Phạm Minh-Tâm
Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về…
Câu văn ước-lệ này, đã 54 năm qua, từ sau biến-cố Tết Mậu-thân năm 1968 đến năm 2022 này, với tôi không còn là khuôn sáo để làm văn nữa, mà là một điệp-khúc tâm-linh vang lên từ cõi âm-u nào đó vẫn còn rờn-rợn…cứ mỗi độ xuân về.
Và xin được dùng bài viết này như nén hương lòng, kính viếng những người đã ra đi trong chuỗi ngày xuân u-buồn năm ấy, cùng tri-ân những tấm lòng Việt-Nam chân-thành nơi người chiến-sĩ, nơi mọi giới đã cách này hay cách khác, cùng nhau chia-sẻ gánh gian-nan trong lửa đạn, trong khó-khăn của xã-hội Miền Nam một thời nhiễu-nhương.
Và nếu được thì đây cũng là lời – không biết dùng lời tồi-tệ nào mới đáng – để nói về những kẻ vừa trực-tiếp vừa gián-tiếp chung tay gây nên thảm-trạng này cho đồng-bào tôi. Tàn-phá đất nước tôi.
Thủ-đô Sài-gòn vừa qua khỏi mấy ngày đầu năm Dương-lịch 1968 thì lại rộn lên tin vui, lệnh cấm đốt pháo vẫn có từ mấy năm trước được giải-toả. Thêm vào việc, một tuần trước Tết, các cơ-quan truyền-thanh, truyền-hình và báo-chí liên-tục loan tin Chính-phủ Việt-Nam Cộng-hoà, Hoa-kỳ và nhà cầm quyền Hà-nội cùng thoả-thuận hưu-chiến ba ngày trên toàn lãnh-thổ Miền Nam Việt-Nam vào dịp đón Tết Mậu-thân.
Với một đất nước chiến-tranh đang hồi khốc-liệt thì ba ngày hưu-chiến là ba ngày hoà-bình. Và tiếng pháo đêm Giao-thừa đã rền vang khắp nơi, khắp nẻo.
Trưa ngày 29-1-1968 cũng là ngày Mồng Một Tết, tôi và đứa em đi chúc Tết người bác ruột ở Đông-hoà, Dĩ-an, mãi chiều muộn mới về Sài-gòn. Ngồi trên xe, nghe các hành-khách chung chuyến thi nhau kể chuyện pháo Tết ở khu phố mình với giọng chân-thành vui sướng, tôi nhận ra khát-vọng của đa-số dân-tình cũng đơn-giản. Một ngày Tết, một mùa xuận có hoa, có pháo, được thong-thả đi thăm nhau, nói với nhau câu chúc lành là vui rồi. Nước đồng-minh Hoa-kỳ, các người vẫn mang danh là chính-khách ở Việt-Nam, là các thầy tu nhưng đầy đầu tham, sân, si theo giấc mơ “quốc-phụ”…có nhìn nét mặt từng người đang rạng-rỡ khoe-khoang về tiếng pháo đón xuân trong đêm Giao-thừa, mới hiểu được khát-vọng hoà-bình của người Việt-Nam. Song vừa về đến nhà thì đã thấy cả khu phố đang xôn-xao vì mọi nhà vừa xem xong bản tin buổi tối của Đài Truyền-hình Quốc-gia, liệt-kê một số thành-phố gồm Quy Nhơn, Kontum, Nha-trang, Pleiku, Darlac đã bị Việt-cộng tấn-công từ đêm 30 Tết và vẫn đang tiếp-tục xẩy ra ở nhiều nơi khác chưa phối-kiểm hết. Cùng lúc đó, người anh họ tôi đến chúc Tết, cho biết khi ngang qua đoạn đường từ Ngã Tư Bảy Hiền đến Ngã Ba Ông Tạ đã gặp bà con bồng-bế, gánh-gồng thất-thểu từ phía Củ-chi, Bà Điểm chạy về. Mấy anh em tôi vội trở lại khu Ngã Ba Ông Tạ. Người đã đông thêm, đang ngồi la-liệt trước cổng trường học Thánh Tâm. Họ cho biết vào sáng sớm, nghe có tiếng súng là biết có đụng trận và sợ nếu Việt-cộng kéo đến nơi thì chết cả đám nên bảo nhau chạy trước cho yên…
Là đoàn-viên Thanh Sinh Công, tôi nghĩ ngay đến phương-châm xem – xét – làm (Voir – Juger – Agir), đi gặp mấy người bạn quanh khu ông Tạ, người anh và đứa em là dân Hướng-đạo, vội-vã đến nhà anh Trần Văn Hợp, Đạo-trưởng Hướng-đạo Công-giáo đạo Xuân Hoà ở gần đó. Nửa giờ sau, mọi người đã trở lại gặp lại nhau trước cổng trường Thánh Tâm. Sau 1975, Việt-cộng đồi thành trường Tân Bình. Tôi được giao việc trước mắt là liên-lạc với nhà trường xin mở cổng và các gian lớp để đồng bào vào tạm-trú, vừa an-toàn cho bà con vừa để chính-quyền dễ duy-trì an-ninh.
