Lá thư ngày Tết Nhâm Dần của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ
- Quảng Cáo -

Kính gởi:

Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-già nhị bộ;

cùng Bốn Chúng Đệ tử.

Trong sát-na nhiệm mầu của tâm tịnh tín, khoảnh khắc khép lại quá khứ đen tối bi thương, hướng đến không gian biến mãn tâm từ vô lượng, bằng chút thiện căn công đức đã được gieo trồng trong quá khứ, kính dâng lên Đấng Chí Tôn Vô Năng Thắng, hồi hướng công đức này đến pháp giới chúng sinh đồng miễn trừ bệnh khổ.

- Quảng Cáo -

Kính thưa Chư Hiền, cùng Bốn Chúng đệ tử.

Thời gian đến, thời gian đi. Thời gian nấu chín sinh vật. Thời gian hối thúc sinh loại. Thời gian thức tỉnh con người.

Thời gian, một năm qua, trôi nhanh theo âm thanh cuồng nộ của những đợt sóng kinh hoàng từ bóng ma đại dịch, vang vọng tiếng kêu thống thiết từ những đoàn người xuôi ngược đào vong trên chính trên quê hương của mình.

Trong cảnh tượng ấy, trong cảnh giới hàn băng địa ngục giữa cõi nhân sinh ấy, nơi mà tình người, được lịch sử nhầm lẫn trao tay cho thế lực cuồng vọng tham lam, đã đóng băng thành mặt nước đại dương rập rình hiểm họa.

Thế nhưng, trong thế giới địa ngục trần gian ấy, vẫn còn những tấm lòng nhân ái, giữ cho đốm lửa thiện căn từ giác tính uyên nguyên vẫn còn lấp lánh trong lịch sử tồn sinh của dân tộc. Chúng đệ tử Phật góp nhặt công đức thiện hành và tùy hỷ thiện tâm của những tấm lòng nhân ái tương thân tương trợ trong cảnh khốn cùng bức bách, để kết thành một đóa hoa mai tỏa sáng sắc hương tâm từ vô lượng, dâng lên cúng dường đức Từ Tôn Vô Năng Thắng, trang nghiêm ngày Hội Long Hoa, cho một thế giới an lành tịnh lạc trong chu kỳ thành trụ hoại không vô tận của vô biên thế giới.

Chúng đệ tử Phật, trong ngày hội truyền thống, cùng chung niềm vui chung của dân tộc, cùng cất đi gánh nặng khổ nhục đày đọa hình hài và tâm trí của một năm tai dịch hoành hành; một năm vinh quang ảo tưởng cho những tham tàn vô đạo phi nhân. Chúng đệ tử cùng chung sức góp nhặt chút công đức, từ thiện căn đã được gieo trồng trên mảnh đất cùng khốn này, để vun bồi thiện tâm lớn mạnh dựng lại những gì đã sụp đổ, để nối lại đức từ nhân ái của một thời độc lập và tự chủ – hào hùng nhưng khiêm tốn, ngoan cường nhưng bao dung – đã bị đứt đoạn bởi những thế hệ thừa kế tự tôn vinh, được kích động bởi tham vọng lịch sử, được trang nghiêm bằng ý thức khoa trương kiêu ngạo.

Bốn nghìn năm lịch sử dựng nước. Hai nghìn năm Đạo Pháp hưng suy theo vận nước thăng trầm vinh nhục. Một nghìn năm Thăng Long đứng vững trước mọi phong ba của thời đại. Năm mươi năm hòa bình thống nhất, dù với ước vọng đấu tranh xây dựng một xã hội công bằng văn minh, xóa đi quá khứ người bóc lột người; nhưng bóng ma quá khứ ấy bỗng chốc biến thể, thay đổi hình hài, tự thăng hoa và tiến bước theo hướng đi dọn sẵn của một thứ tồn tại vô hình đang thách thức đỉnh cao trí tuệ của nhân loại văn minh. Những giá trị nhân sinh cần được định nghĩa lại: Phẩm giá con người? Văn minh tiến bộ?

