Đọc hết cuốn sách tôi thấy rất buồn và rất lo cho dân Nga. Bi kịch của các nước lớn như Nga, Trung Quốc là không “may mắn” có quá nhiều “lịch sử”. Người dân của các nước này lại nhiễm phải cái bệnh nan y là thích làm Đại Nga, Đại Hán. Những người lãnh đạo của họ lại mắc chứng vĩ cuồng! Vĩ cuồng đến từng chi tiết ở trần cưỡi ngựa, ở trần câu cá. Người như thế là người dễ hoang tưởng, không phải là người tỉnh táo!
Trước kia, Tổng thống Pháp là ông Mitterrand, trước khi lên làm tổng thống, ông là một dịch giả có tiếng. Nhưng chẳng có nhà xuất bản nào ở Pháp chịu in các tác phẩm của ông. Khi ông trúng cử tổng thống rồi, các nhà xuất bản bu lấy xin in các tác phẩm dịch của ông. Tổng thống đã từ chối. Ông đã không mắc bệnh vĩ cuồng hoang tưởng. Thiệt là may mắn cho nhân dân Pháp.
Nhưng điều lo lắng của tôi khi đọc xong cuốn sách về Putin, và điều không may mắn cho nhân dân Nga đã đến vào ngày 24.2.2022, khi Putin hoang tưởng mình sẽ trở thành Pierre đại đế, ra lệnh xâm lược Ukraine bằng sức mạnh tổng lực của một siêu cường quân sự hàng đầu!
Ban đầu, ai cũng nghĩ rằng, kể cả phương Tây cũng cho là Ukraine sẽ bị đè bẹp trong chốc lát. Có lẽ vì quá mụ mẫm mà ngay cả những cái đầu thông minh nhất của các chính sách gạo cội đã quên mất những nguyên lý cơ bản của chiến tranh. Họ đã sa vào thuyết vũ khí luận.
Vũ khí chỉ là một yếu tố quan trọng trong một cuộc chiến tranh. Con người cầm vũ khí và tính phi chính nghĩa của kẻ cầm vũ khí không thể không được tính đến. Tinh thần chiến đấu của những người chống lại kẻ phi nghĩa có sức mạnh không kém gì vũ khí tối tân. Người viết bài này xin nêu một ví dụ nhãn tiền của lịch sử thế giới đương đại. Sau Thế chiến thứ hai, Pháp đem quân tái chiếm Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh tuyên bố: Những con tàu của Tướng Leclere có thể vượt được đại dương, nhưng không thể đi ngược được những dòng sông ở Việt Nam. Ông kêu gọi: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc… Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh Pháp…
Có sử gia phương Tây lúc đó đã bình luận: Giữa thời đại của vũ khí nguyên tử (Mỹ vừa bỏ bom nguyên tử ở Nhật) mà ông Hồ Chí Minh lại kêu gọi dùng cuốc thuổng, gậy gộc để đánh Pháp thì đủ biết ông tin tưởng ở tinh thần yêu nước của dân Việt Nam như thế nào!
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp là các đoàn xe đạp thồ của dân công Việt Nam đã thắng những máy bay vận tải Dakota của Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ. Tướng chỉ huy ở Điện Biên Phủ phải điều trần trước Quốc hội Pháp. De Castries đã chỉ nói một câu rồi đi xuống, khiến cả Quốc hội Pháp chết lặng: Người ta có thể đánh bại một đạo quân, nhưng không ai có thể đánh bại một dân tộc!
Lịch sử đã lặp lại. Những anh lính nghĩa vụ Nga bị Putin lừa là đi tập trận… ngồi trên những cỗ xe tăng, những thiết xa rất hiện đại nhưng còn nhớ mẹ thì dù vũ khí của Nga có mạnh đến đâu cũng là vô nghĩa! Tôi nhớ lại một cảnh khó quên trong cuộc Cách mạng Maidan 2014, khi các cô gái Ukraine xông lên trước mũi súng của cảnh sát vũ trang thì các cụ già đã lôi các cô lại phía sau và hô lớn: Chúng mày còn phải đẻ, để chúng tao hy sinh! Những cô gái, những người đàn ông Ukraine như thế, hôm nay, trong trận chiến này, đang quyết tử cho tự do, dân chủ và tương lai của đất nước mình, quyết không lùi bước, quyết không cúi đầu. Một người đàn ông chói lọi có tên là Zelensky đang đi dưới lòng đất Ukraine nhưng đang làm đảo lộn cả bầu trời và đó là điều bất ngờ lớn nhất của nhân loại ở thế kỷ này. Không phải thế sao?
Cả phương Tây đang chia rẽ bỗng siết chặt hàng ngũ để chống lại một kẻ thù tưởng là rất mạnh, hoá ra không phải! Nhưng nhất định phải diệt, vì sau nhiều năm cầm quyền, kẻ độc tài này đã trở thành một tên cuồng vọng mắc chứng hoang tưởng tâm thần đang đe doạ cả nhân loại. Có ai tin rằng những quốc gia trung lập “chung thân” mấy trăm năm nay như Thuỵ Sỹ, Na Uy, Thuỵ Điển đến nay đã nhận thấy không thể sống “yên thân” khi tên lửa siêu thanh của Putin đang nhắm bắn vào bệnh viện phụ sản ở Mariupol nhằm gây khiếp sợ cho nhân dân Ukraine. Putin định “chiến thắng” bằng mọi sự tàn bạo mất hết tính người.
Con người từ đâu đến và anh ta đi về đâu? Đó là câu hỏi mà sau Thế chiến 2 Jean Paul Sartre đã đặt ra, và hôm nay, nhân loại phải trả lời.
Sài Gòn, 22.3.2022
L.P.K.
Tác giả gửi BVN