Cháu luôn nghĩ là “Không.” Bởi một bạo chúa không phải là cả nước Nga, cả dân tộc Nga.
Misha Đoàn (*)
Mùa hè 2015, khi đi dạo trong khuôn viên khu bảo tàng chiến tranh tại Kiev, bất chợt tôi thấy một đôi tình nhân âu yếm ôm nhau trong khi đang chăm chú quan sát một chiếc… xe tăng. Tôi liền vội vàng giơ điện thoại lên, chộp được khoảnh khắc đó.
Quay trở lại Mỹ, tôi đăng tấm hình đó lên trang Facebook của mình kèm theo một đoạn trích dẫn từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga Aleksei Tolstoy với bối cảnh những năm cuối chiến tranh thế giới lần thứ nhất và cuộc nội chiến Nga.
Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét và sẽ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng và chan chứa tình yêu thương…”.
Thật sự, lúc đó trích dẫn cho hợp ngữ cảnh thôi chứ chiến tranh còn ở mãi tận Donbass, cách Kiev gần cả nghìn cây số…
Vậy mà vào những ngày này bom đã rơi, đạn đã nổ tại trung tâm Kiev. Tôi lật lại những tấm ảnh chụp tại Kiev, nhìn những khuôn mặt của những người không quen trên đường phố lọt vào ống kính và thẫn thờ tự hỏi: Bây giờ họ đang ở đâu, dưới hầm trú ẩn hay trong bệnh viện hoặc trên chiến tuyến?
Tôi bị “shocked” trước những gì đang xảy ra, không tin được đó là sự thật. Những ngày này tôi luôn có tâm trạng u uất, đau khổ lẫn phẫn nộ, thậm chí có cả cảm giác xấu hổ, với những câu hỏi luôn dằng xé “Tại sao? Tại sao?”
Lứa du học sinh thời tôi, và phần đông người Việt Nam hiện tại có sự mặc định lầm lẫn rằng “Liên Xô” (Soviet Union) là Nga. Đối với phần đông chúng tôi, Nga là cách gọi tắt của đế chế Soviet mênh mông gồm 15 nước Cộng hòa tự trị. Mà cũng phải thẳng thắn khách quan thừa nhận rằng thời đó các dân tộc trong Liên Xô sống với nhau khá là hòa thuận tuy có thể đó là vì sự kiểm soát nghiêm ngặt từ phía Chính quyền Trung ương. Vậy nên cũng dễ hiểu khi đối với chúng tôi thì hầu như không có sự khác nhau mấy giữa người Nga hay Ukraina hoặc Belarus; tất cả là một dân tộc, cùng một tổ quốc, dưới một ngọn cờ…
Tôi có thể may mắn hơn một số bạn sinh viên du học cùng lứa bởi vì có một khoảng thời gian rất dài tôi được sống chung với cộng đồng người Nga (hay chính xác hơn là người Soviet) bản xứ. Tôi được nuôi dưỡng bằng bánh mì Nga, văn hóa Nga, tinh thần Nga… đến nỗi đôi khi tôi cứ ngỡ rằng mình cũng là… người Nga.
Trong hộ chiếu người vợ đầu tiên của tôi, phần Dân tộc (Nation) được ghi là Nga nhưng trên thực tế Họ (Last name) của vợ tôi lại mang gốc Ukraina – GORDEENKO. Cũng có lần tôi đã từng hỏi vợ tôi rằng vậy em chính xác là người Nga hay Ukraina thì cô ấy trả lời là không rõ nhưng cô đã quen với việc coi cô ấy là người Nga rồi. Tôi lại đem câu hỏi đó ra hỏi ông ngoại của cô ấy, ông phẩy tay: “Có gì khác lạ đâu chứ. Nga hay Ukraina đều là một, chúng ta là dân Soviet”.
Ông bà ngoại của vợ cũ tôi đều tham gia Thế Chiến II. Ông tham gia tấn công vào lãnh thổ Đức Quốc xã 1945, bị thương, gặp bà ngoại là Hộ lý tại Quân y viện. Sau chiến tranh hai người kết hôn. Ông bà ngoại thương yêu tôi như con cháu ruột thịt trong nhà, thậm chí thường bênh vực tôi mỗi khi có xung khắc gia đình giữa tôi và vợ, với lập luận rằng: “Thằng Misha (tên gọi của tôi thời sinh viên) ở đây có một mình, chúng ta phải thương yêu nó vì nó ở Việt Nam cũng đã phải chịu bao nhiêu cực khổ vì chiến tranh rồi.”
