Ngô Nhân Dụng – VOA
Các ông tổng thống Mỹ không có cách nào tránh không bị dính vào cuộc xung đột giữa nước Israel và người Palestine. Đúng lúc Tổng thống Joe Biden đang lo những vấn đề đang rối như canh hẹ ở nước Mỹ thì hàng ngàn hỏa tiễn nổ bùng ở Trung Đông, đòi ông phải phản ứng ngay trong khi ông còn chưa có thời giờ bổ nhiệm đại sứ mới ở Jerusalem.
Ai cũng biết một cuộc khủng hoảng ở miền đất này sẽ xảy ra, còn xảy ra dài dài, vì xung đột giữa hai sắc dân khởi đầu năm 1948 khi người Do Thái thành lập quốc gia mới khiến hàng triệu người Palestine mất nhà mất cửa phải sống lưu vong “vô tổ quốc,” cũng như dân Do Thái hai ngàn năm trước. Nhưng không ai ngờ cuộc chiến bùng lên chỉ vì một nguyên nhân rất nhỏ, là vụ tranh chấp quyền làm chủ mấy căn nhà ở Jerusalem.
Những căn nhà này nằm trong khu Sheikh Jarrah, ở phía Đông Jerusalem, là nơi người Palestine vẫn sống suốt hai ngàn năm. Người Palestine chiếm gần 38%, tập trung ở phía Đông, còn đa số người Do Thái, 60%, thường ở phía Tây. Những gia đình đang ở Sheikh Jarrah là dân di cư, đã mất nhà cửa tại các thành phố Haifa và Jaffa khi chạy loạn năm 1948. Họ được chính thức cho phép cư ngụ, lúc vương quốc Jordanie còn làm chủ vùng này. Từ năm 1967 Israel tấn công Jordanie, chiếm thành phố Jerusalem.
Jerusalem, dân số dưới một triệu, là thánh địa của Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo, là nơi từng gây ra nhiều cuộc chiến đẫm máu trong lịch sử. Theo hiệp ước Oslo năm 1993 do Mỹ giàn xếp thì quy chế của thành phố sẽ được quy định khi Israel và dân Palestine ký một hiệp ước hòa bình. Nhưng chính phủ Israel không còn quan tâm đến các hiệp ước cũ nữa, đặt Jerusalem làm thủ đô, xây tường ngăn cách với dân cư Palestine ở chung quanh. Người Palestine sống ở Jerusalem không được coi là công dân Israel như người sống trong nước Israel.
Các căn nhà đang tranh chấp ở Sheikh Jarrah nằm trên mảnh đất vốn do người Do Thái làm chủ trước khi họ chạy loạn, bỏ đi năm 1948. Theo luật của Israel thì các chủ đất cũ có quyền đòi lại. Ngược lại người Palestine không có quyền đòi lại nhà và đất mà họ đã bỏ đi mỗi lần chiến tranh, ở các thành phố trong nước Israel như Haifa và Jaffa, và ngay cả trong khu phía Tây của thành phố Jerusalem.
Tình trạng bất công này khiến dân Palestine ở Jerusalem bất mãn, sẵn sàng đi biểu tình phản đối; nhất là khi chủ đất cũ người Do Thái đòi lại các ngôi nhà. Năm 2009 tòa đã xử 53 gia đình người Palestine ở Sheikh Jarrah bị trục xuất cho người Do Thái đến ở. Năm ngoái thêm một vụ nữa nhưng bốn gia đình kháng cáo, đến giờ đang chờ lên Tối cao pháp viện. Trong khi chờ tòa xử lại, người Palestine tập họp để phản đối, thanh niên trong thành phố kéo đến ủng hộ. Mỗi đêm trong Mùa Chay Ramadan của Hồi Giáo vừa qua họ tới khu Sheikh Jarrah ăn uống, ca hát, nhảy múa. Có những người Do Thái trong xóm tới gây lộn, ném đá, đánh nhau, cảnh sát phải can thiệp. Thanh niên Palestine kéo nhau đến Al Aqsa Mosque, Thánh đường quan trọng hàng thứ ba trong thế giới Hồi Giáo. Cảnh sát Israel đã phong tỏa chung quanh đền thờ, gây ra những vụ đánh nhau. Gần hết mùa chay, dân Palestine ở chung quanh kéo về Al Aqsa, cảnh sát phải chặn lại. Biểu tình phản đối bị đàn áp.
Tổ chức tự cai trị của người Palestine tại Gaza đã yêu cầu cảnh sát Israel giải tỏa khu thánh đường Al Aqsa và ngưng đàn áp biểu tình trước ngày Thứ Hai, 10 tháng Năm, nếu không họ sẽ bắn hỏa tiễn vào nước Israel. Trong ngày 10 tháng Năm, hàng ngàn người Do Thái biểu tình đánh dấu “Ngày Jerusalem” chiến thắng năm 1967, khi quân Israel đánh chiếm Jerusalem và các vùng đất người Palestine cư ngụ ở phía Tây Ngạn sông Jordan từng thuộc về nước Jordanie và Dải Gaza thuộc nước Ai Cập.