Thánh Tâm là tư-thục do một nhóm các sư-huynh dòng Ki-tô Vua ở Cái Nhum điều-hành. Tất cả đã về tỉnh ăn Tết, chỉ còn một tu-sĩ trẻ trông coi, nhưng thấy bên ngoài hỗn-lọan nên không dám ra mặt. Tôi biết ở địa-phương này có ông Mười Vàng là Ủy-viên Cảnh-sát, nên vội tìm đến nhờ ông giúp. Ông đang ngồi ăn tối với vài người bạn, vừa nghe xong tự-sự liền sửa áo, đeo lon ra đi cùng tôi. Nhìn cảnh-tượng trước mắt, ông không ngần-ngại dùng súng bắn ổ khoá, chính tay mở rộng hai cánh cổng cho đồng-bào vào rồi xăm-xăm đi tìm người tu-sĩ yêu cầu mở cửa tất cả các lớp học để đồng bào trú-ngụ, kèm theo câu mọi trách-nhiệm sau này ông chịu. Anh Đạo-trưởng Trần Văn Hợp và các Hướng-đạo-sinh Xuân Hoà cũng vừa đến, chọn một gian lớp làm “Văn phòng”. Tôi được giao cho một giỏ càn-xế lớn cùng với người bạn đi dọc theo hai bên đường Thoại Ngọc Hầu, gõ cửa từng nhà, chỉ xin bất cứ món nào ăn được ngay. Một hiệu bán chiếu nói ngay tìm thêm người đến vác về mấy bó lớn. Đúng là chạy loạn vớ đựợc chiếu hoa. Thoáng chốc chúng tôi đã khiêng về một giỏ đầy bánh chưng, giò lụa, thịt kho, thịt chà bông, ít chai nước mắm… đi tiếp thêm hai chuyến nữa rồi về văn-phòng trực.
Trong lúc anh em Huớng-đạo đang lo sắp-xếp các gia-đình vào từng phòng, chia chiếu và lập danh-sách, có mấy ông bà giáo-dân giáo-xứ Sao Mai đi cùng linh-mục chính-xứ Lê Nguyên Kỷ, cũng là tuyên-uý Đạo Xuân Hoà, đem ra các gánh cơm vừa nấu xong và một ít chai tầu-vị-yểu. Cha Lê Nguyên Kỷ bảo tôi gọi loa mời bà con đến lấy cơm, bánh ăn đỡ, vừa lúc một Hướng-đạo-sinh vào, láu-táu nói để chờ làm xong danh-sách. Cha Kỷ quát lên, có cần như vậy không? Cơm và các món đã chín để cứu đói nhất thời; người ta lấy ăn đủ no thôi chứ ai tham lấy thêm để dành làm gì. Họ đi bộ cả ngày, vừa đói vừa mệt, 10 giờ đêm rồi, còn chờ đến bao giờ…
Quá nửa đêm, mọi sự tạm xong. Chúng tôi không ai muốn ngủ mà cũng không có chỗ để ngủ, kéo ra ngồi trên mấy ghế xi-măng quanh các gốc cây điệp lớn trong sân, vừa theo dõi tin-tức vừa nghe anh Đạo-trưởng tạm nêu một số việc cần làm cho ngày mai. Hết chuyện, rủ nhau mở nghe thử đài Hà-nội, gặp ngay lúc đang phát đi lời huênh-hoang chúc tết của Hồ Chí Minh…
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên, toàn thắng ắt về ta…
Anh Đạo-trưởng chạy về nhà đem đến một hộp lớn, đựng đủ loại thuốc trong các chai lọ dở-dang với lời chú-thích tên bên ngoài không phải là thuốc bên trong đâu. Hỏi ai có thể tạm phân-loại vài ba thứ thông-dụng như thuốc đau bụng, thuốc cảm…để lỡ đêm nay bà con cần dùng. Tôi nhận làm ngay vì sau khi đậu Tú-tài toàn-phần, tôi đã thi được vào học năm dự-bị APM (année préparatoire médecine), nhưng chỉ cố được hết năm thì bỏ vì làm như không hợp, nhất là cứ nghĩ đến khu Cơ-thể Học-viện ở đưòng Trần Hoàng Quân với mùi “formol” ngai-ngái là chóng mặt. Vì vậy, lúc này cũng có thể làm tàm-tạm. Thế là ngoài nhiệm-vụ đã giao từ ngày mai phải đi kiếm các nơi nào có thể xin mọi thứ tiếp-tế cho khu trại tỵ-nạn vừa lập này, còn kiêm luôn việc lo phòng y-tế.
