Văn hóa cưỡng hiếp: Khi “người phụ nữ tốt” là người phụ nữ biết im lặng

Ảnh sách: Monash University. Minh hoạ: Luật Khoa
- Quảng Cáo -

Cấu trúc quyền lực của xã hội tác động thế nào
đến những nạn nhân bị xâm hại

Cưỡng hiếp là một hành vi sai trái. Ít ai phản bác điều này.

Vậy nhưng trong hàng ngàn năm lịch sử, trong không ít trường hợp, hành vi cưỡng hiếp hoàn toàn không bị xem là tội.

- Quảng Cáo -

Ngày nay, trong tâm thức, hay ít nhất là trong tiềm thức của không ít người, cưỡng hiếp hay lạm dụng tình dục vẫn là chuyện bình thường.

Bằng chứng là mỗi khi có người lên tiếng tố cáo bị lạm dụng tình dục hoặc bị cưỡng hiếp, một bộ phận không nhỏ dư luận luôn sẵn sàng chỉ ra “lỗi” của nạn nhân: ăn mặc hở hang, đi lại những nơi không an toàn, giao du với người lạ, không biết bảo vệ mình, v.v.

Chưa kể phản ứng mặc định là nghi ngờ và gạt bỏ lời chứng của nạn nhân, đặc biệt trong các trường hợp nạn nhân tố cáo sau nhiều năm.

Những suy nghĩ đó là biểu hiện của văn hóa cưỡng hiếp, nơi mà các hành vi lạm dụng tình dục, bao gồm cưỡng hiếp, bị xem là điều hiển nhiên (inevitable), không thể thay đổi (untreatable), và thậm chí là chuyện phải chấp nhận (acceptable).

Văn hóa cưỡng hiếp (rape culture) đã được mổ xẻ rất nhiều trong các thập niên qua, đặc biệt là những năm gần đây khi phong trào Metoo kích hoạt làn sóng lên tiếng của các nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Trong quyển sách “Rape culture” được xuất bản mới đây, tác giả Louise Newman đặt người đọc vào vị trí của các nạn nhân, giúp chúng ta hiểu được phần nào cách các nạn nhân phải chịu đựng và phản ứng, trong môi trường mà họ vừa bất lực khi bị hãm hại, vừa tuyệt vọng khi không được giúp đỡ.

Louise Newman là một bác sĩ tâm thần (psychiatrist) và là giáo sư ngành tâm thần học tại Đại học Melbourne của Úc. Các trường hợp nạn nhân bị lạm dụng được kể đến trong sách là những người mà bà đã và đang trực tiếp tham gia chữa trị.

“Lên tiếng” bằng mọi thứ, ngoại trừ lời nói

Một trong những điều khó hiểu nhất với nhiều người là vì sao nhiều nạn nhân bị cưỡng hiếp lại không chịu nói ra.

Sự thật là họ có “lên tiếng”, nhưng không phải theo cách mà người ngoài cuộc có thể hiểu được.

Nhiều trường hợp bị lạm dụng hoặc khi còn nhỏ, và/hoặc do người thân, quen gây ra. Nó khiến các nạn nhân bị sốc nặng, không thể lý giải được chuyện gì xảy ra với mình. Nghiêm trọng hơn, khi họ cố gắng kể lại sự việc cho những người mà họ đặt niềm tin là có thể bảo vệ mình, phần lớn lại bị gạt đi, thậm chí bị nghi ngờ là đang nói dối.

Nó khiến các nạn nhân thu mình lại, và thay vì có thể nói chuyện rành mạch bằng ngôn từ, họ phải “giao tiếp” bằng các phản ứng cực đoan của cơ thể.

Một bệnh nhân được nhắc đến trong sách liên tục nôn tống nôn tháo bất kỳ thứ gì đưa vào người, đến mức các bác sĩ phải đặt ống thực quản đưa thức ăn và nước uống vào người cô. Tác giả mô tả đó như một kiểu phản ứng tự vệ, khi cơ thể tìm cách tống khứ trải nghiệm kinh hoàng mà nạn nhân không thể chịu đựng.

Một bệnh nhân khác lại có phản ứng ngược lại, sau khi bị lạm dụng thì tống nạp đủ loại thức ăn vào trong người. Đó cũng là một cơ chế tự vệ phổ biến, khi nạn nhân cảm thấy trống rỗng hoàn toàn từ bên trong và tìm cách để lấp đầy khoảng trống đó. Một trong số họ kể lại: “Tôi ăn, ăn và ăn liên tục với hy vọng biến cơ thể của mình to lớn hơn để có thể cảm thấy an toàn”.

Những phản ứng hậu chấn thương (post trauma) còn bao gồm trầm cảm, mất ngủ, ác mộng hay ám ảnh liên tục. Tất cả chúng đều khó có thể được diễn tả bằng lời nói để người ngoài có thể hiểu được.

Trong số ít trường hợp mà nạn nhân vượt qua được các chấn thương để lên tiếng, họ lại gặp phải rào cản vô hình từ những người chấp nhận sự tồn tại của văn hóa cưỡng hiếp.