Cùng ngày hôm đó, cuộc đụng độ với cảnh sát khiến 330 người Palestine bị đánh phải đưa vào bệnh viện. Buổi tối, hỏa tiễn bắt đầu phóng, tới Tel Aviv, thủ đô cũ của Israel, chỉ cách biên giới Gaza mấy chục cây số. Không lực Israel trả đũa, phá hủy nhiều ngôi nhà trong dải Gaza và bộ binh kéo đến sát biên giới đe dọa tấn công. Mấy ngàn hỏa tiễn từ Gaza đã phóng, đa số bị phá trước khi tới đích. Gần 60 người Palestine và 6 người Israel chết. Trong nước Israel, xung đột giữa người gốc Do Thái và gốc Á Rập cũng bùng lên ở Lod và mấy thành phố khác, sau khi một thanh niên Á Rập bị giết rồi một nhà thờ Do Thái giáo bị đốt.
Cuộc chiến chưa bùng nổ toàn diện, quân Israel chưa tiến vào Gaza, nhờ cả thế giới can ngăn. Nhưng biến cố trong tuần qua cho thấy vùng đất này sẽ không bao giờ yên ổn khi mối xung đột chưa chấm dứt từ gốc rễ.
Thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahu, nhậm chức từ năm 1996, không quan tâm đến mối xung đột này. Ông nắm quyền trong thời gian tương đối yên tĩnh vì người Palestine chia rẽ, chính quyền ở vùng Tây Ngạn và ở Gaza không hợp tác với nhau. Netanyahu đã bành trướng các khu định cư của người Do Thái ở Tây Ngạn, trái với các thỏa ước đã ký. Ông không chấp nhận giải pháp “Hai Quốc Gia;” là công thức đã được các lãnh tụ hai bên đồng ý từ mấy chục năm nay và được Mỹ và các nước khuyến khích.
Trong thời Tổng thống Donald Trump, chính phủ Mỹ hoàn toàn đứng về phía ông Netanyahu. Mỹ đã công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, đưa tòa đại sứ đến đó, và vận động một số quốc gia Á Rập bang giao với Israel và bắt đầu hợp tác kinh tế.
Nhưng vụ khủng hoảng mới xảy ra chứng tỏ tình trạng hòa bình này rất mong manh. Dân chúng các nước Á Rập không thể nào làm ngơ khi người Palestine bị đàn áp, bị giết. Chính phủ các nước mới giao hảo với Israel, vì Mỹ hứa hẹn bán khí giới mới, nay họ bắt buộc phải lên án Israel. Những lời hứa bán vũ khí tối tân vốn vẫn bị Israel phản đối và chắc sẽ không bao giờ được thực hiện!
Chính quyền ở Gaza nằm trong tay đảng Hamas hoàn toàn cô lập từ năm 2007 khi bị cả hai nước Israel và Ai Cập phong tỏa. Đảng này chống chính quyền Palestine ở Tây Ngạn do Mahmoud Abbas thuộc đảng Fatah làm chủ tịch. Họ không lo các vấn đề kinh tế, xã hội cho 2 triệu dân. Mặc dù bị tình báo các nước chung quanh kiểm soát chặt chẽ, đảng Hamas vẫn tích trữ được khí giới để có thể phóng 1,600 hoả tiễn vào nước Israel trong ba ngày.
Đảng Hamas được lợi trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Ngày 22 tháng Năm này dân Palestine đáng lẽ sẽ bỏ phiếu, Hamas có thể lấn đảng Fatah. Ông Mahmoud Abbas, nắm quyền từ 17 năm qua, tuyên bố hoãn cuộc bầu cử, lấy lý do vì chính phủ Israel hạn chế việc dân đi bỏ phiếu.
Dân Palestine vẫn nuôi mối bất mãn với chính phủ Israel, và với chính quyền của họ. Giới thanh niên không nhìn thấy hy vọng nào ở tương lai. Cho nên bất cứ lúc nào ngọn lửa chiến tranh và bạo loạn cũng có thể bùng lên.
Chính phủ Mỹ và các nước Tây phương lại thúc đẩy hai bên đàm phán. Nhưng rất khó thuyết phục chính phủ Israel nhượng bộ trong lúc này, khi mà các cuộc bỏ phiếu gần đây cho thấy ông Netanyahu ngày càng yếu thế nhưng chưa có lãnh tụ nào có thể lên thay.
Khi nào nước Palestine được thành lập, sống bên cạnh nước Israel thì vùng này mới có thể yên ổn.