Cùng trong đêm đó, tin loan đi, vào khoảng một giờ rưỡi sáng ngày 30-1-1968, từng nhóm đặc-công Việt-cộng đã lẻ-tẻ tấn-công các nơi như Phủ-tổng-thống, Bộ Tổng-tham-mưu, Đài Phát-thanh và thậm-chí cả làng thiếu-nhi SOS chưa hoàn-thành. Lệnh giới-nghiêm hai mươi bốn giờ được ban-hành.
Sáng hôm sau, anh Đạo-trưởng, lúc này đã thành Trại-trưởng, đưa cho tôi tấm bìa có ba chữ đỏ “Phòng Y-tế” để dán lên cửa gian lớp ngay lối vào chính. Tôi về nhà định hỏi xin hết cái tủ thuốc gia-đình đem đi, được tin người cậu họ là Đại-uý đang nghỉ phép, nghe lệnh phải trình-diện nên đã lái xe đi ngay từ tối khuya Mùng Một Tết, nhưng đơn-vị của cậu tôi sáng sớm nay gọi cho biết ông vẫn chưa đến. Sau khi “di-tản” mấy đứa em nhỏ đến nhà người cô ở Hoà-hưng, trên đường về, ngang qua nghĩa-trang Đô-thành thấy đông người đang tụ trước nhà xác nên tôi ghé vào và thật bất ngờ, tôi gặp người cậu tôi đang nằm giữa một số thi-thể khác cũng chỉ còn chiếc quần cụt trên mình với các vết máu chưa khô hẳn. Đơn-vị đi gom xác ghi nhận thấy cậu tôi nằm chết ở khu rừng cao-su bên đường Nguyễn Văn Thoại. Sau này mới hiểu thì ra các thi-thể trần-trụi như cậu tôi đều là quân-nhân hoặc cảnh-sát đã bị bộ-đội Việt-cộng lột lấy quân-phục để nguỵ-trang…
Ngày hôm sau nữa, linh-mục Đinh Quang Điện ở nhà thờ Đồng Tiến, là tuyến-uý Hướng-đạo Đạo Tây Hồ, ghé thăm “trại tỵ-nạn” Thánh Tâm, hỏi về tình-trạng y-tế của trại và ông hứa sẽ sang Đại-học Quân-y ở cùng đường Nguyễn Tri Phương, xin giúp đỡ. Ông nói, mình phải đi lo chứ chờ ai. Chính-phủ và Quân-đội còn phải bù đầu với tình-trạng nhiều nơi trong Đô-thành Sài-gòn Chợ Lớn bị các nhóm nhỏ đặc-công Việt-cộng len-lỏi đánh phá. Vậy là ngay trong ngày, bác-sĩ Quân-y Nguyễn Tiến Hoánh và một Trung-sĩ trợ-y đến gặp tôi, cho biết Đại-học Quân-y đã cắt-cử ông sẽ đều-đặn đến khám bệnh cho đồng bào ngày hai buổi và để lại một trợ-y trực đêm giúp đồng-bào. Thuốc men dùng cho gần hai ngàn người ở đây đều do Đại-học Quân-y cung-cấp tuỳ theo nhu-cầu bác sĩ Nguyễn Tiến Hoánh đệ-trình.
Một tuần sau, giữa lúc Sài-gòn vẫn giới-nghiêm 24 giờ, Nam, một Hướng-đạo-sinh và tôi với băng hồng-thập-tự trên cánh tay và giấy giới-thiệu của trại, ra đi bằng chiếc Mobylette của Nam, tìm nguồn cứu-trợ. Chúng tôi đến trụ-sở Tổng-hội Sinh-viên ở số 4 đường Duy Tân trước, cũng là một điạ-điểm cứu-trợ, nhưng vắng-vẻ. Anh Cao Quảng Văn, một sinh-viên Văn-khoa, bảo tôi ở đây chưa có gì cả, thử sang Bộ Xã-hội xem. Chẳng biết “bọn nó” đi lạc hay đấy là kế-hoạch mà cứ từng nhóm đi liều mạng, tấn-công nơi này nơi nọ, trong thành-phố, rồi bị tiêu-diệt. Đúng là đem người đi nộp mạng để “sinh Bắc tử Nam”. Toà Đại-sứ Mỹ cũng bị tấn-công mà sao mình lại nghe đâu Mỹ cũng có phần đạo-diễn.
