Quan điểm đối ngoại của hai ứng cử viên tổng thống Pháp hoàn toàn đối nghịch nhau. Nếu tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron chủ trương tiếp tục củng cố châu Âu và gia tăng ảnh hưởng của Pháp tại các định chế quốc tế, bà Marine Le Pen lại có xu hướng cô lập. Hôm qua 13/04/2022 ứng viên cực hữu khẳng định muốn liên minh với Nga một khi chiến tranh Ukraina kết thúc, và Pháp ra khỏi bộ máy điều hành NATO.
Ông Emmanuel Macron hôm 12/04 cảnh báo, vòng hai cuộc bầu cử tổng thống sẽ là « cuộc trưng cầu dân ý về châu Âu ». Macron đề nghị hướng về một « Châu Âu chủ quyền », ý tưởng đang nhận được sự ủng hộ ở Bruxelles, Đức, Hà Lan, còn Le Pen muốn chận lại bằng mọi giá. Bà giải thích muốn thành lập « một Liên minh các quốc gia ở châu Âu, sẽ dần dà thay thế Liên Hiệp Châu Âu (EU) hiện nay ». Trong khi chờ đợi, bà từ chối áp dụng những quy định châu Âu mà bà không ưa, đi ngược lại hiệp ước EU.
Nếu Emmanuel Macron muốn cặp Pháp-Đức luôn là động lực của châu Âu như xưa nay, Marine Le Pen đòi « ly dị », hay ít nhất là « ly thân » – theo L’Express. Ứng cử viên của đảng Tập hợp Dân tộc (RN) muốn tăng cường hợp tác với Anh và chính phủ chủ trương Brexit. Các nhà quan sát lo ngại nếu Paris xung đột với các định chế châu Âu như ý muốn của bà Le Pen, các dự án châu Âu có nguy cơ tê liệt trong 5 năm tới.
Đặc biệt được chú ý là quan điểm đối với Nga, trong bối cảnh cuộc xâm lăng Ukraina đang tập trung mọi quan tâm của toàn thế giới. Ông Emmanuel Macron cố gắng theo đuổi đường hướng lâu nay với Kremlin: đối thoại với Vladimir Putin đồng thời gia tăng trừng phạt ngoại giao và kinh tế. Ngược lại Marine Le Pen tuyên bố muốn có sự « xích gần lại về chiến lược giữa NATO và Nga », khi cuộc chiến do Putin khởi động « kết thúc và được giải quyết bằng một hiệp đình hòa bình ». Một đề nghị gây ngạc nhiên khi NATO là cái cớ để Putin đưa quân sang xâm chiếm Ukraina. Ứng viên cực hữu chủ trương Pháp rời khỏi bộ chỉ huy NATO, tuy không từ bỏ liên minh này.
AFP cho biết trong cuộc họp báo hôm qua, bà Le Pen không tránh được những câu hỏi về mối quan hệ thân cận với Vladimir Putin. Một phụ nữ giơ biểu ngữ có hình bà chụp chung với ông chủ điện Kremlin đã nhanh chóng bị trục xuất khỏi phòng họp, bị kéo lê trên mặt đất vài giây. Nhưng nhờ sự cố này mà Le Pen né được câu trả lời về món tín dụng 9 triệu euro mà đảng của bà vay được từ một ngân hàng Nga năm 2014.