Trước khi làm Chủ tịch nước thì ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng. Trước đó nữa thì ông làm Phó Thủ tướng. Vậy đó, sao mà người ta lại thấy ông vẫn ‘hồn nhiên’ đến lạ lùng…
Tin tức trên báo chí nhà nước thuật rằng, sáng 14-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đơn vị số 10 của TP.HCM (hai huyện Củ Chi và Hóc Môn) đã tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại huyện Củ Chi, TP.HCM.
Ông Nguyễn Xuân Phúc phân trần với cử tri rằng nhiều lần ông có ý kiến, Luật đất đai bên cạnh tiến bộ còn nhiều bất cập, gây thất thoát trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Chưa nói còn nhiều bất cập, gây khó khăn, chậm trễ cho người dân.
Do vậy, theo Chủ tịch nước, cuối năm nay Ban Chấp hành trung ương sẽ nghe Chính phủ trình việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật đất đai phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo nguồn lực phát triển đất nước từ đất đai.
Mặt khác, giải quyết quyền lợi đúng đắn, kịp thời cho người dân. Điều tiết thu nhập từ chênh lệch địa tô, tránh thất thoát.
Không ít thắc mắc: vậy thì ở trước ngày 05-4-2021, lúc còn là Thủ tướng Chính phủ, phải chăng ông Nguyễn Xuân Phúc là ‘hữu danh vô thực’, khi ông không thể trình bày được về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật đất đai trước Ban Chấp hành trung ương?
Cũng trong buổi sáng tiếp xúc cử tri đó, ông Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu đại khái rằng, “Hiện nay, TP.HCM cần phải giải quyết tốt nhiều vấn đề về chống ngập, ùn tắc, môi trường sống. Cái này tôi đã có một số biện pháp hết sức mạnh mẽ. Vừa qua cùng làm việc với Thủ tướng mới, chúng tôi đã có ý kiến về việc đưa ra nghị quyết chung là nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM để thành phố có điều kiện phát triển và tiếp tục đầu tư. Chúng tôi sẽ ủng hộ việc đưa ra Quốc hội nghị quyết này”.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói tiếp, “Một phần trăm điều tiết cho TP.HCM tức là tăng lên 2.000 tỉ đồng, như vậy TP.HCM có điều kiện thuận lợi hơn để đầu tư phát triển hạ tầng, giải quyết các vấn đề, nâng cao đời sống, an sinh xã hội cho người dân. Để lại một, TP.HCM có thể tăng hai ba lần”.
Lại không ít thắc mắc: trước đó, hồi tháng 5-2020 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025, tin tức cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ủng hộ Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách Nhà nước cho TPHCM để Thành phố có “chiếc bánh ngân sách” lớn hơn.
Vậy thì tại sao khi đó bằng quyền lực của Thủ tướng đương nhiệm, quý ngài Nguyễn Xuân Phúc không tìm mọi cách để thuyết phục Quốc hội thông qua đề án đó của TP.HCM, mà phải chờ khi tân Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tiếng ủng hộ việc tăng tỷ lệ điều tiết Ngân sách Nhà nước cho TP.HCM thì ông Nguyễn Xuân Phúc mới ‘ve vuốt’ theo?
Một câu chuyện khác.
Sáng 13-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi gặp gỡ đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hội trường Thống nhất, tức Dinh Độc Lập. Thay mặt Giáo hội, hòa thượng Thích Thiện Nhơn tặng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 4 chữ vàng “Dĩ đức an dân”.
Báo chí tường thuật là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá 4 chữ vàng có ý nghĩa lớn về nhân văn và xã hội. Đồng thời, thông điệp trên cũng là lời dặn dò đối với lãnh đạo cấp cao về việc đạo đức cần đi trước, quy tập được lòng người và cùng tiến bước xây dựng đất nước.
Có ý kiến rằng thật ra ở đây “Dĩ đức an dân” trong bối cảnh của yêu cầu “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, đó là việc một nền pháp trị mới đòi hỏi mọi công dân từ người thứ dân bình thường cho tới người lãnh đạo cao nhất của đất nước phải theo một nền đạo đức mới… Bởi, đúng không trong một thời gian dài, những người cộng sản đã trị nước bằng chỉ thị và nghị quyết.
Sau khi đường lối đổi mới đi vào cuộc sống, xã hội Việt Nam đã thực sự phân hóa về giai tầng, về quyền lợi, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, những mối quan hệ chằng chịt trong nước lại đan xen phức tạp với các mối quan hệ quốc tế, thì dứt khoát nền đức trị cổ truyền đã chấm hết vai trò lịch sử của nó, và nay chỉ một nền pháp trị cứng rắn bất vị thân mới có khả năng giải quyết đúng đắn các mối quan hệ xã hội phức tạp hiện nay.
Tất nhiên một nền pháp trị mới đòi hỏi mọi công dân từ người thứ dân bình thường cho tới người lãnh đạo cao nhất của đất nước phải theo một nền đạo đức mới. Nhưng nền đạo đức mới đó là gì thì cho đến nay vẫn chưa có ai trả lời thuyết phục cả, bởi vẫn phải chịu sự trói buộc giữa lý thuyết và thực hành của cái gọi là Tư tưởng Hồ Chí Minh./.
#nguyễnxuânphúc