Rảnh nên tôi tạt ngang qua Manila vài bữa, dù chả hẹn hò hay quen biết với bất cứ ai ở hải đảo này. Cứ cách ngày tôi đổi khách sạn một lần, và mỗi lần lại chuyển qua một quận hạt khác (Makati, Malabon, Parañaque) thế mà nguyên tuần không gặp được một người đồng hương nào ráo.
Rời thủ đô của Philippines, điều tôi nhớ nhất là bữa ăn cuối cùng ở Oyster Plaza Hotel. Khách sạn bình dân, tuy cũng có cả bar rượu với restaurant nhưng lụp xụp trông đến tội. Thực khách vắng teo, thực đơn lèo tèo chỉ hơn chục món với giá khá bèo. Vốn tính hà tiện nên tôi chỉ đại vào món cá nướng chỉ vì… giá tiền thấp nhất.
Con cá nhỏ xíu xiu (rẻ là phải) được bọc kín trong giấy bạc, ướp đủ thứ gia vị lạ mắt nhưng trông không hấp dẫn gì cho lắm. Tôi không hảo cá, và cũng chả đói nên không đụng đũa. Cứ ngồi uống bia xuông cho đến khi thấy hơi xót ruột, tôi mới ngần ngại xêu nhẹ một chút cá bỏ vào mồm.
Má ơi, sao mà nó ngon dữ vậy nè. Tôi gọi thêm chén cơm trắng nữa. Lâu lắm rồi tôi mới có một bữa ăn chiều tử tế!
Ngoài ra, ấn tượng đậm nét hơn cả của tôi về Phi Luật Tân chỉ là sự nghèo nàn của xứ sở này. Nhà cửa, đường xá, cầu cống, và mọi phương tiện giao thông đều chật chội/ cũ kỹ/ tàn tạ … ngó mà thương. Manila không thể nào so sánh với Bangkok, chỉ ngang cỡ Rangoon, và có lẽ hơi đỡ nhếch nhác hơn Phnom Penh với Vientiane chút xíu.
Dân Phi được tự trị từ 1935, hoàn toàn độc lập từ năm 1946. Hiến pháp và chính phủ của xứ sở này được tổ chức theo khuôn mẫu Hoa Kỳ. Tam quyền phân lập đàng hoàng. Người dân có tất tần tật mọi quyền tự do căn bản: cư trú, di chuyển, ngôn luận, tín ngưỡng, sở hữu tài sản đất đai …
Có thể đổ lỗi cho chế độ độc tài/ toàn trị/ quân phiệt về sự khốn khó ở Miên, ở Lào (hay ở Miến) nhưng giải thích sao về sự lam lũ ở Phi?
Nguyên cả tuần lễ mà tôi không biết làm chi cho hết ngày ở Manila thì Chu Vĩnh Hải cũng có mặt nơi đây. Ông đến tham dự một cuộc Hội Thảo Báo Chí, do Global Investigative Journalism Network tổ chức. Dân chuyên nghiệp có khác. Tuy bận rộn nhưng nhà báo của chúng ta vẫn thực hiện được một bài phóng sự (“Những Tao Ngộ Ở Manila ”) đặc sắc, về nhóm dân Việt tị nạn vẫn còn “kẹt” ở Phi. Xin ghi lại một trường hợp tiêu biểu:
Cách đây hàng chục năm, chuyến tàu vượt biên của ông Huỳnh Phong đã mất phương hướng, máy tàu bị hư hỏng, tàu bị trôi dạt vô định và hết sạch thức ăn nước uống. Nhiều người đã chết, trong đó có trẻ em, phụ nữ và người già.
Và dĩ nhiên họ trở thành những miếng mồi của lũ cá ở đại dương. Khi không thể chịu đựng đói khát được nữa, người thuyền trưởng đã phải đưa ra một quyết định đau đớn: để tồn tại, để đến được bến bờ, tất cả các thành viên còn sống sót trên tàu phải uống máu và ăn thịt người có nguy cơ chết cao nhất.