Hàng năm, cứ đến ngày 9/5 thì cả gia đình vợ tôi lại tập trung quây quần xung quanh chiếc bàn để ngoài vườn dưới cây cherry rợp màu hoa hồng tím.
Ngày 9/5 được coi là Ngày Chiến thắng trong “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” (ngày chiến thắng Phát xít Đức) của người Nga. Mới đầu hè, bầu trời xanh thăm thẳm, hoa rực rỡ sau mùa đông ảm đảm, hít thật sâu vào ngực luồng không khí trong lành có mùi thoảng thoảng của đất và hoa để cảm giác như được truyền một luồng sinh khí mới, người lâng lâng…
Chiếc bàn được bày ra với bao nhiêu là bia rượu, lò nướng được đốt lên với mùi thơm ngào ngạt của món shashlyk (thịt nướng, BBQ) Nga truyền thống. Ông ngoại khề khà kéo đàn accordion cho bà ngoại hát những bài dân ca Nga liên quan đến chiến tranh: “Ôi những con đường lầm bụi, mù sương, lạnh lẽo, lo âu và thảo nguyên cỏ dại…” Rồi ông đứng lên, cầm ly Vodka và trịnh trọng tuyên bố “Mọi người hãy nâng ly để tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống cho chúng ta được sống, được ngồi quây quần với nhau hôm nay, để những thế hệ tiếp theo của chúng ta không biết đến vũ khí là gì…” Cả bàn đều đứng lên, cụng ly với nhau rồi ngửa cổ uống cạn hết ly mới được để cốc xuống bàn và phấn khích hét lên “Hurra…”
Buổi tiệc thường kéo dài từ trưa đến tối, mọi người vừa uống, vừa hát những bài hát nổi tiếng về chiến tranh như “Kachiusa” “Thành phố thân yêu”, rồi xem TV cảnh duyệt binh với điệu quân nhạc trầm hùng “Vĩnh biệt người con gái xứ Slavo”, nghe Mark Bernes hát “Người Nga có muốn chiến tranh không?”
“Xin hãy hỏi sự yên bình tĩnh lặng
Trên những dải ruộng đồng bao la
Xin các anh hãy hỏi những cây dương
Xin các anh hãy hỏi bao người lính
Đang nằm dưới những gốc bạch dương
Hãy để cho con của những người này lên tiếng
Người Nga có muốn chiến tranh không?”
Ông ơi, khi viết những dòng chữ này, cháu lại nghĩ đến ông bà. Ông có hình dung được không, những dàn Kachiusa với tên gọi mới là Grad đang dội bão lửa. Không, không phải dội xuống Berlin của năm 1945, mà là dội xuống Kiev của năm 2022.
Và những người lính Nga đang ngã xuống, không phải để bảo vệ tổ quốc của mình.
Một quốc gia đã góp phần đánh bại hiểm họa Phát xít, quốc gia mà ông đã tôn thờ, đã đổ máu để bảo vệ nó, mỉa mai thay quốc gia đó giờ lại đang trong vai kẻ xâm lược. Và đau đớn thay lại đi giết chính những người láng giềng của mình.
Ông ơi, nếu cõi khác có thật, chắc ông sẽ rất đau lòng khi tổ quốc của ông đã không còn nữa, khi những toan tính, tham vọng của kẻ cầm quyền đã làm hoen ố hình ảnh đất nước của ông, để một số vin vào cớ đó để hoài nghi, phủ nhận những mất mát, hy sinh của ông và đồng đội…
Cháu rất đau lòng khi nghe lại bài hát “Người Nga có muốn chiến tranh không?”
Cháu luôn nghĩ là “Không.” Bởi một bạo chúa không phải là cả nước Nga, cả dân tộc Nga.
Người Nga trong cháu là ông bà, là Puskin, Lermontov, Tolstoy, Paustovsky…
Không, người Nga không muốn chiến tranh, phải không ông?
(*) Tác giả Misha Đoàn từng theo học Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Tashkent (Uzbekistan) 1983-1989 và Khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp Sankt-Petersburg (Nga) 1993-1996. Tác giả hiện định cư tại California, Hoa Kỳ. Tòa soạn giữ nguyên văn phong và cách phiên âm theo tiếng Nga của một số nhân vật và địa danh mà tác giả đề cập.