Vụ việc của quân nhân Trần Đức Đô, người đầy thương tích, bị chết trong khi tại ngũ và bị Quân khu 1 cho là treo cổ tự tử, cuối cùng rồi cũng sẽ kết thúc. Nói ra điều này sẽ khiến nhiều người buồn, nhưng đó là một thực tế.
Hãy thử đặt trường hợp bạn là gia đình của em Đô, bạn sẽ làm gì? Chính quyền cho cắt Internet toàn bộ khu vực để không cho bạn phát video trực tiếp. Chính quyền cho công an phong toả mọi ngả đường vào nhà, giám sát người nhà, kiểm tra người lạ tiếp xúc với gia đình. Chính quyền không cho để xác em Đô vào bất cứ bệnh viện nào. Hàng xóm góp tiền mua tủ đông để giữ xác em thì chính quyền cho cắt điện. Gia đình buộc phải đưa tủ đông ra ngoài nghĩa trang và chạy máy phát điện thì công an cũng phong toả. Và việc chạy máy phát điện để duy trì tủ đông, ướp xác em Đô sẽ kéo dài trong bao lâu? Chắc chắn là không nhiều.
Một gia đình đau đớn, kiệt quệ về tinh thần, bị cô lập, bị khủng bố và áp lực, sẽ nhanh chóng buông xuôi.
Quân đội và công an do đó chỉ cần hành động như họ đang làm, thậm chí không cần giải thích gì với gia đình em Đô cả. Họ chỉ cần thông báo về cái chết và nguyên nhân cái chết. Còn tin hay không thì tuỳ gia đình em Đô.
Những lời hứa hay phân trần của các cấp lãnh đạo quân đội trên báo thực chất chỉ là để trấn an dư luận chứ không phải để trấn an tinh thần gia đình em Đô.
Đơn giản là quân đội chỉ sợ dư luận và quần chúng. Còn với một gia đình em Đô riêng lẻ họ dễ dàng cô lập và xử lý.
Quân đội, mà đứng sau là chính quyền, sợ sự bức xức của dư luận dẫn đến những bùng phát thiếu kiểm soát, từ đó dẫn đến bất ổn chính trị và sự sụp đổ của chế độ.
Nhưng cái cách lấp liếm của giới lãnh đạo tuyên giáo ở Quân khu 1 chỉ là châm dầu vào lửa, và tăng thêm sự khinh bỉ của người dân. Bởi vì lúc này, chỉ có người không não mới tin vào giả thuyết một quân nhân đang khoẻ mạnh bị đánh bầm dập rồi tự kiếm dây đi treo cổ tự tử.
Sự việc giết hại em Đô và cách chính quyền cô lập các tiếng nói từ gia đình em cuối cùng cũng sẽ khiến dư luận sáng mắt hơn và đặt ra nhu cầu khẩn thiết về việc cần kiểm soát thói lộng quyền của chính quyền.
Dư luận ở đây không chỉ là người ngoài chính quyền mà còn cả những người làm việc bên trong chính quyền.
Nếu không có ít nhất một lực lượng đối lập mạnh bên trong quốc hội và chính quyền nhằm kiểm soát và giám sát thói lộng quyền của các cơ quan chính phủ, bất kể ai cũng có thể là nạn nhân của chế độ, dù đó là dân đen, quân nhân, hay cán bộ.
Từ từ rồi ngay cả chính những quân nhân, những đảng viên cũng ý thức được việc cần có một đảng đối lập ngay bên trong quốc hội nhằm bảo vệ các tiếng nói và quyền lợi của chính mình.
Dân chủ chỉ đơn giản là một cách thức sinh hoạt chính trị mà trong đó, bất cứ ai cũng có những người đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của mình.
Khi hiểu được điều đó rằng dân chủ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, trong và ngoài chế độ, thì dân chủ sẽ từ từ lớn mạnh ngay bên trong chế độ bởi không ai muốn từ bỏ quyền lợi của mình cả./.
Nguyễn Huy Vũ
#TrầnĐứcĐô #khátvọngdânchủ