủ khác không có. Vì thế, những nhà thầu khác dù có năng lực hơn nhưng vẫn không đủ tiêu chuẩn theo các CDC đưa ra, nên họ bị loại “từ vòng gởi xe”. Nhờ đó mà Việt Á trúng thầu với giá rất cao. Với giá trúng thầu cao ngất ngưởng ấy, Việt Á và các quan chức chia nhau phần chênh lệch khống. Chỉ riêng tiền “bôi trơn” thôi mà đã lên đến 800 tỷ đồng.
Tại Việt Nam, ngoài hình thức đấu thầu kiểu “đo ni đóng giày” như trên thì còn có cách khác, đó là dùng “chân gỗ”. Hình thức dùng “chân gỗ” chính là một nhóm nhiều nhà thầu thông đồng nhau. Tất cả cùng nộp hồ sơ và tham gia đấu, tuy nhiên, trong đó chỉ có một bộ hồ sơ hoàn hảo, các hồ sơ còn lại đều được cố tình làm sao để mất điểm nhằm lùa gói thầu vào tay đối tượng chính. Những bộ hồ sơ cố tình làm để mất điểm ấy được gọi là “chân gỗ” nếu nói theo ngôn ngữ miền Nam, hoặc là “quân xanh” nếu nói theo ngôn ngữ miền Bắc, còn “quân đỏ” chính là đối tượng được thiết kế để trúng thầu.
Đó là mánh lới mà các sân sau hoặc các doanh nghiệp thân hữu thường áp dụng để giật lấy gói thầu. Với cách làm như vậy thì việc đấu thầu chỉ là trá hình, nó thực chất là “chỉ định thầu”. Ở Việt Nam, những gói thầu có giá trị nhỏ thường không vượt quá một mức nào đó hoặc gói thầu đó chỉ có một nhà thầu duy nhất có thể cung cấp thì mới chỉ định thầu. Hầu hết, những gói thầu đủ lớn mà nhiều nhà thầu có thể đáp ứng thì mời thầu công khai là bắt buộc. Tuy luật là vậy, nhưng các quan chức và các doanh nghiệp nằm chung một nhóm lợi ích đều có cách qua mặt.
Lại nói về trường hợp của Việt Á, khi nhìn thấy chỉ có Việt Á là nhà thầu duy nhất trúng thầu, ở hầu hết các gói thầu ở các tỉnh thì rõ ràng đấy là dấu hiệu bất thường. Nếu đấu thầu công bằng, công khai, minh bạch thì không thể có một đơn vị nào thắng thầu mọi nơi được, trừ trường hợp công ty đó giữ độc quyền loại hàng hóa mà họ tham gia đấu thầu. Mà nếu đã là hàng độc quyền thì chỉ có chỉ định thầu chứ làm gì có đấu thầu?
Vấn đề thông thầu là những ung nhọt nhức nhối của bộ máy chính quyền Cộng sản, ngành nào cũng bị vướng phải. Tuy nhiên ngành y tế để cho vấn đề này phổ biến và phát triển trên quy mô khắp đất nước thì nó cực kỳ nguy hiểm. Chính những hình thức thông thầu như thế này mà những bộ kit test dỏm của Việt Á mới được đưa vào sử dụng làm hại người bệnh. Chính vấn đề thông thầu như thế mà thuốc trị ung thư giả của công ty VN Pharma mới đưa được vào bệnh viện tại Việt Nam vv… và còn nhiều trường hợp khác nữa.
Hình thức đấu thầu trá hình đã hình thành và phát triển trong lòng chính quyền Cộng sản này từ rất lâu. Từ khi có hiểu biết và bắt đầu đi làm cho đến giờ, tôi đã chứng kiến rất nhiều và từng có lần xem họ diễn kịch đấu thầu. Không biết mánh lới đó phát sinh từ bao giờ nhưng theo tôi quan sát thì nó chỉ có phát triển chứ không lụi tàn, nó phát triển ngày một tinh vi hơn. Luật đấu thầu rồi các văn bản dưới luật về đấu thầu cứ ban ra nhưng vẫn không tài nào hạn chế hình thức đấu thầu trá hình chứ đừng nói gì đến việc loại bỏ nó.
Hiện nay vụ án Việt Á đang bùng cháy và lan rộng. Đã có 2 cựu bộ trưởng vào tù và còn đang tiếp tục bắt. Sai phạm lớn nhất của chính quyền, liên quan đến Việt Á là vấn đề thông thầu. Khi “đánh rắn động cỏ” thì điều hiển nhiên là các quan chức lớn sẽ dùng quyền lực để đổ tội hoặc chạy tội. Đó là điều không thể tránh khỏi. Trong cuộc điều tra nào cũng vậy, người thấp cổ bé họng luôn là người chịu thiệt thòi nhất. Ngày 1 Tháng Sáu, một nữ Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp đã tự tử để lại thư tuyệt mệnh rằng, bà không nhận quà cáp từ Việt Á nhưng bị công an mời làm việc nhiều lần và gây áp lực quá lớn khiến bà phải tìm đến cái chết. Nhiều người trên mạng xã hội phán đoán rằng, bà trưởng khoa dược bị ép nhận thội thay cho các lãnh đạo cấp cao của mình nên bà uất ức và bế tắc. Sống mà phải nhận tội và phải chịu nhục vì điều mình không làm nên bà đã tìm đến cái chết như là một cách giải thoát. Đây là nhận xét có cơ sở.
Vì tình trạng quan chức cấp cao luôn tìm cách đổ tội cho thuộc cấp khi bị cơ quan điều tra “sờ gáy”, nên hiện nay việc mời thầu, đấu thầu thuốc bị các quan chức cơ sở né tránh vì ai cũng sợ bị bắt hoặc bị ép cung. Bị bắt vì tội do mình gây ra thì không nói làm chi, nhưng bị bắt với tội cấp trên đổ cho thì ai cũng phải sợ và né. Đấy là lý do mà hiện nay các bệnh viện lâm vào tình trạng thiếu thuốc men và thiết bị y tế nghiêm trọng. Sự tắc trách của hệ thống y tế gây ra, nhưng hậu quả thì bệnh nhân phải “lãnh đủ”.
Hình thức thông thầu là bầu sữa nhằm nuôi lợi ích nhóm. Dưới chế độ này mà bảo quan chức, cán bộ dẹp bớt lợi ích của họ để đất nước phát triển, để người dân được hưởng thì e…. hơi khó!
Tham khảo:
https://nld.com.vn/…/lao-dao-vi-thieu-thuoc-vat-tu-y-te…