Hiện nay tại thành Hồ, người ta đang tiến hành đốn hạ một số cây cổ thụ ở một số tuyến đường để trồng cây mới. Theo đó người ta chỉ chọn những cây càng to càng tốt, có đường kính cả mét để đốn hạ.
Trong khi mọi việc đang tiến hành im re như bò kéo xe, thì bỗng đâu “một đám người không hiểu biết nhảy bổ vào…ném đá”(mượn ý của TS Đoàn Hương).
Họ nói nào là cây xanh là lá phổi của thành phố, chặt đi sẽ làm cho thành phố thêm ô nhiễm. Nào là chặt cây thì dễ, nhưng để có được một cây cổ thụ hai ba người ôm phải mất hàng trăm năm…vân vân và mây mây.
Họ còn nói có cảm giác đau đớn khi nhìn những cây bị đốn hạ. Như hàng cây trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, con đường đẹp nhất Sài Gòn, cũng đang bị chặt hạ với tốc độ rất nhanh, vài phút đã đổ ngã 1 cây. Những cây cổ thụ này thuộc các giống gỗ quý như dầu, lim xẹt, me tây, sao đen.v.v.
Báo Tuỏi Trẻ còn đặt câu hỏi “Cây xanh trên nhiều đường TP.HCM ‘biến mất’: Có hay không lạm dụng đốn cây? (https://tuoitre.vn/cay-xanh-tren-nhieu-duong-tp-hcm-bien…)
Còn nhớ vào năm 2015, tại Hà Nội, người ta cũng có chủ trương chặt hạ hơn 6 ngàn cây cổ thu để trồng cây mới. Thế mà chủ tịch HN là Nguyễn Thế Thảo bị thế lực thù địch gắn cho biệt danh là Nguyễn Phế Thải. Nên biết rằng hai chữ Thế Thảo đã nói lên chức năng của ông ý là …thay cây. Vậy mà người dân HN đã rầm rộ biểu tình cực lực phản đối. Họ còn ra đường ôm vào những cây chuẩn bị đốn hạ, thật quá đáng.
Tuy vậy chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền HN cũng đã nhanh chóng tiêu diệt được hơn 2 ngàn cây.
Người dân thì không nói làm gì. Nhóm trí thức HN đã tổ chức một cuộc họp báo nhằm phản đối. Đến như GS Nguyễn Lân Dũng, đã dám nói rằng họ phá như …lâm tặc. May mà cuộc họp đó người ta đã kịp thời cúp điện, nên tiếng nói của nhóm phản đối không được vang xa.
Hãy nghe ní nuận họ đưa ra cho việc chặt cây là rất đúng quy trình.
Đó là do các cây này qua khảo sát đều có dấu hiệu hư hỏng, hệ thống rễ đã bị xâm hại bởi việc thi công các hạ tầng kỹ thuật; không còn đảm bảo an toàn, có khả năng ngã đổ nên phải đốn hạ, trồng thay mới. Việc những cây khỏe mạnh nhưng bị đốn hạ vì cản trở giao thông. Và vì “Rễ cây mọc ngang, chiếm phần nhiều lề đường và đang có hiện tượng rễ trồi lên mặt đất, dễ bật gốc nên phải chặt hạ để đảm bảo an toàn”.
Còn ý kiến như những cây dầu tại quận Bình Thạnh đã được trồng nhiều năm không gây ảnh hưởng sao đến nay lại cho đốn hạ, thì được trả lời có người dân phản ảnh cây dầu này gây mất an toàn giao thông vì nằm ngay gần khúc cua.v.v.
Nghĩa là chỉ cần vài ý kiến ất ơ của vài kẻ được mồi trước là có lý do chính đáng. Về câu hỏi tại sao chưa khảo sát, thăm khám, nghiên cứu mà biêt cây có thể bị sâu đục dễ gãy đổ? Là vì bây giờ nó chưa bị sâu đục, nhưng có thể thời gian sau nó sẽ bị.
Hay nhất là cách nói: “Rễ cây mọc ngang, và đang có hiện tượng rễ trồi lên mặt đất”. Nhờ vậy mà người dân Sài Gòn mới biết rễ cây mọc ngang là…vi phạm. Quá tuyệt vời ông mặt trời luôn.
Tóm lại là những lý do rất hợp lý, không thể bắt bẻ được.