Chúng tôi sang Bộ Xã-hội, cũng vắng, không có nhân-viên nhiều. Thỉnh-thoảng có mấy chiếc xe “Lam” ba bánh chở mấy bao gạo đi ra. Chờ khoảng nửa giờ, chúng tôi được đưa lên lầu gặp Bác-sĩ Tổng-trưởng Xã-hội và Tỵ-nạn Nguyễn Phúc Quế. Ông xin lỗi khi vừa ăn trưa bằng khúc bánh mì và một ca nước xá-xị vừa giải-thích vì đường vào kho An-bình còn đang bị Việt-cộng phục-kích nên lương-thực tại Bộ rất ít, các cháu nhận đỡ ba tạ gạo và năm tĩnh nước mắm. Đang lúc đó có điện-thoại gọi lên, nghe xong ông bảo chúng tôi…dưới nhà cho biết có một Thượng-nghị-sĩ và bà sơ Caritas Mỹ đến xin tiếp tay vào việc cứu-trợ, đang đậu xe ngoài đường. Chúng tôi không tin người Mỹ nữa. Hiện-trạng này do họ mà ra. Còn nếu các cháu thấy thích thì cứ xuống gặp hai người này đi. Ông thượng-nghị-sĩ này khai là mới sang Sài-gòn công-tác thì gặp sự việc xẩy ra nên tìm đến Caritas Mỹ và đang đi tìm các khu có người tỵ-nạn. Nam chọn ở lại chờ theo xe của Bộ Xã-hội đem gạo về trường Thánh Tâm, còn tôi lên xe “Jeep” đi với hai người họ xem sao.
Hai người muốn nhờ tôi đưa đi tìm, càng nhiều càng tốt, những nơi đang có trại cứu-trợ. Nơi đầu tiên tôi đưa họ lại là khu nhà thờ Phát-diệm di-cư ở quận Tân-bình. Khi xe chúng tôi đến đầu con đường chạy vào khu nhà thờ là lúc Lực-lượng an-ninh đang hành-quân tảo-thanh Việt-cộng còn lẩn-lút quanh vòng đai Bộ Tổng-tham-mưu phía cổng xe lửa số 10. Một Thiếu-tá ra dấu cho xe ngừng lại, tôi vội xuống xe đến trình-bày sự việc, ông Thiếu-tá gằn giọng bảo tôi… cháu có biết chính người Mỹ bỏ ngỏ an-ninh cho Việt-cộng tấn-công không, ra nói ông ta tắt máy, xuống xe lại gặp tôi…. Tôi dịch lại nguyên-văn làm bà sơ tròn mắt nhìn, trong khi ông Thưọng-nghị-sĩ Mỹ vẫn để xe nổ máy, còn định rú ga chạy vọt vào trong vừa lúc ông Thiếu-tá cầm trái lựu-đạn đưa lên miệng dùng răng cắn chặt “kíp nổ” như muốn rút ra. Tôi nép vội sau lưng ông, bà sơ trên xe kêu rú lên và khi đó ông Thưọng-nghị-sĩ Mỹ mới chịu tắt máy, xuống xe lại gặp ông Thiếu-tá. Họ đốp-chát nhau mấy câu rồi chịu cho chúng tôi đi tiếp. Sau khi họ gặp linh-mục Trần Ngọc Nhuận xong, chúng tôi về trường Thánh Tâm. Tôi bàn-giao hai người cho anh Hợp, về phòng Y-tế lo việc vì bác-sĩ Hoánh đang khám bệnh. Cả hai đi theo anh Hợp, vòng hết khu trường đầy người rồi ra đi. Ngay chiều cùng ngày, xe của Caritas Mỹ chở đến cho chúng tôi một số lớn thực-phẩm gồm 10 bao gạo, sữa, thịt hộp, bếp nấu bằng dầu hôi và dầu hôi, hai thùng lớn đầy thuốc bổ loại “multivitamine” viên con nhộng. Bác-sĩ Hoánh dặn tôi và anh Trung-sĩ trợ-y, cứ mỗi khi phát thuốc cho người nào lớn tuổi thỉ bỏ vào mấy viên “multivitamine” để có sức thêm cho những ngày tháng sống tỵ-nạn vất-vả.
