Yến Phương – (VNTB) – Người dân nghèo đang phải thêm khốn khó cho đến luôn cả khốn… nạn.
***
Trong đợt bùng dịch lần thứ 4 này, nhiều tỉnh thành ở miền Nam đã phải chịu nhiều ảnh hưởng. Đó không chỉ là những ảnh hưởng bởi số lượng ca nhiễm, mà còn về cả vật chất khi một số ngành nghề khó khăn hơn trong mưu sinh, cũng như về tinh thần khi cả miền Nam phải chịu ảnh hưởng của đủ mọi lệnh ngăn sông cấm chợ được nhân danh chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tạm không nói đến những tỉnh thành khác, chỉ riêng TP.HCM, từ sau dịp lễ 30-4 rồi ngày bầu cử 23-5, thành phố này đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau dưới các chỉ thị. Từ chỉ thị 16 cho riêng quận Gò Vấp, chỉ thị 15 cho toàn thành phố, cho đến chỉ thị 10 rồi chỉ thị 16 cho toàn thành phố, chỉ thị 16 từ phía chính phủ cho toàn miền Nam; và rồi giờ đây lại có thể tiếp tục với chỉ thị 12 cũng như tiếp tục với chỉ thị 16 từ chính phủ.
Những con số nhảy múa trên những phận người khốn nạn.
Hàng loạt những khó khăn trong thời gian qua, tạm dừng hết hoạt động này đến công việc kia. Từ chợ tự phát cho đến bán mang về; từ xe ôm cho đến vé số…, tiền hỗ trợ từ chính quyền thì người có kẻ không; áp lực từ công việc, từ chén cơm manh áo, điện nước – ăn uống, cho đến khoản tiền phòng bệnh tật, tang chế… đã làm cho không ít người phải lo lắng.
Dù biết rằng dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm, biến chủng Delta lây lan nhanh, dĩ nhiên càng không muốn phải vô khu cách ly hay bệnh viện dã chiến, song vì sinh kế, một số người cũng đành phải chấp nhận rủi ro.
“Lúc trước vào thành phố, vì tật nguyền em chỉ có một tay, không xin được bất kỳ một việc nào, trừ bán vé số. Chỉ có nghề bán vé số để mưu sinh, giờ bán vé số cấm nữa, không biết phải làm gì luôn đó. Ở nhà trọ, em cũng không biết sao. Em nghe nói nhà nước có hỗ trợ tiền cho mấy người đi bán vé số dạo đó, nhưng mà em vẫn chưa nhận được cái gì hết trơn.
Hôm nay em chuẩn bị dọn đồ sợ không có tiền đóng, đi cả buổi sáng được có trăm ngàn à, không đủ tiền đóng. Chú nói là không cho ở, mới vừa điện em về gấp đồ. Bây giờ đi không biết đi đâu luôn”, chàng thanh niên tên Toàn, bị khiếm khuyết một tay, chia sẻ về tình cảnh phải đi ăn mày nhờ vào lòng từ tâm của người Sài Gòn.
“Mình thấy thế này, cũng có ý kiến cho rằng, mấy ông nói hay lắm, biết vậy sao mấy ngày đó người dân không né đi. Nếu mà như vậy, vai trò của mấy anh để làm gì?
Học thức, kinh nghiệm, tầm nhìn của mấy anh để làm gì? Bộ phận tuyên truyền về dịch để làm gì? Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Phát thanh Truyền hình chỉ có vai trò đi phạt người ta thôi hả? Người dân né được hả?
Giống như giờ ví dụ thành phố muốn phòng trước, muốn tạm hoãn bầu cử, hoãn được không? Mặc dù đúng là nhiều chỉ thị đưa ra, ảnh hưởng đời sống nhiều quá, nhưng mình thấy một điều, để xảy ra tình hình như thế này, lỗi không hẳn do mỗi chính quyền thành phố đâu.
Dù sao đi nữa, trước khi xảy ra, mình thấy họ cũng phòng thủ kỹ càng lắm, từ việc kiểm soát người dân trở lại sau lễ cho đến bầu cử” – một người dân ở Sài Gòn ngại nêu tên vì không muốn bị chụp mũ, ý kiến.
“Nếu nói lỗi do người dân ỷ y, theo tôi thấy là không đúng. Dân đâu phải ai cũng biết tình hình dịch như thế nào, diễn biến cụ thể ra sao.
Nếu như nhắm thời điểm đó không ổn, thì tuyên truyền cho dân biết đi, bao nhiêu người tránh được thì hay bấy nhiêu. Để rồi xảy ra như bấy giờ, chuẩn bị thêm 2 tuần nữa, một số nơi phong tỏa cả phường luôn.
Nhớ ngày xưa đi học, trong sách sử hay viết là sau mỗi trận đánh rút ra được bài học kinh nghiệm gì đó. Không biết là sau đợt dịch này có rút ra bài học kinh nghiệm gì hay không? Nhưng nếu có thì thật sự rất đắt, trả giá bằng cuộc sống của không ít người dân nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Không phải cứ vấp ngã rồi đứng lên là xong đâu. Nếu nghĩ đơn thuần, có gì đâu, ngã thì đứng lên làm lại, xem ra chả nhân văn tí nào” – một ý kiến khác cũng ngại ngần danh tánh vì ám ảnh chụp mũ hình sự.
Có thể nói, tình hình dịch phức tạp là việc hoàn toàn có thể lường trước khi trong thời điểm lễ ‘ăn mừng lễ’, dịch đang xảy ra ở Campuchia, Bộ y tế cũng cử các đoàn xuống miền Tây để hỗ trợ. Rủi ro nhất định khi khoảng thời gian nghỉ lễ dài và sau đó là ngày hội quốc dân – bầu cử, tưởng rằng sẽ tạm hoãn để phòng dịch, để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thế nhưng, nó vẫn diễn ra.
“Mỗi lần ngã là một lần bớt dại nhưng sẽ trưởng thành hơn”. Nói thì dễ, nhưng khi ngã thật sự, với người cán bộ, nó sẽ là bài học vô cùng đắt giá mà người phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn ai hết chính là người dân.
Vì sao người dân không làm lại bắt họ phải gánh hậu quả? Khốn nạn quá còn gì…