Lợi ích của việc chặt cây cổ thụ là gì:
Hầu hết những cây cổ thụ này có tuổi đời rất lớn. Ở Hà Nội thì đa số được trồng từ thời Pháp. Đặc biệt là những cây xà cừ lâu năm, lõi nó có đường vân rất đẹp, làm thủ công mỹ nghệ giả cẩm lai là hết ý, người Tàu rất ưa chuộng.
Còn tại miền Nam thì được trông thời Mỹ-Ngụy. Mà cách mạng là gì? Cách mạng là thay cũ đổi mới. Vì những cây này là tàn tích của các chết độ cũ để lại, do đó cần phải thay thế. Nếu để lại rất có thể có người khi đi trên những tuyến đường rợp bóng cây xanh này sẽ tơ tưởng về quá khứ hào hùng một thời, đó là điều không tốt.
Những lợi ích vật chất:
Bây giờ tại thành Hồ, người ta không dại gì chặt đồng loạt như HN năm xưa, mà áp dụng chiến thuật đánh du kích bằng cách …bắn tỉa. Trên mỗi tuyến đường chỉ chọn dăm bảy cây đẹp nhất để chặt, nên không gây ồn ào. Sau đó lại tiến quân âm thầm sang các tuyến đường khác.
Để chặt cây trước hết người ta lựa chọn và đánh dấu. Công việc đánh dấu cũng tốn dăm trăm ngàn/cây. Rồi đến việc hạ cây. Mỗi cây phải tốn cả mấy chục triệu đồng, vì phải thuê nhiều máy móc phục vụ. Sau đó đến việc đào gốc móc rễ. Tiền móc mỗi hố cũng mấy triệu đồng. Nhưng cái lợi là những gốc này khách hàng lại rất ưa chuộng, họ chế biến đủ thứ hàng rất giá trị,
Còn cây, thì là gỗ quý lâu năm rất đắt tiền, được tính theo kg. Rồi cành lớn bán gỗ, cành nhỏ bán củi. Tóm lại là chỉ cái lá là vô dụng mà thôi.
Đến viêc trồng cây mới:
Trước hết là phải đào hố mới, cũng tiền. Người ta lấy giá những cây đắt tiền đưa vào chi phí, nhưng khi mua thì chọn loại rẻ, thế mới có lời nhiều.
Rồi đến công trồng và công chăm sóc mấy năm trời.Thậm chí người ta để nguyên bọc gốc cây mà khi trồng không gỡ bỏ, nếu có chết thì nằm trong số thất thoát cho phép để mua và trồng cây mới.
Tóm lại là việc chặt cây cũ để trồng lại cây mới sẽ đưa lại những món lợi nhuận khổng lồ.
Phải khẳng định rằng đây là chủ trương tài tình và sáng suốt, là sản phẩm của giới đỉnh cao trí tuệ, nó chứa đựng nhiều triết lý cao siêu. Những người dân phản đối thì cũng như cầy cáo, làm sao hiểu được ý nghĩa cao siêu của chúa sơn lâm?
Tướng tá thì mua sao bán gạch kiếm lời.
Nghề giáo thì bán bằng cấp đủ các loại.
Quan chức thì bán chức bán ghế.
Người làm đường thì kiếm lợi về đường.
Người xây dựng thì lợi nhuận từ xây dựng.
Ngành tài nguyên môi trường thì vẽ ra những dự án để thu hồi đất của dân với giá rẻ mạt, để bán cho nhóm lợi ích phân lô bán nền làm giàu.
Còn những kẻ trông cây cũng cần có tiền để tái đầu tư giữ ghế và hy vọng lên cao hơn.
Tất cả muốn tồn tại và đi lên thì phải có tiền, đó là quy luật.
Vì vậy việc chặt hạ cây cũ trồng cây mới là viêc đương nhiên trong một thể chế cái gì cũng của dân, do dân và vì dân.
Nếu có ai hỏi rằng việc chặt hạ cây cổ thụ để trông cây mới như này có thông qua và hỏi ý kiến dân không? Thì sẽ được trả lời rằng, chúng tôi đã thông qua lãnh đạo và các ban ngành.
Và họ là những đầy tớ trung thành của dân, thì cũng coi như làm theo nguyện vọng của dân.
Cái tài tình của việc LẤY DÂN LÀM THỚT là ở chỗ đó. Thưa bà con./.