Tản Mạn Cuối Năm…
Một năm lại nặng nề trôi qua trong bối cảnh thế giới vẫn còn chịu phải những hậu quả nghiêm trọng để lại từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. Kinh tế toàn cầu nhìn chung sa sút, tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhiều quốc gia. Cuộc khủng hoảng nợ của các thành viên trong khối Cộng đồng chung châu Âu vẫn chưa tìm ra lối thoát. Ngay cả Trung Quốc, nơi có sự tăng trưởng chóng mặt về kinh tế, cũng đã có những dấu hiệu chững lại và chỉ còn đạt khoảng 7%. Thêm vào đó sự bất ổn về chính trị ở khu vực Trung Đông và ở các nước Hồi giáo, nơi đã xảy ra cuộc cách mạng mùa Xuân (Ai Cập, Tunisie…) đã mang lại vô vàn khó khăn trong việc tái thiết lập một nền hòa bình bền vững tại đây. Việt Nam cũng không là một ngoại lệ khi nền kinh tế rơi vào trì trệ, tăng trưởng một cách chậm chạp. Sự bất công trong xã hội, sự khác biệt giàu-nghèo, sự độc tài chính trị, tệ nạn tham nhũng tràn lan trong xã hội… vẫn là những tồn đọng mà chính phủ cộng sản Việt Nam không thể nào giải quyết được sau 38 năm độc quyền điều hành đất nước.
Một đất nước tiến bộ và phát triển về mọi mặt phải là một đất nước có một nền kinh tế thị trường thoáng, không bị sự kìm kẹp bởi bộ máy cầm quyền. Bên cạnh đó, đổi mới về kinh tế phải song hành với một cơ chế chính trị dân chủ. Sự cải tổ về chính trị là một yêu cầu cấp bách và là nguyện vọng chính đáng của dân tộc. Tiếc thay, đảng cộng sản Việt Nam vẫn ngoan cố đi ngược lại quyền lợi của đất nước. Họ ra sức bảo vệ bộ máy cầm quyền, bảo vệ đảng bằng cách tiếp tục đàn áp mọi đòi hỏi về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng. Quan hệ song phương với Trung Quốc là một minh chứng cho sự yếu hèn của nhà cầm quyền. Họ ngăn cấm sự bất mãn chính đáng của người dân trước thảm họa mất nước. Sự mập mờ trong bang giao: lúc cho phép báo chí công kích, lúc đàn áp, cấm đoán những cuộc biểu tình chống người láng giềng hung hăng. Thái độ yếu ớt, nhỏ mọn trong việc bày tỏ lòng tri ân đối với các chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa… Đó chính là những sự thất vọng tột cùng của người dân đối với nhà cầm quyền (bên cạnh yếu kém về điều hành kinh tế) trong năm 2013.
Sự cải tổ về chính trị, về nhân quyền vẫn là con số không to tướng so với những tiến bộ của thời đại. Và chính dân tộc Việt Nam đã bị tụt hậu một cách đáng tiếc so với nhân loại. Quyền lợi quốc gia không được tôn trọng so với những tính toán chính trị thấp hèn của đảng cộng sản. Khó có được sự kỳ vọng vào những nhà lãnh đạo hiện tại vì đơn thuần dường như cả bộ máy ấy điều đã bị thối nát. Tệ nạn tham nhũng, ăn cấp ngân sách nhà nước xảy ra ở mọi cấp độ. Những cuộc điều tra, tuyên án vài quan chức cộng sản chỉ là hình thức, thực tế chính là sự đấu đá, tranh giành quyền hành trong nội bộ đảng. Những người có tâm huyết, thực sự thức tỉnh trước sự độc tài của đảng, của những sai lầm tai hại trong việc áp đặt chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, đều bị thanh trừng, bắt bớ, đàn áp. Có thể kể đến ông Trung tướng Trần Độ hay ông Hoàng Minh Chính, người ngay từ năm 1967 đã bị khai trừ ra khỏi đảng vì ông theo chủ nghĩa xét lại. Hoặc ông Trần Xuân Bách, một quan chức cao cấp của cộng sản Việt Nam, ông là người chủ trương đa nguyên, đa đảng từ năm 1990 sau khi chế độ cộng sản tan rã hoàn toàn tại Liên Xô và tại các nước trong khối cộng sản tại Đông Âu. Vào cuối năm 1989, trong bài phát biểu Chủ nghĩa xã hội là gì?, ông đã nói «Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng). Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại.». Tiếc là ông đã công khai hóa quá sớm những ý định đổi mới ấy và kết quả là ông đã bị thanh trừng bởi những người đồng chí của mình.