Vấn đề nằm ở quyền lực, không phải nhu cầu sinh lý

Như nhiều người khác, tác giả chỉ ra cốt lõi vấn đề của văn hóa cưỡng hiếp không nằm ở nhu cầu sinh lý đặc biệt nào, mà là ám ảnh quyền lực.

Tuyệt đại đa số các nạn nhân bị lạm dụng tình dục là nữ, còn thủ phạm thì là nam.

Cấu trúc quyền lực của xã hội loài người hàng ngàn năm qua vẫn là mô hình mà đàn ông thống trị mọi thứ. Và một trong những đối tượng bị thống trị chặt chẽ nhất là cơ thể của phụ nữ.

Cách đây chưa lâu, phụ nữ, hay nói thẳng ra là cơ thể của họ, vẫn được xem là tài sản của người đàn ông trong gia đình (cha hoặc chồng). Hành vi xâm hại phụ nữ vì vậy được xem là xâm hại quyền lợi/danh dự của người cha, người chồng. Trong nhiều trường hợp bị xâm hại, người phụ nữ – nạn nhân phải tìm đến cái chết, còn người đàn ông – chủ sở hữu cơ thể phụ nữ thì được bồi thường thiệt hại.

Để duy trì thứ cấu trúc quyền lực độc tôn này, vô số những định kiến sai lầm về phụ nữ được sinh ra.

Những khuôn mẫu như so với đàn ông, phụ nữ thường cảm tính, thất thường, phản ứng thái quá với mọi thứ, v.v. được khá nhiều người, bao gồm không ít phụ nữ, mặc nhiên chấp nhận.

Lời nói của phụ nữ thì “không biết đằng nào mà lần”, hay nói thẳng ra là không đáng tin. Nó được mô tả rất nhiều trong các sản phẩm văn hóa đại chúng theo kiểu “phụ nữ nói có nghĩa là không mà nói không nghĩa là có”, hay “em nói anh đi đi sao anh không đứng lại”.

Hệ quả của các định kiến đó là khi các nạn nhân bị xâm hại lên tiếng, lời nói của họ thường bị nghi ngờ, bị săm soi tìm đủ kẽ hở để gạt bỏ.

Hệ thống pháp luật hiện tại cũng không được xây dựng theo cách xem trọng các biểu hiện hậu chấn thương của nạn nhân bằng các bằng chứng cứng như lời nói, vật chứng, nhân chứng trực tiếp, v.v. Câu chuyện của các nạn nhân, những người vẫn đang phải chịu đựng sang chấn, thường bị bóc tách tới từng tiểu tiết một để chỉ ra những chỗ tiền hậu bất nhất, rồi từ đó bị gạt đi với kết luận đó chỉ là “ký ức giả” (false memory).

Không phải ngẫu nhiên là tỷ lệ báo án trong các vụ xâm hại tình dục thấp hơn rất nhiều so với thực tế, và tỷ lệ kết án cũng chiếm một phần rất nhỏ.

***

Trong khi ở phương Tây, văn hóa cưỡng hiếp được bàn bạc sôi nổi trong nhiều thập niên qua, thì tại Việt Nam, nó gần như vắng bóng.

Đáng nói hơn, có chuyên gia còn khẳng định vấn nạn xâm hại tình dục ở Việt Nam là do “văn hóa phương Tây tràn vào”, và những trường hợp bị tố cáo “chỉ là hiện tượng cá biệt chứ chưa phải bản chất”. [1]

Đó chính là một quan điểm điển hình cho thấy sự tồn tại của văn hóa cưỡng hiếp.

Những mô tả về văn hóa cưỡng hiếp mà ta thấy ở trên đều xuất hiện ở Việt Nam, và có cơ sở để tin rằng vấn đề ở nước ta còn trầm trọng hơn.

Đó là vì ở một xã hội/ thể chế như Việt Nam, không chỉ có “phụ nữ tốt” mới phải giữ im lặng. Mọi “công dân tốt” đều phải là những công dân biết giữ im lặng và biết phục tùng chế độ.

Trong thể chế đó, việc lên tiếng trước bất công, trước cái ác đem lại rủi ro cho tất cả, không chỉ nạn nhân và không chỉ phụ nữ.

Bất chấp điều đó, chúng ta vẫn đang chứng kiến những người phụ nữ dũng cảm không ngừng lên tiếng nói ra câu chuyện của mình.

Họ có thể không phải là những người phụ nữ ngoan hiền, tốt đẹp như trong các khuôn mẫu xưa nay.

Nhưng có một điều chắc chắn, bằng cách lên tiếng, họ là những người đi đầu trong việc bứng gốc thứ văn hóa cưỡng hiếp tồn tại suốt hàng ngàn năm qua, lẫn thứ văn hóa áp bức đang tồn tại ngày nay.


Bạn có thể mua quyển “Rape culture” bản tiếng Anh qua Amazon. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

- Quảng Cáo -