Patrick Zoll
Lưu Thủy Hương phỏng dịch
Việc Nga có thể cảm thấy an toàn ở mạn sườn phía đông của mình là một đóng góp âm thầm của Trung Quốc vào nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.
Từ nhiều năm nay, Matxcơva và Bắc Kinh hợp tác với nhau về trang thiết bị quân sự. Bất chấp nỗi lo về việc bị Trung Quốc đánh cắp công nghệ, Nga vẫn nuôi dưỡng phi vụ này. Bây giờ là lúc thanh toán món nợ.
Sau khi tấn công Ukraine, Nga đã yêu cầu Trung Quốc viện trợ quân sự, theo trích dẫn từ các nguồn tin của chính phủ Hoa Kỳ. Matxcơva đòi cung cấp máy dọ thám, hệ thống phòng không và xe bọc thép. Liệu Bắc Kinh có chấp nhận hỗ trợ hay không, vẫn còn chưa rõ ràng.
Kể từ khi Liên Xô giải tán, Matxcơva là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Bắc Kinh; Theo số liệu của “Viện Nghiên cứu Hòa bình” Stockholm, Sipri, kể từ năm 1992, Trung Quốc đã nhận được số vũ khí từ Nga trị giá gần 38 tỷ USD. Nghĩa là hơn 3/4 tổng số lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc, trong 30 năm qua.
Nhiều hệ thống vũ khí mà Trung Quốc đang chế tạo hiện nay là được sao chép hoặc phát triển từ các hệ thống của Nga. Bên cạnh đó, là những loại vũ khí chiến lược khác của Nga, máy bay chiến đấu, động cơ phản lực của Nga. Cho đến nay, vai trò của hai phía rất rõ ràng: Nga là nhà cung cấp, Trung Quốc là khách hàng. Việc Matxcơva bất ngờ yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ cho thấy mối quan hệ đã thay đổi như thế nào.
Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Nga
Trung Quốc là thị trường vũ khí lớn thứ hai của Nga, sau Ấn Độ. Kinh doanh mặt hàng này ở Trung Quốc mang lại lợi nhuận lớn. Nhưng đó cũng là một vấn đề nan giải: Trung Quốc tháo rời từng chiếc máy bay, từng chiếc tàu ngầm, từng hệ thống phòng không được cung cấp, họ phân tích chúng và rồi thiết kế lại. Các chuyên gia gọi đây là kỹ nghệ đảo ngược (Reverse Engineering).
Người Nga biết điều này. Hãng thông tấn Tass đưa tin, vào tháng 12 năm 2019, công ty vũ khí lớn của nhà nước Nga (Rostec), đã khiếu nại rằng, có 500 trường hợp sao chép công nghệ bất hợp pháp đã được phát hiện trong vòng 17 năm.
Yevgeny Livadny, người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ của Rostec, cáo buộc Trung Quốc sao chép mọi thứ mà công ty của ông từng cung cấp: động cơ máy bay, máy bay chiến đấu Sukhoi, máy bay phản lực cất cánh trên hàm không mẫu hạm, súng phóng hỏa tiễn, toàn bộ hệ thống phòng không.
Trong nửa cuối những năm 2000, việc xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc đã giảm mạnh vì lý do này. Tuy nhiên, sau khi thâu tóm Crimea và nhận các lệnh trừng phạt, Nga quay lại đẩy mạnh kinh doanh với Trung Quốc. Năm 2015, một hợp đồng cung cấp máy bay cường kích Su-35 và hệ thống phòng không S-400 đã được ký kết. Tổng giá trị là 5 tỷ đô la.
Nga cố gắng giữ vị trí đàn anh
Những hệ thống này là một trong những hệ thống hiện đại nhất trong kho vũ khí của Nga. Việc Matxcơva cung cấp những vũ khí như vậy cho thấy, ngành công nghiệp quốc phòng của họ đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu một cách tuyệt vọng như thế nào. Trước đây, những vũ khí hiện đại nhất của họ đã bị Trung Quốc chiếm đoạt, để giữ vị thế dẫn đầu về công nghệ.
