Người dân Sài Gòn mấy tháng qua chấp nhận bị phong toả trong nhà để đồng thuận với chủ trương của Chính phủ phòng chống dịch, chấp hành luôn các biện pháp cực đoan trái luật và bất nhất của chính quyền địa phương, vì dân cảm thông với sự lúng túng chưa có tiền lệ của chính quyền. Hàng triệu người rơi vào cảnh đói khổ phải nhận cứu trợ, doanh nghiệp bị phong toả đã rơi vào điêu đứng, một loạt doanh nghiệp đối mặt với phá sản. Nền kinh tế quốc gia rơi vào suy thoái trầm trọng với GDP quý 3 âm 6,17% so với cùng kỳ, là mức giảm lớn nhất kể từ khi Việt Nam công bố chỉ số GDP.
Thảm trạng về kinh tế và đời sống đó không phải là kết quả của các biện pháp đúng đắn phòng chống dịch, nó là hậu quả của các biện pháp phong toả cực đoan của các chính quyền địa phương. Dù vậy, người dân vẫn thông cảm với những quyết định trái luật, doanh nghiệp vẫn cố chịu đựng, chỉ mong sao cho dịch bệnh được khống chế, cuộc sống và công việc làm ăn sớm trở lại bình thường.
Và hôm nay, người Sài Gòn vui mừng khi thành phố bắt đầu được nới lỏng giãn cách, nhiều cơ sở kinh doanh bắt đầu mở cửa làm ăn. Trong niềm vui đó, người Sài Gòn sẵn sàng quên đi không truy cứu những sai phạm bất nhất của chính quyền. Nhưng chính quyền TP.HCM vẫn không cầu thị, vẫn mang não trạng coi nồi niêu soong chảo không phải là hàng thiết yếu, vẫn coi dân như cỏ rác khi một Phó Chủ tịch đe doạ : “Từ 1-10, người dân TP.HCM ra đường không có lý do chính đáng vẫn bị xử lý”.
Như thế nào là lý do chính đáng? Luật pháp bảo đảm quyền tự do đi lại của dân theo Hiến pháp. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là chiến tranh hay dịch bệnh, người dân chỉ phải tuân thủ những quy định những vùng cấm đi lại theo luật định, bởi vì mỗi người ra đường đều có những lý do chính đáng khác nhau, không chính quyền nào có đủ hiểu biết để nói trường hợp này là chính đáng còn trường hợp kia thì không. Mấy tháng qua, dân đã tuân thủ những quy định không đi lại mà không truy cứu những quy định đó là trái luật.
Chỉ định những mặt hàng nào là thiết yếu đã sai luật, vì Luật Giá của quốc gia đã quy định rõ như thế nào là mặt hàng thiết yếu nhưng chính quyền đã phớt lờ để chỉ định theo ý mình. Cái đó có thể cho qua. Nhưng nay người dân đã không còn đủ sức chịu đựng, phải tìm kế sinh nhai, nếu không thì chết đói. Hình ảnh dòng người tìm cách qua chốt để về quê kiếm sống vì “hết trụ nổi ở TP.HCM” có lý do chính đáng không ?
Trong chế độ ta, người dân được quyền làm những gì luật pháp không cấm. Đừng viện vào đại dịch để muốn làm gì thì làm. Đại dịch không phải là lý do để xoá bỏ pháp quyền. Nước ta vẫn không áp dụng Luật về tình trạng khẩn cấp, vì áp dụng luật này phải trả cái giá vô cùng đắt về kinh tế và đời sống. Chính phủ tuân thủ luật pháp nên phải kiến nghị Quốc hội và Quốc hội đã ra một nghị quyết giao thêm quyền cho Thủ tướng và cho Chính phủ được áp dụng một số biện pháp không có trong luật. Vì Nghị quyết của Quốc hội có giá trị ngang với một đạo luật, nên các biện pháp của Chính phủ vẫn là các biện pháp hợp pháp đúng luật.
Có lẽ chính quyền TP.HCM nghĩ rằng họ chính là luật, nên tự cho mình cái quyền “xử lý” dân làm sai ý mình. Cuồng ngôn tuyên bố “xử lý” dân, các vị là công bộc của dân hay tự cho mình là ông nội của dân vậy ?
Hoàng Hải Vân