Sức mạnh của cái xấu

- Quảng Cáo -

Sức mạnh của cái xấu: Vì sao chúng ta luôn để con sâu gieo sầu cho nồi canh? 
Hiệu ứng tiêu cực có ích trong thời nguyên thủy hơn thời hiện đại. Làm sao để tự kiểm soát?

Y CHAN – Luật Khoa Tạp Chí

Một bài viết được đăng trên mạng xã hội. Nhiều người vào tương tác. Khi lướt qua phần bình luận, khả năng rất cao là bạn sẽ dành nhiều sự chú ý và dừng lại lâu hơn ở những lời nói tiêu cực.

Bạn xuất hiện trong một buổi họp lớp với kiểu tóc mới. Diện mạo mới của bạn nhận được nhiều sự chú ý. Phần lớn gật gù khen ngợi, chỉ một hai người lắc đầu chê bai. Khả năng cao thứ bạn nhớ sau buổi họp mặt, thay vì là các lời khen, lại là những tiếng chê bai ít ỏi đó.

- Quảng Cáo -

Hoặc nếu được yêu cầu nhớ lại những trải nghiệm đáng nhớ nhất với người yêu (cũ)/ vợ/ chồng, khả năng là bạn sẽ luôn nhớ về những chuyện không vui, cho dù tần suất chúng xảy ra thấp hơn rất nhiều so với những kỷ niệm hạnh phúc.

Các nhà tâm lý học đặt ra nhiều tên gọi cho hiện tượng này. Một trong những thuật ngữ phổ biến là “negativity effect” (hiệu ứng tiêu cực).

Trong quyển sách “The Power of Bad: How the Negativity Effect Rules Us and How We Can Rule It”, hai tác giả Roy F. Baumeister (nhà tâm lý học) và John Tierney (nhà báo) tập hợp các nghiên cứu mới nhất để giải thích vì sao chúng ta lại dễ dàng bị hiệu ứng tiêu cực ảnh hưởng và làm cách nào để tự chủ hơn.

Sản phẩm của quá trình tiến hóa

Hiệu ứng tiêu cực, như lời các tác giả, là một hiện tượng đơn giản nhưng có hệ quả phức tạp.

Nguyên lý hoạt động của nó rất đơn giản: các tín hiệu tiêu cực được chú ý nhiều hơn, khiến não bộ phản ứng mạnh hơn, và được lưu trữ trong ký ức lâu hơn.

Nó vốn dĩ là một sản phẩm thích nghi của tiến hóa. Những con người tiền sử luôn dè chừng các con thú săn mồi, để tâm đến những tiếng động đáng sợ, hay biết ghi nhớ các loại thực vật có độc sẽ có xác suất tồn tại lâu hơn.

Việc nhận ra và ghi nhớ những chuyện vui, như một bữa ăn ngon hay cử chỉ thân thiện của người kế bên, không đóng vai trò sống – chết như chuyện phải nhận ra và ghi nhớ tín hiệu thù địch từ người khác.

Hiệu ứng, hay có thể gọi là bản năng sinh tồn này, tồn tại ở nhiều loài động vật khác. Với con người, một trong những động vật có khả năng thích nghi cao nhất hành tinh, nó còn được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác, điển hình như ngôn ngữ.

Các tác giả điểm lại các nghiên cứu ở nhiều nơi trên thế giới, với kết quả chung là trong các ngôn ngữ được xem xét, số lượng từ vựng dùng để nói về cảm xúc tiêu cực luôn nhiều hơn hẳn so với từ dùng để chỉ cảm xúc tích cực.

Thậm chí, có những trường hợp mà ngôn ngữ chỉ tồn tại từ tiêu cực thay cho từ tích cực tương đương. Ví dụ như từ “trauma” của tiếng Anh, được dùng để chỉ các sự kiện tiêu cực để lại hậu quả nặng nề về tâm sinh lý (tiếng Việt thường dịch là “sang chấn” hay “chấn thương tâm lý”). Không có từ tích cực nào tương đương với “trauma”, vì không có sự kiện tích cực nào để lại hệ quả tốt và dài lâu như cách “trauma” gây ra.

Thổi phồng và bị lợi dụng

Hiệu ứng tiêu cực là một loại thiên kiến (bias). Giống như nhiều thiên kiến khác, trong xã hội hiện đại, nó tạo ra nhiều vấn đề hơn là cung cấp giải pháp hợp lý.

Hệ quả dễ thấy của nó là khiến con người hiện đại đưa ra nhiều phán đoán, kết luận và từ đó dẫn đến hành động sai lầm.

Chúng ta không chỉ dễ chú ý đến các bình luận tiêu cực mà, như các nghiên cứu được dẫn trong sách chỉ ra, còn dễ có ấn tượng sai lầm rằng những người đưa ra các bình luận tiêu cực là thông minh hơn những ai nói lời tốt đẹp.

