Không có gì ô danh một dân tộc văn hiến hơn là khoanh tay chấp nhận sự cai trị của một tập đoàn lãnh đạo vô trách nhiệm và chỉ tuân theo những bản năng tăm tối. Chẳng phải mỗi con người trung thực ở đất nước này đều hổ thẹn vì chính phủ của mình đó sao, và ai lường nổi nỗi nhục trút xuống đầu con cháu chúng ta sẽ lớn đến mức nào khi bức màn che mắt chúng ta rơi xuống và những tội ác ghê tởm nhất và vượt xa mọi giới hạn sẽ được đưa ra ánh sáng? Nếu dân tộc này đã tha hóa và phân rã trong bản tính sâu thẳm nhất của mình, đến mức một ngón tay cũng không buồn đụng đậy, từ bỏ ý chí tự do, điều cao quý nhất mà con người sở hữu và nhờ đó mà đứng trên mọi loài vật – nếu dân tộc này đã mất hết mọi phẩm giá cá nhân và chỉ còn là một đám đông vô hồn và hèn nhát, vâng, nếu vậy thì dân tộc ấy xứng đáng diệt vong.
Đó là lời của cô sinh viên 21 tuổi Sophie Scholl trong một tờ truyền đơn kêu gọi người Đức chống lại chính quyền Đức Quốc xã. Cô bị bắt, bị Tòa án Nhân dân Munich kết án tử và hành quyết bằng máy chém.
Sau bản án 9 năm cho Phạm Đoan Trang, những lời hão huyền và thậm chí ru ngủ lại vang lên, rằng ngày tàn của chính quyền bạo chúa đã đến rất gần vì nó đã mất hết tính chính danh, rằng chính quyền ấy đang đứng trước vành móng ngựa của lịch sử, rằng chế độ ấy không kịp bóc lịch trước khi Trang mãn án. Trái với mọi tiên đoán, xu hướng bạo chúa trên toàn thế giới không suy giảm. Ngược lại. Hà Nội điềm nhiên ra những bản án như vậy – hôm nay, một ngày sau Trang, hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm bị kết án tù 10 và 6 năm trong phiên tòa vỏn vẹn một buổi sáng – cũng vì thấy mình vững chân trong trào lưu bạo chúa đang cường thịnh và trong bối cảnh phe dân chủ đang thoái trào.
Hai năm sau khi chém đầu Sophie Scholl, Đức Quốc xã sụp đổ, song chủ yếu không bởi sức phản kháng của người Đức, mà do thua trận trước phe Đồng minh. Còn bây giờ, lịch sử đang bỏ mặc người Việt./.