S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – RFA
Đọc hồi ký Đồng Bằng của nhà văn Nguyên Ngọc, tôi mới biết là ông có mặt từ đầu đến cuối trong Chiến Tranh Đông Dương (Indochina Wars) không thiếu ngày nào. Quả là một thành tích đáng kể, và đáng nể.
Qua thêm vài trang bút ký ngắn ngủi (“Trở Lại Mèo Vạc”) của Nguyên Ngọc, tôi lại được biết một chi tiết thú vị khác nữa: tác giả còn cầm súng bắn nhau luôn cả với bọn phỉ nữa cơ. Cái ông nhà văn quân đội này quả là đa đoan thật và đa đoan lắm :
Một bữa, ở thị xã Cao Bằng, rét như cắt, đi ăn món coóng-phù khuya, nóng bỏng môi, vừa thổi vừa ăn… thì gặp tỉnh đội trưởng Mỹ Sơn cũng đi đâu đấy về rất khuya, vẻ rất tất tả.
– Này, bên Đồng Văn vừa nổi phỉ đấy, chúng nó chiếm mẹ hết cả huyện rồi. Lệnh Quân khu phải đánh hai mũi, một từ thị xã Hà Giang lên, một từ Cao Bằng sang. Sáng mai bọn này xuất binh. Có đi không?
– Đi chứ!
Vậy là mờ sáng hôm sau lên đường… Đường đi càng về chiều càng lên cao, và hình như núi non mỗi lúc một thắt lại, hiểm trở hơn, hiểm ác heo hút hơn. Vẫn lên nữa. Lên mãi. Đã nghe thỉnh thoảng tiếng súng rộ từng hồi, rồi đột nhiên im bặt, lạnh tanh. Tức là đơn vị đầu tiên, lên trước chúng tôi một ngày, đã chạm địch. Vẫn lên nữa, lên mãi…
Sáu giờ chiều, đánh một trận qua quít và tràn vào chợ Mèo Vạc. Đơn vị đi trước đã làm nhiệm vụ xuất sắc, chúng tôi chỉ đánh quét nốt cái đuôi…Ngày 22 tháng 12-1959, đánh trận Lũng Cú, rét cắt xương. Cũng đúng hôm ấy, cánh từ thị xã Hà Giang lên, có cả chủ lực Quân Khu, phá được Cổng Trời, tràn vào thung lũng Yên Minh, Mậu Dụê, đánh lên Phó Cáo, Phó Bảng, Xà Phình…
Nhưng có lệnh tuyệt đối không được đánh tiêu diệt: phỉ cũng là dân, toàn huyện. Người H’mông, sinh ra và vật lộn suốt đời trên cao nguyên đá, sống bằng loại cây kỳ ảo nhất trên đời này – cây thuốc phiện – vốn là những người thâm trầm mà rất cảm tính. Trung thực, thẳng thắn, dữ dội, nhiều mưu lược, nhưng cũng dễ bị kích động, cuồng nhiệt.
Cuộc sống hàng trăm năm nay ở đây là cuộc đánh vật ngày đêm với từng bụm đất nhỏ đúng bằng bàn tay còn sót lại giữa các hốc đá cheo leo để giành lấy một miếng ăn còm cõi, và cuộc đánh nhau triền miên đẫm máu giữa các dòng họ bị chi phối bởi các thế lực chằng chịt trong và ngoài nước. Cho nên diệt phỉ không khéo thì cũng là diệt dân, cả một dân tộc…
Thiệt không vậy, Trời? Ai mà dè Quân Đội Nhân Dân lại bao dung và nhân đạo dữ vậy. Thật là phước đức và quí hóa! Đọc đoạn văn thượng dẫn mà bỗng thấy lòng mát rượi.
Thế mới biết là Trần Đăng Khoa có những nhận xét vô cùng sắc sảo :
“Nhân vật của Nguyên Ngọc đều là những người tốt… Ông bám sát các vấn đề lớn của chính trị, phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ chính trị mà tác phẩm vẫn vượt qua được sự minh họa, vẫn thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh.”
Quả đúng là như thế. Tuy thế, có lẽ Trần Đăng Khoa đã đẩy dự đoán của mình đi hơi quá xa khi viết về tính nhất quán trong ngòi bút của Nguyên Ngọc: “Truyện, bút pháp ông nhất quán, trước sau như một, không thay đổi, không quay quắt. Trong khi đó, có không ít cây bút chuyển hướng, hoặc thay đổi cách tiếp cận hiện thực để thu hút sự chú ý của bạn đọc… Trước viết người tốt việc tốt thì sau viết người xấu việc xấu. Nguyên Ngọc không thế.”
