Trên diễn đàn Quốc hội ngày 11/11, vấn đề dạy thêm học thêm một lần nữa nóng lên, sau đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT “đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Nhiều người tỏ ra bất mãn, bức xúc với đề xuất này, tuy nhiên tôi lại thấy vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Học thêm là một nhu cầu có thật; và cấm là việc không dễ cũng như không hẳn là hợp lý. Chính vì thế, đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (đưa dạy thêm học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện) theo chúng tôi là đúng và thậm chí còn là một yêu cầu cần được thực hiện nếu như muốn quản lý được vấn đề phức tạp này. Tuy nhiên đó là câu chuyện phía sau.
Qua tham khảo nhiều bài viết, dù rất chất lượng và rất khó để bác bỏ thì chúng tôi vẫn thấy nổi lên một vấn đề cơ bản chưa được giải quyết: động cơ học thêm. Nhu cầu thì rõ rồi, nhưng tính chất của nhu cầu ấy, và nhất là nguyên nhân phía sau đã sinh thành, thúc đẩy và nuôi lớn cái nhu cầu ấy là gì thì dường như chưa thấy ai đề cập đến. Cơ bản, các ý kiến mới chỉ tập trung vào phần lý luận, mà nếu nhìn sâu thì mang tính chất của một trò chơi tư biện với những khái niệm nhiều hơn là y cứ trên thực tiễn giáo dục Việt Nam.
Thực tiễn đó là gì? Là để vượt qua các kỳ thi! Chính yêu cầu thi cử đã tạo ra nhu cầu học thêm; chứ chưa hẳn là do lòng hiếu tri hay định hướng nghề nghiệp của học sinh (nhu cầu này là có, nhưng không phổ biến và không lớn mạnh, nếu không nói là rất thiểu số).
Đến đây, toàn bộ việc xem xét để đi đến kết luận cho việc dạy thêm học thêm chỉ còn quy về hai câu hỏi: thi cái gì và thi để làm gì. Thi kiến thức phổ thông trong chương trình phổ thông mà phải đi học thêm mới thi được thì không ổn, vì như thế đồng nghĩa với việc thừa nhận sự thất bại của giáo dục phổ thông. Đến câu hỏi “thi để làm gì?”, thi là để biết mà học tiếp. Còn thi mà chỉ để coi như xong việc và vuốt mồ hôi để rồi không học nữa thì kỳ thi ấy hỏng. Đáng tiếc, hiện nay vế sau đang chiếm ưu thế và áp đảo.
Tạo ra các kỳ thi rồi từ những kỳ thi ấy mà làm nảy sinh nhu cầu học thêm chỉ để đối phó với thi cử thì đây chính là điển hình của một cái vòng luẩn quẩn; nó y như việc liên tục uống thuốc giảm cân để được ăn uống thả sức hơn vậy. Đó là bệnh, bệnh của tư duy. Và từ đây mà có thể phá hủy cả cơ thể vật lý của con người.
Cần học thêm cái gì? Học cái không được dạy trong chương trình phổ thông và học để theo đuổi năng khiếu chuyên biệt khi “tính phổ thông” của chương trình hiển nhiên là không đáp ứng được. Không ai lại phải đi học thêm để học lại cái mà nhà trường đã dạy cả, như thế là hệ thống giáo dục đã tự đánh mất vai trò của mình.
Còn nói rằng học thêm là để nâng cao những kiến thức đã được dạy cơ bản trong chương trình thì vẫn là bất ổn. Vì nếu chương trình không đáp ứng được nhu cầu học chuyên sâu của người học thì chứng tỏ bản thân nó (chương trình) đang bị lỗi. Một chương trình tốt phải đáp ứng được không những nhu cầu, mà còn tư chất, sở trường, thiên hướng của người học. Nghĩa là nó phải có sự phân luồng, phân cấp để thực hiện tinh thần của giáo dục cá biệt hóa. Không thể đồng ý với một chương trình giáo dục cào bằng, vì như thế là vừa tạo ra gánh nặng cho người này nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu của người kia, với nhóm này thì thừa nhưng lại thiếu với nhóm khác. Mà tình trạng này lại đang tồn tại.
Tạo ra một nhu cầu giả/vô lý/vô ích (là các kỳ thi có tính đối phó và nặng bệnh thành tích) để làm nảy sinh và biện minh cho dạy thêm học thêm là không thể chấp nhận được.
Như vậy, việc đưa dạy thêm vào danh mục một ngành nghề kinh doanh là cần thiết, nhưng chỉ sau khi đã giải quyết những vấn đề cơ bản của dạy và học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ giáo dục hay ngành giáo dục không thể đặt nhu cầu học cơ bản và định hướng nghề nghiệp lên vai các trung tâm dạy thêm để rồi tự mình không phải làm cái việc mà dứt khoát là thuộc về mình là phụng sự người học. Bộ GD đừng đá quả bóng trách nhiệm vào chân người khác.
Tóm lại, trước khi bàn đến chuyện cấm hay không cấm dạy thêm học thêm thì cần phải trả lời rõ ràng, dứt khoát câu hỏi “học thêm để phục vụ cho cái gì (có “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình” như UNESCO đề xướng không, hay là học để thi)”? Chỉ sau đó thì mọi câu trả lời mới có giá trị thực tiễn trong việc giải quyết vấn đề phức tạp này.
Và theo chúng tôi, học thêm về thể thao, về ngoại ngữ (không phải để thi như hiện tại), về âm nhạc, về hội họa v.v., tóm lại là thuộc về năng khiếu, đó là những nhu cầu chính đáng thật sự cần được khuyến khích và bảo vệ. Những đòi hỏi về việc học nâng cao phải cơ bản được giải quyết trong nội bộ hệ thống giáo dục bằng một chương trình tiên tiến./.