Hanoi, 08.03.2022
Chiến tranh đã quay trở lại Châu Âu.
Chúng tôi lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể về hành động xâm lược quân sự vô cớ và phi lý của Liên bang Nga đối với Ukraine.
Bằng các hành động quân sự phi pháp của mình, Nga đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời phá hoại sự ổn định và an ninh của châu Âu cũng như toàn cầu. Điều này bao gồm quyền của Ukraine để lựa chọn số phận của mình.
Nga phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động xâm lược này và tất cả những sự tàn phá và thiệt hại về nhân mạng mà nước này sẽ gây ra.
Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 2 tháng 3 đã thông qua một nghị quyết về “Hành động bạo lực chống lại Ukraine”, với đa số 141 quốc gia ủng hộ và chỉ 5 nước chống lại (cùng với 35 phiếu trắng).
Đây là một thời khắc lịch sử và cho thấy mức độ đồng thuận toàn cầu về vấn đề này. Liên hợp quốc đã cùng nhau lên tiếng tôn trọng các giá trị và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc. 141 quốc gia này đã lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất về hành động xâm lược của Liên bang Nga, cũng như sự can dự của Belarus, yêu cầu họ ngừng sử dụng vũ lực chống lại Ukraine và rút tất cả lực lượng quân sự khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine – ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện.
Các nước thành viên ASEAN cũng bỏ phiếu áp đảo ủng hộ nghị quyết, chỉ có hai phiếu trắng. Một trong số đó là Việt Nam.
Chúng tôi hiểu mối quan hệ lịch sử quan trọng mà Việt Nam có với Liên Xô. Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam trong những lúc cần thiết trong khi những nước khác thì không. Nhưng Liên Xô đã biến mất từ lâu và chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới.
Với khoảng cách địa lý, đương nhiên Việt Nam có những lợi ích riêng và một số quan điểm khác với chúng tôi ở Châu Âu. Nhưng trong thời điểm khủng hoảng này, tất cả chúng ta phải tập trung vào câu hỏi cơ bản là liệu có thể nào biện minh cho việc Nga, một nước lớn, bắt nạt và xâm lược nước láng giềng Ukraine, để cố gắng vẽ lại các ranh giới trên bản đồ, nhằm đi ngược lại các quy tắc quốc tế hay không? Có phải vì lợi ích của Việt Nam đối với thế giới được cai trị bằng thứ logic đó hơn là luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình?
Cũng giống như người dân ở Châu Âu, người dân Việt Nam đáng tiếc là lại biết quá rõ chiến tranh là như thế nào. Việt Nam, cũng như châu Âu, đã trải qua nỗi đau khổ của những thường dân vô tội và biết tại sao việc đấu tranh cho tự do và giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình là vô cùng quan trọng. Việt Nam cũng như châu Âu, hiểu rất rõ những gì mà người dân Ukraine đang phải trải qua.
Và chính vì những ký ức cay đắng của chiến tranh và bởi vì tất cả chúng ta đều coi trọng hòa bình thực sự, mà tất cả chúng ta nên sát cánh cùng người dân Ukraine và tuyệt đại đa số cộng đồng quốc tế và kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột phi nghĩa này.
Cuộc xâm lược của Nga cũng đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, vốn đang phải vật lộn với sự phục hồi sau đại dịch, thiếu hụt chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng. Giá năng lượng, vận tải, hàng hóa và thực phẩm đều tăng vọt. Điều này sẽ không có lợi cho Việt Nam.
Chúng tôi biết rằng Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ với Nga. Đây là một đất nước xinh đẹp mà du khách Nga rất thích đến thăm, và mối quan hệ của các bạn với Liên bang Nga rất rộng rãi.
Chúng tôi tin rằng các bạn, những người Việt Nam cũng như chúng tôi đều mong muốn một kết quả tích cực cho cả Nga và Ukraine.
Chúng tôi hy vọng rằng các bạn chia sẻ quan điểm của chúng tôi rằng giảm leo thang và rút lui không chỉ là điều đúng đắn cần làm vì lý do pháp lý và nhân đạo, mà nó còn là lựa chọn chính trị đúng đắn của Nga đối với tất cả Cộng đồng quốc tế và vì hòa bình và sự ổn định mà các dân tộc của chúng ta cần phát triển mạnh mẽ.
Sát cánh cùng Ukraine!
Đại sứ Giorgio Aliberti – Liên minh Châu Âu;
Đại sứ Hans-Peter Glanzer – Áo
Đại sứ Paul Jansen – Vương quốc Bỉ
Đại sứ Marinela Petkova – Bulgaria
Đại sứ Vitezslav Grepl – Cộng hòa Séc
Đại sứ Kim Hojlund Christensen – Đan Mạch
Đại sứ Keijo Norvanto – Phần Lan
Đại sứ Nicolas Warnery – Pháp
Đại sứ Guido Hildner – CHLB Đức
Đại sứ Georgios Stilianopoulos – Hy Lạp
Đại sứ Csaba Őri – Hungary
Đại sứ John McCullagh – Ireland
Đại sứ Antonio Alessandro – Ý
Đại sứ Elsbeth Akkerman – Hà Lan
Đại sứ Wojciech Gerwel – Ba Lan
Đại sứ Cristina Romila – Romania
Đại sứ Pavol Svetik – Slovakia
Đại sứ Maria Pilar Mendez Jimenez – Tây Ban Nha
Đại sứ Ann Mawe – Thụy Điển
Đại sứ Ivo Sieber – Thụy Sĩ
Đại sứ Grete Lochen – Na Uy
Đại sứ Gareth Ward – Vương quốc Anh