Vậy mà cách đây chưa lâu – hôm 04/02/2020 – từ Hội An, Nguyên Ngọc đã gửi đi những lời TỐ CÁO nẩy lửa (“về người xấu việc xấu) khiến lắm kẻ phải bàng hoàng :
Trong đêm mồng 8 rạng sáng ngày mồng 9 Tháng Giêng, năm 2020 (nhằm đúng ngày rằm Tháng Chạp, mọi người đang nô nức chuẩn bị đón Tết Canh Tý), gần 3.000 quân thuộc lực lượng vũ trang chính quy của chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại và các khí tài công nghệ tác chiến tiên tiến đã được huy động (bởi ai, theo lệnh của cá nhân hay cơ quan tối cao nào?), bất ngờ tấn công vào thôn Hoành, lập tức bao vây khống chế tất cả các nhà trong làng bằng cách phun hơi cay, bắt bớ đánh đập tàn bạo tất cả trai gái già trẻ, nhằm không cho ai chi viện để tập trung đột kích vào nhà cụ Lê Đình Kình và hai con trai cụ, dùng vũ khí phá cửa nhà cụ Kình, phun hơi cay, xông thẳng vào giường cụ Kình, kéo vợ cụ vất ra bên ngoài, đánh đập tra tấn cụ máu me lênh láng khắp phòng, chĩa thẳng súng bắn đúng vào tim cụ, vào đầu cụ, bắn nát chân cụ, ngoài ra còn một số vết đạn khác nữa.
Giết người đi đôi với cướp của: họ còn bắn nát một tủ sắt và cướp mang đi một tủ gỗ trong đó cụ Kình vẫn cất giữ chu đáo tất cả giấy tờ bản đồ chính thức về Đồng Tâm và riêng Đồng Sênh…
Xác cụ Kình, vị đại lão từ nay sẽ trở thành Thành Hoàng bất tử của làng Hoành ấy, sau đó không biết đã bị những kẻ giết cụ mang đi đâu, bị mổ phanh thây không biết để lục tìm hay lấy đi những gì trong lục phủ ngũ tạng.
Hôm sau người thân trong gia đình được gọi lên nhận lại xác cụ với yêu cầu khốn nạn: phải ký xác nhận là cụ chết trong khi xung đột với lực lượng cưỡng chế ở Đồng Sênh, cách thôn Hoành 3 km.
Một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng đã diễn ra tại nhà cụ Lê Đình Kinh ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, giữa thủ đô Hà Nội của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nạn nhân là đại lão gia Lê Đình Kình, công thần của Tổ Quốc Việt Nam, đã bị các lực lượng vũ trang của chính quyền Việt Nam xử tử hình với hình thức tàn bạo nhất, không theo bất cứ quy định và trình tự pháp luật nào hết.
Cho đến hôm nay, ngày 4 Tháng Hai, năm 2020, nghĩa là gần một tháng sau sự vụ, chưa hay không hề thấy mảy may động thái của toàn bộ hệ thống tư pháp của cái đất nước được coi là có pháp chế này khởi tố một vụ án giết chết công dân Lê Đình Kình.
Tôi nghiêm khắc đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam lập tức ra lệnh khởi tố vụ án lớn giết cụ Lê Đình Kình một cách minh bạch, công khai, công bằng.
Những kẻ chủ trương, những kẻ lên kế hoạch, những kẻ tổ chức lực lượng và ra lệnh thực hiện dù ở cấp nào, những tên sát nhân, hay những tên đao phủ đã trực tiếp ra tay phải đền tội ác trước vành móng ngựa.
Là công dân Việt Nam, là nhà văn Việt Nam, tôi tố cáo tội ác trời không dung đất không tha này trước toàn dân Việt Nam và thế giới.
Tôi thiết tha kêu gọi mọi bậc trí giả trong nước và trên thế giới cùng mọi người có lương tri lên án tội ác man dại này và ngăn chặn nó có thể tái diễn bất cứ ở đâu.
Thế lực thù địch nào đã khiến cho Quân Đội Nhân Dân trở nên một đội quân “mặt người dạ thú” (theo như nguyên văn lời của nhà văn N.N) như thế, nếu không phải chính là cái Đảng đang cầm quyền ở Việt Nam?
Đảng cũng đã “tự chuyển hóa” và “tự diễn biến” chăng?
Không dám đâu!
Trước giờ nó vẫn vậy mà. Vẫn buộc phải “trung với Đảng” và sẵn sàng xả súng vào dân như đã từng xẩy ra khi Quỳnh Lưu Nổi Dậy (Quynh Luu Uprising) vào năm 1956. Đảng viên Trần Nhơn (nguyên Thứ Trưởng Thường Trực Bộ Thủy Lợi) cũng đã khẳng định như thế, trước lúc lìa trần: Không phải ngày xưa Đảng tuyệt vời/ Chẳng qua chưa bị lộ mà thôi!