Ngày nay ai cũng thấy rằng chủ nghĩa cộng sản là ngụy khoa học và nó mang lại những hậu quả nghiêm trọng về chính trị, về kinh tế, về tự do nhân quyền. Nhưng vẫn có quá ít những tiếng nói đối lập, phản kháng từ chính những đảng viên cộng sản cấp tiến. Có thể nói sự đổi mới về chính trị ở Việt Nam ít nhiều phải do chính những người này khơi mào. Hơn ai hết, họ là những phần tử có thể cất lên tiếng nói cương quyết, dứt khoát để vạch trần bộ mặt độc tài, độc trị của đảng cộng sản. Nhưng họ dường như vẫn cố tình ngủ quên trong «chiến thắng», cố tình bám vào một chủ nghĩa «siêu việt», không tưởng hay đơn giản vì họ hèn nhát trước sự cầm quyền hà khắc của đảng. Họ cố tình quên đi nỗi nhục của một đất nước đã và đang bị tước đoạt những quyền căn bản nhất: quyền tự quyết định vận mệnh của dân tộc bởi người dân. Họ đang tiếp tay cho bộ máy cầm quyền chà đạp lên những trang sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc bảo vệ đất nước. Chính họ sẽ phải mang trọng tội trước tiền nhân khi để đất nước này ngày càng tụt hậu.
Cả triệu đảng viên mà ít ai dám có dũng khí, nhân cách của một kẻ yêu nước để nói lên sự thật. Việc ông Lê Hiếu Đằng, phải mất hơn 40 năm theo đảng, khi lâm trọng bệnh, mới nhận ra rằng Chủ nghĩa xã hội chỉ là ảo tưởng, mới công khai đòi cải tổ chính trị và bỏ đảng, cho thấy phần nào sự rụt rè trong việc đấu tranh tư tưởng của những người có xu hướng đổi mới. Bởi vì một trong số những người đồng chí của ông Lê Hiếu Đằng, ông Nguyễn Hộ, một nhân vật cao cấp của đảng cộng sản, ngay từ những năm cuối thập kỷ 80 đã công khai bày tỏ sự thất vọng của mình đối với chính quyền. Năm 1991, ông đã tuyến bố rời bỏ đảng và đã để lại lời tâm sự nổi tiếng «Nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: chủ nghĩa cộng sản. Bởi vì hơn 60 năm đi theo con đường cách mạng cộng sản, nhân dân Việt Nam đã chịu đựng vô vàn hy sinh và cuối cùng chẳng được gì cả. Đất nước vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu như thưở xưa, nhân dân không được no ấm và hạnh phúc, không được tự do và dân chủ. Đó là một sỉ nhục!».
Nhưng thà muộn còn hơn không. Thái độ đối lập cuối đời của những người như ông Lê Hiếu Đằng vẫn đáng biểu dương và ghi nhận trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Ông vẫn có dũng khí hơn bao đồng chí của ông khi đang còn ngậm miệng, nhát hèn trước vận mệnh của dân tộc! Đó cũng là điều mà ông Đại tướng «lỗi lạc» nọ, người đã mất trước ông Đằng vài tháng, không bao giờ có can đảm làm khi còn sống dẫu ông có biết bao cơ hội!
Trước thềm năm mới Giáp Ngọ 2014, mong sao đất nước có nhiều tiếng nói can đảm và bất khuất hơn từ chính hàng ngũ của đảng cộng sản. Hy vọng rằng sự thức tỉnh của họ cộng với sự đấu tranh bền bĩ của nhân dân sẽ góp phần tạo nên một chuyển biến tích cực và cụ thể cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam trong một tương lai thật gần.
Chủ nghĩa cộng sản nhất định sẽ phải bị đào thải và không được độc quyền để nắm vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Bằng không, xin nhại lời của cụ Phạm Quỳnh «đảng cộng sản còn, nước ta mất…». Và đó sẽ là một sĩ nhục đối với những bậc tiền nhân đã quên mình hy sinh để bảo vệ vẹn toàn Tổ quốc.
Hy vọng tương lai của đất nước sẽ sáng sủa hơn trong năm con Ngựa vậy. Một ngày không xa, dân tộc sẽ được hít thở lấy bầu không khí thật sự tự do của một xã hội phồn thịnh, của một nền dân chủ mang đậm bản sắc Việt
Lâm Bình Duy Nhiên, ngày cuối năm Quý Tỵ 2013