Và phương thức lựa chọn người chết là bốc số. Em trai của ông Huỳnh Phong là một trong số được chọn. Ông Phong đã phải uống máu và ăn thịt chính người em ruột mà ông yêu quí nhất. Và ông đã điên, đã quên đi gần như tất cả quá khứ.
Dễ có đến vài triệu thuyền nhân (*) như ông Phong chứ đâu phải ít. Không kể những kẻ đã vùi thây dưới lòng biển cả, người còn sống sót (đang tứ tán khắp bốn phương trời) tuy không điên loạn nhưng cũng chả muốn ai nhắc nhớ chi đến cái phần đời bi thảm của mình.
Với phần lớn dân Việt tị nạn vẫn còn sống sót từ thế kỷ qua thì quên vẫn thường dễ chịu hơn là nhớ, kể cả những kẻ đang cầm quyền ở đất nước này. Những dịch vụ “bán bãi thu vàng” của người vuợt biên, tuy có mang lại lợi nhuận không nhỏ nhưng lại không phải là kỳ tích kinh tế để họ có thể tự hào . Đó là lý do mà nhà nước hiện hành vận động mọi phương thức ngoại giao để yêu cầu các nước Á Châu “đục bỏ bỏ những bia tưởng niệm thuyền nhân.”
Chối bỏ quá khứ, tuy thế, không phải là phương cách tích cực để tiếp cận với hiện tại hay hướng đến tương lai. Vết thương của những thuyền nhân vào cuối thế kỷ hai mươi vẫn chưa kịp khép thì đầu thế kỷ này lại phát sinh ra những thuyền nhân mới. Tuy có tên gọi là nouveaux boat people nhưng họ không di tản bằng đường thủy.
“Trong cuộc hành trình dài bằng phần nửa vòng trái đất, họ thường bám trên các xe vận tải hạng nặng xuyên qua Châu Âu. Trốn trong những thùng chứa hàng trong xe, họ phải ép xác, có khi chịu đựng không ăn uống trong nhiều ngày. Khám xét những xe vận tải đầy ắp hàng đi từ nước này qua nước khác làm cho cảnh sát biên phòng phải điên đầu vì không phải là chuyện đơn giản lúc nào cũng làm đươc. Năm ngoái, hải quan Pháp đã khám phá được mười mấy xác chết người Á Châu vì ngột ở trong xe hàng, không biết có phải là Việt Nam không.” (Phương Vũ Võ Tam Anh, “Người Việt khốn khổ tại Paris” – 30 November 2009).
Đến nay thì đám “người Việt khốn khổ” này không chỉ có mặt ở Paris. Họ đã xuất hiện khắp Âu Châu, với một tên gọi khác (Người Rơm hoặc Truck People) và đã khiến cho công luận bàng hoàng, sau cuộc phát hiện của cảnh sát nước Anh về 39 xác người chết ngạt (trong một chiếc xe chở hàng đông lạnh) vào ngày 23 tháng 10 năm 2019.
Khi được phóng viên báo Nhân Dân (số ra ngày 31 tháng 8 năm 1987) hỏi về bi kịch thuyền nhân, Trung Tướng Nguyễn Đình Ước – Viện Trưởng Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam) – đã trả lời gọn lỏn:
“Đó là chuyện có thật … Đã có một bộ phận người Việt Nam bỏ đất nước ra đi. Không ít người đã thiệt mạng trên biển do bị chìm thuyền, bị bọn đưa người vượt biên trái phép lừa gạt giết chết. Đó đúng là một thảm cảnh nhưng là hệ quả do những chính sách chống phá Việt Nam từ bên ngoài.”
Thảm kịch của đám truck people hiện nay cũng thế, cũng đến “từ bên ngoài.” Vụ này nhà nước Việt Nam cũng tuyệt đối vô can, và hoàn toàn không có dính líu gì ráo trọi. Báo Thanh Niên, số ra ngày 13 tháng 3 năm 2021, hớn hở cho hay:
Một người Việt bị cáo buộc là “người tổ chức” chính trong vụ vận chuyển lậu người vào Anh khiến 39 nạn nhân Việt thiệt mạng hồi năm 2019. Theo tờ Standard ngày 13.3 dẫn thông tin tại phiên điều trần dẫn độ tại Tòa sơ thẩm Westminster (Anh), người Việt này tên Ngo Sy Tai, được cho là 18 tuổi, sẽ phải đối mặt 20 năm tù nếu bị kết tội vận chuyển lậu người vào Anh.