Các tay thợ rèn vũ khí của Trung Quốc hiện nay đã quá tiến bộ, cho nên Nga chỉ có lợi thế hơn thua với những mẫu mã mới nhất. Cái gì Trung Quốc tự sản xuất được với chất lượng tương đương thì họ không thèm nhập khẩu.
Ngoài việc bị đánh cắp công nghệ, Nga còn có một mối lo ngại khác về việc bán vũ khí cho Trung Quốc. Hai nước có chung đường biên giới dài 4.200 km. Mặc dù tình hình ngày nay đã dịu bớt, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy: vào năm 1969 thậm chí còn xảy ra một cuộc chiến tranh ngắn, không báo trước giữa hai cường quốc cộng sản thù địch, với nhiều thương vong cho cả hai bên.
Ở Matxcơva, ký ức này dường như chưa phai mờ, ít ra là trong ý thức: Nga cung cấp cho Bắc Kinh vũ khí phòng thủ như là hệ thống phòng không. Loại vũ khí mà Trung Quốc có thể sử dụng để tấn công Nga, thì họ giữ lại. Ví dụ, máy bay ném bom chiến lược hoặc loại Cruise-Missiles được sử dụng tấn công các mục tiêu trên bộ.
Nga cũng buộc phải suy nghĩ về những khoản tiền khổng lồ mà Trung Quốc đang đổ vào cho quân đội. Theo Sipri, vào năm 2020, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lớn hơn gấp 4 lần so với ngân sách của Nga. Trong vòng hai mươi năm, Trung Quốc đã tăng ngân sách cho các lực lượng vũ trang lên gấp sáu lần, trong khi ở Nga, ngân sách tương ứng chỉ tăng gấp ba lần. Như vậy, Trung Quốc không chỉ gia tăng kỹ năng chuyên môn về phát triển vũ khí mà còn đầu tư vào đó một số tiền khổng lồ.
Chất keo gắn kết mối quan hệ quân sự giữa Matxcơva và Bắc Kinh chính là, họ có chung một động cơ chống đối lại uy thế của Hoa Kỳ. Sự bất mãn đủ lớn, để buộc hai nước phải cùng nhau phát triển vũ khí. Vào năm 2019, Tổng thống Vladimir Putin cho biết nước Nga đang cùng với Trung Quốc phát triển một hệ thống báo động sớm các cuộc tấn công bằng tên lửa. Theo truyền thông Nga, hai nước cũng đang chế tạo một loại tàu ngầm mới. Tuy nhiên, họ không cho biết các chi tiết.
Trung Quốc bảo vệ mạn sườn phía đông cho Nga
Kể từ giữa những năm 2000, các lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập chung. Theo thời gian, họ đã phát triển đáng kể về kích thước và khả năng phối hợp. Mùa hè năm ngoái, 13.000 binh sĩ Trung Quốc và Nga đã tập trận cùng nhau ở khu vực Ninh Hạ, phía bắc Trung Quốc. Sau đó, vào tháng 10, hải quân hai nước đã tiến hành các cuộc diễn tập ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Nga.
Tuy nhiên, sẽ có ngộ nhận nếu xem đây là một liên minh quân sự. Hai nước này không có thỏa thuận nào buộc họ phải cung cấp hỗ trợ quân sự cho đối tác của mình, trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Các chuyên gia còn thấy thêm một điểm khác biệt lớn nữa là, nếu so với NATO, khả năng tương tác giữa hệ thống các binh đội của Nga và Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các lực lượng của NATO.
Nhưng sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực quân sự và vũ khí có tác động đến khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang hai nước. Và rồi, sự tin tưởng lớn đến mức họ thấy không cần phải duy trì các điểm phòng thủ quy mô ở biên giới chung. Các binh đội này có thể đem triển khai ở những nơi khác.
Đó chính là điều mà nước Nga đã thực hiện. Họ đã vận chuyển hàng chục nghìn binh sĩ và vũ khí từ miền Viễn Đông sang phương Tây, để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Ukraine. Việc Nga có thể cảm thấy an toàn ở mạn sườn phía đông của mình là một đóng góp âm thầm của Trung Quốc vào nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine. Đối với Nga, việc này có nhiều lợi ích hơn chuyện Trung Quốc cung cấp cho họ một vài thứ vũ khí./.