Sadeco là công ty con của IPC- một doanh nghiệp trực thuộc sở hữu của Thành ủy TP.HCM. Vì vậy, việc các lãnh đạo Sadeco nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Tất Thành Cang để chuyển nhượng cổ phần Sadeco, đã gây thiệt hại hơn 1.103 tỷ đồng cho vốn Nhà nước.
Trước tòa, dĩ nhiên bị cáo Tất Thành Cang và 19 bị cáo khác sẽ có những lý do khác nhau để bào chữa cho sai phạm của họ. Thế nhưng, có một điều không thể không băn khoăn, chính là cơ chế giám sát quyền lực để ngăn chặn những kẻ lợi dụng nhiệm vụ được giao mà tự tung tự tác làm thất thoát công sản.
Giám sát quyền lực không thể trông mong vào dấu son trong bản kiểm điểm “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của mỗi cá nhân hàng năm, mà còn phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt công tác phê bình và tự phê bình đối với những cán bộ lãnh đạo, cần được đặt trong không khí phản biện nghiêm túc và tinh thần đấu tranh chống tiêu cực mạnh mẽ. Bởi lẽ, khi đã đạt được nấc thang danh vọng nhất định, con người thường nghiêng ngả giữa quyền và tiền, giữa danh và lợi.
Mỗi cán bộ được nhận trọng trách, nghĩa là đón nhận hai sự ủy nhiệm. Thứ nhất là ủy nhiệm về sự quản lý. Thứ hai là ủy nhiệm về sự gương mẫu. Để hai giá trị ấy không thể tách rời mà luôn tồn tại song song, thì không thể không đắn đo về sự ủy nhiệm quyền lực. Vì, sự quản lý và sự gương mẫu luôn chênh chao đối với những cán bộ lãnh đạo không có chuyên môn cụ thể.
Một lời phân bua mà những bị cáo xuất thân từ cán bộ phong trào như Tất Thành Cang rất hay đưa ra khi bị phanh phui sai phạm, là… quá tin vào ý kiến tham mưu của cấp dưới. Có thật không? Thật chứ, cán bộ phong trào vốn không có chuyên môn cụ thể nào, nên bên cạnh yếu tố kém tu dưỡng đạo đức thì yếu tố kém trình độ hiểu biết cũng gây vô số tai họa.
Chuyên môn không phải là cố vớt vát cái bằng đại học tại chức hay cố chạy chọt cái học vị tiến sĩ, mà là sự thành thạo trong một công việc đòi hỏi sự từng trải và sự am tường. Chuyên môn quân sự, chuyên môn an ninh, chuyên môn địa chính, chuyên môn thủy lợi… thậm chí chuyên môn khá mơ hồ trong hoàn cảnh chính trị Việt Nam là chuyên môn báo chí, đều là cơ sở cho thái độ chuyên nghiệp trước cuộc sống.
Một lãnh đạo có chuyên môn ở lĩnh vực nào đó, thì họ cũng nhận thức rõ ràng về mức độ phức tạp ở những lĩnh vực khác. Nhờ vậy, họ sẽ cẩn trọng khi thẩm định và phê duyệt mọi chủ trương và quyết sách. Còn lãnh đạo không có chuyên môn cụ thể, cứ quen mồm hô khẩu hiệu thì thấy cái gì cũng đơn giản mà sinh ra ảo tưởng và vĩ cuồng. Hễ có chút lợi ích và được ton hót “anh Hai giỏi quá”, “anh Ba tài lắm” hoặc “anh Tư tuyệt vời” thì ký bừa, ký ẩu để ra oai và ban phát ơn huệ cho thân hữu bè cánh.
Cán bộ càng thăng tiến thần tốc càng ít điều kiện nâng cao năng lực, do phải dành nhiều thời gian cho họp hành, tiệc tùng, giao tế… Vì vậy, đã đến lúc phải tư duy khắt khe hơn về cơ chế ủy nhiệm quyền lực.
Không thể lạc quan tếu để nghĩ rằng, cán bộ phong trào xuất sắc thì có thể lãnh đạo văn hóa, điều hành kinh tế, đánh giá dự án, chỉ huy sản xuất… một cách căn cơ và bền vững.
Đắn đo đối tượng được ủy nhiệm quyền lực là cơ chế giám sát quyền lực ngay từ gốc rễ.