Nguyễn Nam – (VNTB) – Có quy định nào ràng buộc phía Việt Nam phải thực hiện việc báo cáo các công việc nội bộ đảng cộng sản Việt Nam cho đảng cộng sản Trung Quốc tường tận?
Ngày 12/4, ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thông báo về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chủ trì hội nghị phía Trung Quốc là ông Tống Đào, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương, cùng nhiều đại diện lãnh đạo các ban Đảng, cơ quan hữu quan của Việt Nam, các cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cùng tham dự Hội nghị.
Tin tức cho biết, “Đồng chí Lê Hoài Trung khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một coi trọng việc duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định, bền vững với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
Ở chiều ngược lại, “Đồng chí Tống Đào cảm ơn và đánh giá cao việc Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức thông báo kết quả Đại hội XIII cho Đảng Cộng sản Trung Quốc; một lần nữa chúc mừng thành công của Đại hội; nhấn mạnh lại việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sớm gửi Điện mừng tới Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngay sau Đại hội, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”.
Thắc mắc của người đọc báo: có quy định nào ràng buộc phía Việt Nam phải thực hiện việc báo cáo các công việc nội bộ đảng cộng sản Việt Nam cho đảng cộng sản Trung Quốc tường tận hay không?
Việc “đánh giá cao việc Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức thông báo kết quả Đại hội XIII cho Đảng Cộng sản Trung Quốc” – theo lời của ông Tống Đào, đưa đến cảm giác kiểu cung cách chư hầu thần phục triều đình phương Bắc như thời Bắc thuộc.
Tân Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn mới đây đã nói với báo chí rằng, “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy các nước trong cộng đồng quốc tế với tinh thần hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi”.
Vậy thì trong số ‘bạn – đối tác tin cậy’ đó, phải chăng “ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam” được tái khẳng định công khai đó là Trung Quốc? Và nếu điều này là đúng, vậy thì cần giải thích thế nào về nội dung bản tin tiếp theo đây:
“Sau lần tiếp cận thứ 10 (ngày 10/3) tới các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực Lô 06.1 và Lô 05.2, Hải cảnh 5304 đã di chuyển về đá Xu Bi, quần đảo Trường Sa từ ngày 14/3 và chỉ quay trở lại vùng biển Việt Nam vào ngày 19/3.
Ngay trong đêm 19/3, sáng 20/3, Hải cảnh 5304 đã tiếp cận khu vực giàn khai thác tại mỏ Lan Tây và mỏ Hải Thạch (lần thứ 8) sau đó tiếp tục tục tiến hành thêm 8 lần tiếp cận các khu vực này trong các ngày 22/3 (lần thứ 9), 25/3 (lần thứ 10), 27/3 (lần thứ 11), 30/3 (lần thứ 12), 2/4/2021 (lần thứ 13), 5/4 (lần thứ 14), 7/4 (lần thứ 15), 9/4 (lần thứ 16) và 11/4 (lần thứ 17) với khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác mỏ khí Lan Tây từ 1 đến 2 hải lý và mỏ Hải Thạch từ 1-3 hải lý.
Trong đó, ngày 27/3 và 5/4, Hải cảnh 5304 đã tiếp cận rất gần đến kho chứa dầu nổi tại mỏ Hải Thạch. Ngoài ra, ngày 5 và 6/4, tàu chấp pháp Trung Quốc cũng đã tiếp cận gần các mỏ Lan Đỏ và Phong Lan Dại với khoảng cách đến giếng LD-1P, LD-2P (thuộc mỏ Lan Đỏ) có thể chỉ khoảng 200 mét và giếng PLDCC-1X khoảng 800 mét”.
Một học giả bình: “Mấy bữa nay có một nước lớn ‘ham chiến tranh’ đang khiêu khích ở Biển Đông, và một nước lớn khác thấy mấy nước nhỏ ‘im ắng’ quá nên cũng đem tàu chiến vô biển ấy, chắn ngang hải trình tàu chiến của nước lớn kia, rồi gác chân ngồi coi thế sự xoay vần tới đâu. Và đây là bức ảnh nóng từ qua tới nay, chụp cú gác chân ngồi coi thế sự đó”.