Giáo sư Trần Ngọc Thêm đề nghị chấm dứt dùng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để thúc đẩy tư duy phản biện, sáng tạo trong giáo dục.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội thảo giáo dục với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” hôm 21-11.
Trong tham luận phát biểu tại hội thảo, giáo sư Trần Ngọc Thêm – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM – nêu quan điểm: “Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động”.
Theo giáo sư Thêm, để có con người chủ động, cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi” – ngoan theo nghĩa “dễ bảo, vâng lời”, giỏi theo nghĩa “thuộc bài”.
“Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo… Chừng nào còn đề cao chữ ‘lễ’ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”, giáo sư Trần Ngọc Thêm khẳng định.
Chủ đề của hội thảo là “văn hóa học đường”, vậy thì phải chăng “văn hóa học đường” theo giáo sư Trần Ngọc Thêm là ở hôm nay cần bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ý kiến:
“Muốn khuyến khích học sinh gia tăng kỹ năng phản biện, không cần bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” mà người thầy phải áp dụng nhiều phương pháp dạy học linh động hơn, thầy trò cùng trao đổi vấn đề.
Các em được quyền thể hiện cái tôi trong giới hạn cho phép. Hơn thế, mục tiêu lớn nhất của giáo dục chính là hình thành nên những thế hệ học sinh có sự phát triển hài hòa giữa trí tuệ và nhân cách, biết tư duy sáng tạo nhưng đồng thời cũng phải thấu hiểu đạo lý. Bản thân tôi dù ở cương vị là giáo viên hay học trò thì vẫn luôn tôn kính người thầy và đối đáp nhau một cách trân trọng với người”.
Lại có ý kiến, để một nền giáo dục thành công, cần chú trọng đầu tư về nhân cách, đạo đức, bởi cụ Hồ Chí Minh đã nói “Người tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Điều đó cho thấy cái “đức” quan trọng hơn “tài”, cái “lễ” phải học trước cái “văn”. Giờ nếu cổ súy bỏ khuyến cáo này, xem chừng có thể là manh nha của “tự diễn biến – tự chuyển hóa” ở hàng ngũ giảng viên đại học (?!).
Không lạm bàn chuyện của các vị giáo sư ở hội thảo cấp quốc gia, một doanh nhân nói rằng chín người thì mười ý về chữ “lễ” trong “Tiên học lễ, hậu học văn”. Sự tranh luận không hồi kết này phần nào cho thấy sự không hiệu quả của việc treo các câu khẩu hiệu.
Giáo dục không dựa trên những tiêu chí cụ thể rõ ràng sẽ không mang lại hiệu quả. Do đó, đã đến lúc phải chấm dứt hô hào khẩu hiệu. Thay vì nói khơi khơi là học “Tiên học lễ…”, chúng ta nên dạy học sinh cách giao tiếp, ứng xử xã hội. Trực tiếp giáo dục nhân cách học trò như vậy sẽ tốt hơn so với việc chỉ nói đến một chữ “lễ” mơ hồ và vẫn còn gây tranh cãi.
Vị doanh nhân này kể: “Nhớ lại cách đây hơn chục năm, khi gặp lại một người bạn hiện sống ở nước ngoài, tôi nói về sự đổi mới của nước ta một cách tự hào.
Thế nhưng anh ta trả lời một cách mỉa mai rằng: “Nhờ đổi mới tư duy, cuộc sống người dân Việt Nam đã tốt hơn, nhưng đạo đức xã hội lại băng hoại, tham nhũng lan tràn khắp mọi lĩnh vực, mọi cấp”.
Tôi nghẹn họng, đứng lên từ giã. Sự thật là đổi mới có làm cho cuộc sống chúng ta tốt lên, nhưng vấn đề đạo đức xã hội, nhân cách đạo đức con người thì bị lu mờ và biến dạng dần. Ôi, chữ Lễ của chúng ta còn không và nếu còn thì ở đâu?”./.