Liên minh Châu ÂU: Không chấp nhận việc Việt Nam cài phần mềm gián điệp theo dõi

- Quảng Cáo -

RFA

Liên minh Châu Âu (EU) lên tiếng quan ngại về thông tin cáo buộc Chính phủ Việt Nam đứng sau việc cài phầm mềm gián điệp để lấy thông tin từ điện thoại các giới chức và chuyên gia của EU, gọi đây là hành động “không thể chấp nhận”. Trang tin Nikkei Asia hôm 16/10 dẫn lời một người phát ngôn của EU cho biết như vậy.

Hôm 9/10, báo chí Mỹ bao gồm Washington Post và Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố các thông tin cáo buộc Hà Nội dùng phần mềm Predator mua của một công ty Pháp để hack vào điện thoại di động của các dân biểu, nhà phân tích chính sách, nhà báo Mỹ, cùng các chuyên gia và giới chức EU làm trong lĩnh vực biển.

Theo điều tra, phía Việt Nam đã sử dụng mạng xã hội X (trước là Twitter) để dụ các nhà chính trị và những người quan tâm vào các trang mạng có phần mềm Predator.

- Quảng Cáo -

Vụ tấn công xảy ra vào khi Việt Nam đang cố gắng để thuyết phục EU rút “thẻ vàng” cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vào ngày 10/10 vừa qua, một đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) đã đến Việt Nam để kiểm tra công tác chống IUU của Việt Nam trong thời gian một tuần.

Nikkei cho biết EU đang đề nghị Hà Nội làm rõ cáo buộc này, trong khi Pháp nói việc sử dụng phần mềm theo dõi là không thể chấp nhận.

Người phát ngôn của EC nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi sẽ nâng mức quan ngại từ thông tin liên quan đến Chính phủ Việt Nam… Bất cứ nỗ lực nào nhằm truy cập dữ liệu các công dân một cách bất hợp pháp, bao gồm cả nhà báo hay chính trị gia đối lập đều không thể chấp nhận.”

Một người phát ngôn của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội được Nikkei dẫn lời nói rằng việc theo dõi như vậy có thể giúp công tác chống tội phạm nhưng phải trong phạm vi khuôn khổ pháp luật và “bất cứ hành động nào đi ra ngoài khuôn khổ này đều không thể được chấp nhận và phải bị trừng phạt”.

Theo thông tin điều tra được công bố, Bộ Công an Việt Nam bị cáo buộc đã mua phần mềm Predator từ Tập đoàn Nexa và AMES của Pháp với giá 5,9 triệu đô la từ năm 2020 trong khoảng thời hai năm.

Theo bài báo điều tra của báo Đức là Der Spiegel, chính phủ Pháp nằm trong số các chính phủ không quản lý được một cách hiệu quả việc xuất khẩu các phầm mềm gián điệp.

Hiện Mỹ cũng chưa đưa ra bình luận cụ thể về cáo buộc đối với Hà Nội. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói với Nikkei rằng phía Mỹ coi trọng các cáo buộc liên quan đến việc sử dụng phần mềm gián điệp thương mại.

“Với kết quả của việc nâng cấp quan hệ song phương, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cso một diễn đàn để đề cập các vấn đề then chốt – bao gồm cả cơ hội và thách thức – trực tiếp với Chính phủ Việt Nam.” – người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho biết.

Theo Washington Post, vụ hack điện thoại lần này xảy ra vào khi Mỹ và Việt Nam đang đàm phán nâng cấp quan hệ hai nước từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước đã ký thỏa thuận này vào ngày 10/9 vừa quan nhân chuyến thăn của Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội.

Hiện Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra bình luận gì về những cáo buộc này./.

 

- Quảng Cáo -