Ngo Sy Tai đã chạy trốn đến thủ đô Berlin (Đức) và sau đó đến thành phố Birmingham (Anh) sau khi nhà chức trách phát hiện thi thể 39 nạn nhân Việt trong container tại Anh hồi tháng 10.2019. Các nạn nhân đã trả tới 13.000 bảng (417 triệu đồng) mỗi người cho chuyến đến Anh bằng “đường VIP”.
Tuy cũng thuộc “dạng” thế lực thù địch bên ngoài nhưng thủ phạm lần này, may quá, có tên họ rõ ràng: Ngô Sỹ Tài (18 tuổi) chính phạm trong những vụ chuyển lậu người vào nước Anh, vào năm 2019, khi mới vừa … 16!
Thiệt là tài không đợi tuổi!
Tin tức (thổ tả) như thế mà cả làng báo Ta, lẫn báo Tây, đều vồ vập phổ biến tùm lu mà chả thấy ai “thắc mắc hay khiếu nại” gì ráo trọi:
– Judge orders Vietnamese teenager to be extradited over Essex migrant deaths
– Vietnamese teenager, 18, accused of being key ‘organiser’ in people smuggling ring…
Ai cũng hân hoan vì đã tìm ra một con dê để mang ra tế, dù chỉ là một chú dê con.
Chả hiểu hoàn cảnh của cậu bé mười mấy tuổi đầu này ra sao mà thay vì sống với mẹ cha, và cùng bè bạn ngồi dưới mái trường, lại lạc sang đến trời Âu; rồi trở thành một tay buôn người xuyên quốc gia, với tầm vóc quốc tế, dữ dằn đến thế?
Em đúng là một thiên tài, một sản phẩm đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, đến từ một đất nước chuyên sản xuất … thiên tai. Em đã “ứng” vào lời tiên đoán, cách đây không lâu, của Bộ Trưởng Thông Tin Nguyễn Mạnh Hùng: “Tôi có niềm tin là người Việt Nam có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm.”
Tưởng Năng Tiến
(*) Death Tolls and Casualty Statistics Vietnam – Vietnamese Boat People
Jacqueline Desbarats and Karl Jackson (“Vietnam 1975-1982: The Cruel Peace”, in The Washington Quarterly, Fall 1985) estimated that there had been around 65,000 executions. This number is repeated in the Sept. 1985 Dept. of State Bulletin article on Vietnam.
Orange County Register (29 April 2001): 1 million sent to camps and 165,000 died.
Northwest Asian Weekly (5 July 1996): 150,000-175,000 camp prisoners unaccounted for.
Estimates for the number of Boat People who died:
Elizabeth Becker (When the War Was Over, 1986) cites the UN High Commissioner on Refugees: 250,000 boat people died at sea; 929,600 reached asylum
The 20 July 1986 San Diego Union-Tribune cites the UN Refugee Commission: 200,000 to 250,000 boat people had died at sea since 1975.
The 3 Aug. 1979 Washington Postcites the Australian immigration minister’s estimate that 200,000 refugees had died at sea since 1975.
Also: “Some estimates have said that around half of those who set out do not survive.”
The 1991 Information Please Almanac cites unspecified “US Officials” that 100,000 boat people died fleeing Vietnam.
Encarta estimates that 0.5M fled, and 10-15% died, for a death toll of 50-75,000.
Nayan Chanda, Brother Enemy (1986): ¼M Chinese refugees in two years, 30,000 to 40,000 of whom died at sea. (These numbers also repeated by Marilyn Young, The Vietnam Wars: 1945-1990 (1991))
Rummel
Vietnamese democide: 1,040,000 (1975-87)
Executions: 100,000
Camp Deaths: 95,000
Forced Labor: 48,000
Democides in Cambodia: 460,000
Democides in Laos: 87,000
Vietnamese Boat People: 500,000 deaths (50% not blamed on the Vietnamese government)