Dân sinh là gì? Là đời sống của người dân mà tất cả nhà nước phải chịu trách nhiệm bảo vệ quyền được sống và làm việc (gồm cả học hành, chữa bịnh, giải trí, du lịch, giao thương (cả nội và ngoại thương) v.v…) của người dân.
Như vậy, chính trị là nhiệm vụ (tức là BỔN PHẬN PHỤC VỤ) của nhà nước, (nhấn mạnh) không phải của dân. Đổi lại cho việc phục vụ đó, chính là lương bổng và các ưu đãi lớn khác (nhà công vụ, khám chữa bịnh được ưu tiên, đi máy bay hạng thương gia v.v…). Và từ đó mới có khái niệm công bộc (civil servant).
Nhiều diễn giải xung quanh chữ “CHÍNH TRỊ” làm rất nhiều người hiểu lầm chính trị là bổn phận của dân. Điều này ngỡ đúng nhưng hoàn toàn sai lầm. Tại sao? Thưa rằng, dân giao phó quyền chính trị của mình cho quốc hội rồi. Và quyền chính trị của dân được thực hiện (vô cùng dễ thấy) đó chính là lá phiếu qua mỗi kỳ bầu cử.
Phạm vi bài viết chỉ nói sơ lược và căn bản về khái niệm “chính trị”, chưa bàn đến những phức tạp về mô hình thể chế chính trị trên thế giới (ví dụ: Cộng hòa Tổng thống chế, Cộng hòa Bán Tổng thống chế, Cộng hòa Đại nghị, Quân chủ lập hiến, Quân chủ Chuyên chế hay Độc đảng toàn trị v.v…) cũng như nhiều khái niệm khác.
Đối với cuộc chiến Nga – Ukraine đang diễn ra, việc quan tâm và bày bỏ quan điểm cá nhân xung quanh nó là một điều bình thường, của bất kỳ ai quan tâm chính trị – thời cuộc (cũng giống như nhiều người quan tâm đến các lãnh vực khác: thời trang, âm nhạc, ẩm thực, du lịch v.v…). Dù quan tâm chính trị hay không quan tâm chính trị, không có ai sai hoặc đúng. Do đó, không thể trách cứ bằng những khái niệm: “thờ ơ”, “vô cảm” v.v… hoặc giả có không ít những lời răn dạy, đầy trên mạng trong những ngày qua, như: “Nếu Trung Cộng đánh Việt Nam, liệu Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu trắng, sẽ ra sao?”, “Những ai ủng hộ Nga đánh Ukraine tức là gián tiếp ủng hộ Trung Quốc đánh Việt Nam” v.v… đều mang tính võ đoán, bởi mọi quyết sách ở tầm quốc gia và thế giới, hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của nhà nước CHXHCNVN.
Chiến tranh đã và đang xảy ra giữa Nga và Ukraine, không thể diễn dịch theo nghĩa đơn giản mang tính “hàng xóm”, vì những mâu thuẫn riêng lẻ của đôi bên. Mâu thuẫn dai dẳng giữa nhà cầm quyền CSTQ và nhà cầm quyền CSVN, không phải một sớm một chiều mà nó đã có từ rất lâu, với nhiều gút mắc khuất tất trầm trọng, theo chiều dài lịch sử quan hệ giữa hai đảng cộng sản, cách đây hơn 70 năm.
Lịch sử là một dòng chảy liên tục của quốc gia nói riêng và của nhân loại nói chung. Lịch sử không phải là “cuốn tự truyện của kẻ chiến thắng”. Lịch sử không phải do dân tạo ra như nhà cầm quyền CSVN thường phóng đại, mà lịch sử là sự phản ánh khách quan những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Đứng trước nhiều cuộc diễn tâp bắn đạn thật từ nhà cầm quyền CSTQ với địa điểm chỉ cách thành phố Huế – Việt Nam khoảng 100km, những câu hỏi dưới đây, cần nhà cầm quyền CSVN làm rõ:
1. Ngoài ông Phạm Văn Đồng trực tiếp ký công hàm 1958, công nhận xằng bậy Hoàng Sa – Trường Sa là của Tàu Cộng, những nhân vật nào phải chịu trách nhiệm liên đới?
2. Tại sao khi Tàu Cộng cướp Hoàng Sa vào năm 1974, nhà nước VNDCCH vào lúc bấy giờ im lặng?
3. Quốc gia nào viện trợ từng đôi dép râu, từng gói lương khô cho nhà nước VNDCCH trong cái gọi là “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”?
4. Lý do nào Đặng Tiểu Bình “dạy cho Việt Nam một bài học” vào năm 1979, khiến hàng chục ngàn người dân các tỉnh biên giới phía Bắc chết bất ngờ, chết không kịp hiểu tại sao chết?
5. Ai đã ra lịnh cho bộ đội làm bia sống cho Tàu Cộng tập bắn tại đảo Gạc Ma năm 1988?
6. Hội nghị Thành Đô được tổ chức cách đây hơn 30 năm, cho đến bây giờ, không hề có một tuyên bố công khai về nội dung đã ký giữa ĐCSVN và ĐCSTQ, từ nhà cầm quyền CSVN đối với toàn dân, trong khi đó, lại để nhân tâm người Việt nhuốm đầy hoài nghi, bất an trong tình hình chiến tranh Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng?
7. Hiến Pháp và Luật Quốc phòng với chính sách BA KHÔNG, có còn phù hợp trong tình hình gần như cả thế giới đang hướng về Tổng thống Zelensky, trong cuộc chiến được gọi là “xâm lược” từ phía Nga?
Cho đến khi nhà cầm quyền CSVN chưa làm rõ những khuất tất về lịch sử giữa ĐCSVN và ĐCSTQ và nhìn nhận lại chủ trương Ba Không, nhân tâm người Việt vẫn tiếp tục ly tán và mâu thuẫn, rồi mỗi người – mỗi nhóm lại tự họ cho phép chửi bới nhục mạ, như thể đang thay mặt nhà nước để kết tội lẫn nhau. Xã hội hỗn loạn từ đó mà ra.