Theo tin-tức, Thủ-đô Sài-gòn không xẩy ra tình-trạng giao-tranh lớn như ngoài Huế với một trận chiến khốc-liệt kéo dài liên-tiếp gần một tháng. Cũng dễ hiểu, Huế vừa gần ải địa-đầu chiến-tuyến, vừa là phần đất mới qua khỏi tình-trạng hỗn-độn do Phong-trào Phật-giáo đấu-tranh gây ra nên Việt-cộng có sẵn các thành-phần khuynh-tả làm hậu-thuẫn. Cũng vì vậy mà người dân Huế chịu đại-nạn hơn bất kỳ ở đâu. Sân-khấu đấu-tranh chính-trị một thời sôi-động bao nhiêu thì những ngày đầu xuân Mậu-thân lại cũng là dịp cho họ tiếp tay với giặc, vấy máu dân tình bấy nhiêu. Điạ-ngục trần-gian có thật ở Huế vì những ác-ma này, như cựu Thiếu-tá Liên Thành là Chỉ-huy Lực-lượng Cảnh-sát Quốc-gia Thừa-thiên, Huế xác-nhận….Đấy là những kẻ đã tham-gia trong phong trào tranh đấu Phật-giáo miền Trung năm 1966 của Trí Quang, Đôn Hậu, đã tạo thành một lực lượng hùng hậu truy bắt và tàn sát dân Huế không một chút nương tay. Những thành phần này sau 1966, đã chạy trốn lên mật khu và giờ này đây, đều đã có mặt tại thành-phố Huế để trực tiếp tham dự vào cuộc bắt bớ, giết hại dân Huế, trong suốt thời gian từ ngày khởi đầu, rạng khuya Mồng Hai Tết, cho đến ngày 22 Tết, khi lực lượng quân sự của bọn chúng tháo chạy khỏi thành phố.
Bọn chúng là ai?
Tôi chỉ xin ghi những tên tuổi chủ chốt mà thôi
- Lê Văn Hảo, giáo sư Nhân-chủng-học, Đại-học Huế.
- Hoàng Phủ Ngọc Tường, giáo sư Việt-văn Quốc Học
- Tôn Thất Dương Tiềm, giáo sư Việt-văn
- Nguyễn Đoá, cựu giám thị trường Quốc Học và là cha vợ Tôn Thất Dương Tiềm
- Nguyễn Hữu Vấn, giáo sư trường Quốc-gia Âm-nhạc và Mỹ-thuật Huế.
- Hầu hết các đoàn viên Học-sinh, Sinh-viên Quyết-tử Phật-tử trong phong trào tranh đấu Phật-giáo vào năm 1966 đều có mặt và trực tiếp tham gia vào vụ tàn sát này như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thị Đoan Trinh, con gái của Nguyễn Đoá, Hoàng Văn Giầu, Nguyễn Thiết và quá nhiều…(Biến Động Miền Trung, trang 81-82).
Chỉ riêng trong 26 ngày chiếm đóng Huế, Việt-cộng và tay sai đã giết hại 5.327 thường-dân và 1.200 người mất-tích. Đây là tội ác diệt-chủng đã xẩy ra ở Huế vào một mùa Xuân cách đây 54 năm.
Điều đáng nói nữa là trong những ngày Thủ-đô Sài-gòn giới-nghiêm 24 giờ để loại trừ các nhóm đặc-công Việt-cộng len-lỏi, nên phần lớn công-chức không đến sở, gần hết các Nha, Bộ của Chính-phủ tạm nghỉ, song nhân-viên của các Trung-tâm Cứu-trợ khi có nhu-cầu về thuốc men và lương-thực lại gặp được chính bác-sĩ Bộ-trưởng Trần Lữ-Y tại Bộ Y-tế và bác-sĩ Bộ-trưởng Nguyễn Phúc Quế tại Bộ Xã-hội, thường-trực có mặt để đáp-ứng nhu-cầu trong điều-kiện có-thể. Lịch-sử sẽ không quên sót cũng như công-bằng với những điều mà cho dù lúc này vẫn còn thị-phi, chấp-mê bất-ngộ. Cho dù biến-cố Mậu-thân 1968 có được những người cộng-sản tung-hê là tổng công-kích, tổng nổi dậy, đại-thắng mùa xuân… thì các khu cứu-trợ đông đầy đồng-bào nạn-nhân chiến-cuộc trên khắp Miền Nam đã là bằng chứng người dân theo họ hay chạy trốn họ.
Và trên hết, dù có được các thế-lực nằm vùng hay gì khác tiếp tay, đồng- loã cho len-lỏi khắp nơi đi nữa, mà chỉ trong thời gian ngắn đã bị Quân-đội Miền Nam đuổi lại về rừng thì sự thật này đã đủ minh-bạch lẽ thắng thua để đời rồi.