Cuốn sách dẫn lại một thử nghiệm trong đó đưa ra hai bình luận, một chỉ trích và một khen ngợi, của cùng một tác giả. Kết quả là những người được hỏi đánh giá người đưa ra chỉ trích có vẻ thông minh hơn.

Hiệu ứng/ thiên kiến này rất dễ dẫn đến tác dụng ngược, từ cấp độ cá nhân lẫn cộng đồng.

Ảnh gốc: TheAwkwardYeti. Chỉnh sửa: TWunroll.

Trong một mối quan hệ, việc dành tâm trí cho một chuyện xấu mà quên đi những chuyện tốt đã xảy ra khiến chúng ta có ấn tượng sai rằng quan hệ giữa mình và người khác đang tệ đi.

Ở cấp độ rộng hơn, các tin tức tiêu cực vốn được ưu tiên xuất hiện trên báo chí khiến ta có kết luận vội vã về một nguy cơ (ví dụ như cho rằng đi máy bay nguy hiểm hơn đi xe) hay về một nhóm người (ví dụ như cho rằng những người đồng tính có khả năng phạm tội cao hơn).

Hệ quả của thiên kiến tiêu cực càng nặng thêm khi kết hợp với các thiên kiến có sẵn khác, đặc biệt khi chúng ta áp vào những nhóm khác mình (out-group).

Giả sử bạn có sẵn suy nghĩ rằng người Trung Quốc xấu tính, nham hiểm, độc ác hơn người Việt Nam. Bất kỳ khi nào bạn nghe được một mẩu tin xấu về họ, nó đều được khuếch đại và lưu trữ lâu trong ký ức. Trong khi đó, những mẩu chuyện tốt về người Trung Quốc không bao giờ được bạn chú ý bằng.

Đó là cách mà rất nhiều người dùng để kích động các cảm xúc tiêu cực trong người khác, bằng việc chủ động tạo ra, lan truyền và thổi phồng các tin tức tiêu cực về một sự việc, một cá nhân, hay một nhóm người. Thuật ngữ dành cho những người như vậy là “fearmongers” – những người lan truyền nỗi sợ hãi.

Làm chủ sự tiêu cực

Hiệu ứng tiêu cực rõ ràng là một thứ đáng sợ, nhưng nó lại không phải lúc nào cũng tiêu cực.

Dù không còn đóng nhiều vai trò sinh tồn như xưa, bản năng phản ứng với tín hiệu xấu này vẫn là một trong những thứ giúp con người học hỏi nhanh và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, con người có lẽ cũng là động vật duy nhất có khả năng nhận diện lẫn (phần nào đó) làm chủ các loại thiên kiến.

Một trong những cách mà các nhà nghiên cứu đưa ra để giúp chúng ta hạn chế hệ quả của hiệu ứng tiêu cực là động tác rất đơn giản: đếm và ghi chép.

Bằng cách đo đếm và ghi lại, ví dụ như số ngày vui và ngày buồn rồi chia tỷ lệ, người ta có thể có một cái nhìn bớt cảm tính hơn về một mối quan hệ và không bị chuyện tiêu cực lấn át.

Một trong những tỷ lệ thường được nhắc đến là “tỷ lệ Gottman” (lấy theo tên của người đã thực hiện nghiên cứu). Theo đó, một mối quan hệ tốt đẹp và bền vững thường có năm chuyện vui và một chuyện buồn, hay như cách mà nhiều người nói vui, “năm lần ân ái cho mỗi lần tranh cãi” (five fucks for every fight).

Tỷ lệ cao này vừa cho thấy sức mạnh của chuyện tiêu cực (cần nhiều gấp mấy lần chuyện vui mới bù đắp nổi chuyện buồn), vừa là một thực tế mà nhiều người lãng quên: ở bất kỳ thời điểm nào, luôn luôn tồn tại những điều tích cực, và chúng thường nhiều hơn những chuyện không vui.

Quyển sách cho người đọc nhiều câu trả lời thú vị về hiệu ứng tiêu cực, nhưng không phải không để lại những câu hỏi lớn.

Cách các tác giả đề cao những giải pháp giáo dục chú trọng vào kỷ luật và xử phạt, cũng như cách họ chỉ trích bất kỳ ai đưa ra các dự đoán u ám về tương lai có thể khiến nhiều độc giả nhíu mày.

Hoặc có lẽ các tác giả đang cố gắng áp dụng chính giải pháp của mình, đưa ra các tín hiệu đối nghịch theo tỷ lệ áp đảo để giảm bớt sức mạnh của hiệu ứng tiêu cực?

- Quảng Cáo -