Trong nỗi kinh hoàng dưới những hình thái bức hiếp, bóc lột kiểu mới, vẫn thấp thoáng những bàn tay nhân ái đã và đang nâng đỡ những thân hình bạc nhược, tâm tư suy sụp, vì đói khát và đợi chờ; đã và đang xoa dịu những trái tim nhức nhối trong cô đơn, tuyệt vọng trước nẻo đường phân ly sống chết; đã và đang dìu dắt những trẻ thơ mất cha, mất mẹ, mất cả mọi nguồn yêu thương thân thiết, bị vất bỏ giữa chợ đời hiểm ác, mà không biết vì đâu. Thiện căn từng được ươm mầm trong chuỗi dài lịch sử rồi cũng đến lúc nẩy chồi, chen chúc để vươn lên dưới ánh sáng uyên nguyên của mặt trời tuệ giác trong cánh đồng đang trổ đầy hoa trái độc. Một trang lịch sử đau thương, khổ nhục, cần được khép lại. Tâm từ cần được khơi nguồn để mỗi người con thân yêu của đất nước tự tâm cảm nghiệm ân đức bao dung và tha thứ của Cha Ông một thời đã làm nên lịch sử, định hướng đi cho dân tộc trụ vững giữa những tham vọng điên cuồng thống trị thế giới, những cơn lốc tranh chấp ý thức hệ phân chia quyền lực, những tiến bộ đảo điên trong lịch sử văn minh tiến hóa của loài người.

Hãy khép lại hận thù quá khứ, được gieo rắc từ những áp bức, bóc lột, bất công. Nghiệp ác, bất thiện đã được tạo tác, và được tích lũy trong kho tàng tâm thức, thành di sản mà chủ nhân của nó cũng chính là người thừa tự. Không phải vì được quên hay được nhớ mà nghiệp ác bất thiện sẽ mất hay còn. Kẻ gây ác cảm thấy có vị ngọt trong hành vi ác; cho đến khi quả ác chín muồi, vị ngọt biến chất thành độc tố thiêu đốt thân tâm của nó. Các vị Tổ Thiền của chúng ta thường nói “thời tiết nhân duyên mà thôi vậy”. Những biến đổi xã hội, cũng đồng như sự thay đổi biến chuyển trong cơ thể sinh vật, trong thủ uẩn của chúng sanh, không chuyển biến nhất thời để cho quả. Khi nhân duyên hội đủ, đến thời cho quả chín, một thế hệ mới, từ lòng đất, qua vô số kiếp hành Bồ-đề nguyện, đột nhiên xuất hiện, ngăn chặn những dòng nước lũ độc hại đang làm ô nhiễm thế gian, phá sập và dẹp bỏ những gì đã mục nát, rỗng ruột.

Trong lịch sử của các dân tộc cũng vậy. Một chế độ mới được dựng lên, hứa hẹn một thời đại công bình chính trực, không tham tàn bóc lột, không bức hiếp bạo hành; nhưng rồi, chính cái thế lực tự xưng cứu tinh dân tộc tự nó biến thể thành tập đoàn hung ác bạo ngược không kém gì thế lực mà nó thay thế. Trong lịch sử tiến hóa của các cộng đồng dân tộc dưới gầm trời này, có lẽ khó tìm thấy một dân tộc nào an ổn đứng ngoài quy luật tiến hóa ấy. Vậy thì, có gì mà phải thất vọng hay tuyệt vọng? Hãy làm những gì, bằng trí tuệ sáng suốt phân biệt thiện ác, những gì tăng ích an lạc trong đời này và nhiều đời sau, cho ta và những người khác.

Thế nhưng, trí tuệ sáng suốt không phải là giá trị được ban tặng bởi ai đó bên ngoài ta hay trên ta, mà đó là công phu tu dưỡng không phải một sớm một chiều. Mọi tôn giáo, các Thánh triết Đông Tây, đều nói nhiều đến tình yêu, nhưng không đâu tìm thấy lời dạy cụ thể, thiết thực, làm thế nào để phát triển tình yêu rộng lớn. Tình yêu, tuy là phẩm tính hiện thực của con người đấy, nhưng nếu không được tu tập, bồi dưỡng, thì cũng không khác gì ngọn lửa không được rót thêm nhiên liệu, độ sáng trước như thế và sau vẫn như thế, rồi tàn lụi dần. Đức Phật không chỉ nói suông tình yêu; Ngài cũng nói, hãy ngồi xuống, an tịnh thân hành, thực hành thuận tự quá trình tu tập bốn vô lượng tâm. Cái gì là tập quán của thân, và cái gì là huân tập của tâm; công năng sai biệt trong chuỗi tương tục của hai thứ này không tồn tại với thời và thế như nhau.

Tâm từ, tâm bi vô lượng, không chỉ là nguồn an lạc cho mỗi cá nhân tu tập. Đó là nguồn suối đại hành tâm, bằng tâm nguyện Bồ-đề, nguyện thêm vui bớt khổ cho chúng sinh, dẫu biết rằng hư không vô biên, chúng sinh giới vô tận, nghiệp và phiền não của chúng sinh cũng không cùng tận.

