KHÔNG NHẬN CHUYỂN GIAO CÁC VACCINE HIỆU QUẢ THẤP
Việt Nam đã đàm phán và đặt mua cho khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid -19. Trong đó khoảng 120 triệu liều sẽ về trong năm 2021. Cụ thể là Moderna 5 triệu, AstraZeneca 30 triệu, Pfizer 31 triệu, Chương trình Covax 38,9 triệu, Sputnik 20 triệu. Đó là chưa kể đến số lượng các khoản viện trợ do Chính phủ đàm phán, và 20 triệu liều Pfizer mua thêm cho lứa tuổi 12-18. Như vậy là đủ đáp ứng cho mục tiêu vaccine hoá cộng đồng vào đầu năm 2022.
Quan sát thấy, hiện đang có một cuộc chạy đua ồ ạt nhận chuyển giao công nghệ vaccine phòng Covid -19. Cần phải nhấn mạnh:
– Không phải cứ vaccine phòng Covid -19 nào được Bộ Y tế DUYỆT KHẨN CẤP là nhận chuyển giao công nghệ.
– Không phải nước nào cho chuyển giao công nghệ cũng nhận chuyển giao. Dù là miễn phí.
– Phải lựa chọn các vaccine có hiệu quả tốt nhất đã được thừa nhận.
– Chuyển giao công nghệ và nhập vaccine phòng Covid – sau mục tiêu nhân đạo, còn có mục tiêu lợi nhuận.
– Chuyển giao công nghệ vaccine phòng Covid -19 còn có mục đích chính trị.
Cho nên phải rất thận trọng trong nhận chuyển giao công nghệ vaccine phòng Covid -19. Kiên quyết không nhận chuyển giao những vaccine hiệu quả thấp.
THÚC ĐẨY NHANH VACCINE NỘI
Tin Nanocovax được ‘Hội đồng Đạo đức’ thông qua ngày 28/8/2021 và chuyển ‘Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc’ – để cấp phép, đã làm nhiều người Việt Nam vui mừng, và đợi chờ được tiêm vaccine phòng Covid -19 do Việt Nam tự sản xuất.
Ngày 29/8/2021 ‘Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc’ đã họp và yêu cầu Công ty Nanogen bổ sung dữ liệu. Ngày 01/9/2021 công ty Nanogen đã gửi các dữ liệu bổ sung cho Bộ Y tế.
Ngày hôm qua 10/9/2021 Bộ Y tế đã duyệt khẩn cấp vaccine ngoại phòng Covid -19 thứ 7 là vaccine của Trung Quốc đóng gói tại UAE dưới tên Hayat – Vax. Đây là vaccine phòng Covid thứ 2 của Trung Quốc được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp. Như vậy Trung Quốc có 2 trong số 7 vaccine phòng Covid nước ngoài được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp (AstraZeneca, Pfizer, Sputnik V, Moderna, Janssen, Sinopharm, Hayat – Vax).
Lúc này thì rất nhiều người Việt Nam đang đợi chờ Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vaccine phòng Covid -19 do chính người Việt Nam sản xuất. Bộ Y tế đã phê duyệt khẩn cấp cho 7 vaccine ngoại. Đợi chờ vaccine thứ 8 được phê duyệt khẩn cấp là vaccine của Việt Nam chứ không phải của một nước nào khác.
Theo đánh giá của một số chuyên gia miễn dịch học, thì nồng độ kháng thể của Nanocovax cao hơn nồng độ kháng thể của Sinopharm Trung Quốc. Nồng độ kháng thể là một trong những thước đo hiệu quả bảo vệ của vaccine. Như vậy có thể đợi chờ vaccine ngừa Covid của Việt Nam hiệu quả hơn vaccine ngừa Covid của Trung Quốc. Chưa nói đến vaccine của Trung Quốc lúc duyệt khẩn cấp chưa có báo cáo được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín – khác hoàn toàn với AstraZeneca, Pfizer, Moderna, và thua cả Nanocovax ở giai đoạn hiện nay.
Khi vaccine nội được duyệt, tình hình tiêm vaccine ngừa Covid -19 của Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực đột biến. Miễn dịch cộng đồng sẽ được rút ngắn. Sản xuất sẽ được mở cửa sớm hơn. Quan trọng nữa, về lâu dài, Việt Nam tự chủ được vaccine phòng ngừa Covid -19.
Vaccine phòng Covid thứ 2 của Việt Nam là Covivac đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Hy vọng Covivac sẽ hiệu quả và sớm được đưa vào sử dụng.
SAO LẠI QUẢNG CÁO CHO VACCINE TRUNG QUỐC ĐẾN VIỆT NAM QUA CON ĐƯỜNG UAE ?
Các vaccine ngừa Covid -19 đang sử dụng hiện nay đều được duyệt ở tình trạng khẩn cấp. Mới đây, ngày 23/8/2021, FDA của Mỹ mới chỉ cấp phép đầy đủ duy nhất cho vaccine Pfizer.
Không ca ngợi và không tẩy chay vaccine nước nào. Nhưng các báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín cho thấy, các vaccine được đánh giá cao nhất về hiệu quả không phải là các vaccine của Trung Quốc.
Thế mà bỗng dưng có người viết bài PR cho vaccine Hayat – Vax, là vaccine của Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất, chuyển cho Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đóng gói và xuất xưởng?
Sao không ca ngợi Pfizer, AstraZeneca, Moderna là các vaccine đã được các tạp chí khoa học có uy tín bình duyệt, được sử sụng rộng rãi, được kiểm nghiệm thực tế, mà lại chọn vaccine Trung Quốc chưa có các công bố rộng rãi trên các tạp chí khoa học có uy tín?
Sao vaccine Trung Quốc không đến thẳng từ Trung Quốc mà lại vòng qua UAE? Hay là vaccine Trung Quốc đang chuẩn bị đóng gói ở Việt Nam theo kiểu UAE? Liệu ông Vương Nghị có bàn về chuyển giao dây chuyền đóng gói vaccine của Trung Quốc trong chuyến thăm ngày 9 -12/9/2021 hay không?
Như lãnh đạo Bộ Y tế đã tuyên bố – trong năm 2021 sẽ có vaccine ngừa Covid do Việt Nam sản xuất. Có vaccine Việt Nam thì có nên nhận chuyển giao đóng gói các loại vaccine hiệu quả thấp?
Mặc dù đã có đến 6 vaccine được phê duyệt khẩn cấp – là quá đủ để lựa chọn, sao Bộ Y tế vẫn tiếp tục phê duyệt khẩn cấp vaccine thứ 7 của nước ngoài, mang nhãn hiệu UAE nhưng là của Trung Quốc mà nó không phải là loại vaccine hiệu quả xuất sắc nổi tiếng, chưa được sử dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến? Tất cả đã dấy lên nhiều dấu hỏi: về sự cần thiết? về tính hiệu quả thực tế? về độ an toàn? về mục đích? về tác động ngoại cảnh?
Hy vọng Chính Phủ có các biện pháp thích hợp để vượt qua rào cản lợi ích nhóm và lợi ích quốc gia về vaccine phòng ngừa Covid -19.
Không chịu sức ép của bất cứ ai về nhận chuyển giao vaccine hiệu quả thấp.
Loại trừ các rào cản của các nhóm lợi ích làm chậm bước tiến của vaccine nội.
Loại bỏ các chuyển giao vaccine “cỏ” từ nước ngoài làm “nghẹt thở” vaccine nội.
Có nhận chuyển giao thì nhận chuyển giao loại vaccine hiệu quả hàng đầu để khỏi tổn hại đến sức khoẻ của người dân./.
#vaccine