Đại hành tâm, với thệ nguyện bao la hoằng vĩ, nhưng lại bắt đầu từ việc nhỏ: chia nửa manh áo cho người đang lạnh, chia nửa nắm cơm cho người đang đói. Phật dạy, bố thí là pháp hành cho người tại gia lăn lóc trong đường đời đầy bụi bám, từ đó mà thứ tự tùy thuận, lần lượt tăng trưởng trí tuệ, cho đến viên mãn Đại Bồ-đề.

Bố thí là khởi đầu của Bồ-đề hành, Bồ-tát đạo. Bằng bố thí mà trang nghiêm cõi Phật. Bằng bố thí mà dẫn đạo chúng sanh thuần thục trong Thánh đạo.

Bố thí, trong ý nghĩa kinh tế, là hoạt động tái phân phối thu nhập, để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, giảm bớt áp lực bất công xã hội. Bố thí trong quan hệ tương tác như lý bình đẳng giữa người cho, vật cho và người nhận, tất yếu dẫn đến sự tăng trưởng của giới, và đó là sự thăng hoa phẩm giá con người, nền tảng của đạo đức xã hội, thiết lập định chế công bình chính trực bảo đảm an ninh trật tự cho những cộng đồng đa dạng trong một xã hội đa nguyên; bao dung, điều hòa những mâu thuẫn giữa các nguồn tư duy triết học, tín ngưỡng tôn giáo dị biệt. Chính trong quan hệ tương tác giữa người cho, vật cho và người nhận mà quy luật tồn tại được quán sát, được chiêm nghiệm. Không phải như nhà kinh tế học ngồi trước các bảng thống kê, trước những con số của bài toán xác suất, mà bằng sự rung cảm, đồng cảm trước cảnh đời khốn khổ, bất lực, không đủ sức tự mình đứng dậy để tự mưu sinh; và bằng quyết trạch trí thấy biết đâu là nhân tập khởi của những bất công xã hội.

Bố thí là nền tảng cho an ninh và trật tự xã hội. An ninh và trật tự xã hội được duy trì bền vững bằng đạo đức và bao dung, tức bằng giới và nhẫn. Viên mãn thí, giới, nhẫn hợp thành điều kiện tất yếu để phát triển trí tuệ, ngọn đuốc soi đường và định hướng cho văn minh tiến bộ của nhân loại.

Vậy cho nên, khi chứng kiến một người cùng khổ đang chia nửa manh áo rách, nửa phần cơm hẩm cho người cùng khổ hơn mình, Thánh nhân thấy biết rõ thiên giới hay nhân giới đang được định hướng. Và chính nơi đây, trong cái cảnh những kẻ tham tàn tự khoác áo bào nhân nghĩa không chút do dự rút tỉa xương tủy của đồng bào ruột thịt đang thất cơ thất sở lăn lóc trên các vỉa hè đường phố, trong cảnh tượng khiến tê tái quặn thắt tim người của những ai còn chút lương tri, vẫn không hề thiếu vắng những bàn tay sung mãn tình người để cho và nhận, hiển hiện ánh sáng đức từ đã và sẽ soi đường và định hướng cho lịch sử tồn vong của dân tộc.

Chúng đệ tử Phật, đã cùng chung cộng nghiệp với dân tộc này, trong đất nước này, trong khoảnh khắc thời thiết nhân duyên đã chung đúc thành truyền thống thiêng liêng của dân tộc này, nguyện cùng đại khối dân tộc đồng hành trong ánh sáng của đức từ nhân ái, bao dung và tha thứ, dọn đường cho các thế hệ tiếp nối thăng tiến trong phẩm giá cao quý của con người.

Xin hãy khép lại quá khứ hận thù, nghi kỵ!

Xin hãy mở rộng tâm tình bao dung nhân ái!

Cầu nguyện tất cả con dân trong đại khối dân tộc, một năm mới, ngày đêm thường an lành; tất cả mọi thời đều an lành. Cầu nguyện đất nước thanh bình, nhân dân an lạc.

Thị ngạn am – Vô trụ xứ.  Âl. 28–12–Tân sửu.

Khâm thừa Di chúc,

Bỉnh pháp Tỳ-kheo

Thiện thệ tử Thích Tuệ Sỹ

https://thuvienhoasen.org/a37224/la-thu-ngay-tet-nham-dan-thich-tue-sy

 

- Quảng Cáo -