Sáng sớm 07/04/2021, cảnh sát Miến Điện bắn vào người biểu tình tại thành phố Kale, vùng Saigang, một điểm nóng « kháng chiến », khiến nhiều người bị thương và ít nhất 3 người thiệt mạng. Trong khi đó, các cựu nghị sĩ trong chính quyền dân sự đã lập hồ sơ về những vi phạm nhân quyền của tập đoàn quân sự để trình lên Liên Hiệp Quốc.
Hãng tin Anh Reuters chưa kiểm chứng được số người thiệt mạng chính xác do những thông tin trên mạng xã hội và người dân ở thành phố Kale chênh lệch nhau. Mạng internet vẫn bị hạn chế tối đa nhưng điện thoại cố định vẫn hoạt động.
Trong một thông cáo ngày 06/04, bác sĩ Sasa, được chỉ định là đại sứ Miến Điện bên cạnh Liên Hiệp Quốc của Ủy ban đại diện Quốc Hội – CRPH, cho biết các luật sư của CRPH đã tập hợp được 180.000 bằng chứng về những vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn của tập đoàn quân sự và trao cho các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc ngày 07/04.
Vào giữa tháng Ba, ông Thomas Andrews, báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện từng lên án khả năng « tội ác chống nhân loại » của tập đoàn quân sự. Anh Quốc, nước giữ chức chủ tịch Hội Đồng Bảo An tháng Ba, đã tổ chức nhiều cuộc họp về Miến Điện, nhưng không đi đến được các biện pháp trừng phạt chung. Luân Đôn cho biết sẽ « ủng hộ nỗ lực của ASEAN để giúp đỡ Miến Điện giải quyết tình hình ». Thông tin được ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thông báo ngày 07/04 sau khi đàm thoại với đồng nhiệm Anh Dominic Raab.
Anh, cùng với nhiều nước phương Tây, như Mỹ, Úc đã áp đặt trừng phạt đối với nhiều tướng lĩnh Miến Điện, trong khi Liên Hiệp Châu Âu cũng tính đến thêm một số biện pháp trừng phạt mới. Tuy nhiên, ngày 06/04, Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là « vô ích và cực kỳ nguy hiểm » có nguy cơ gây nội chiến ở quốc gia Đông Nam Á này. Theo Reuters, tuyên bố ủng hộ của điện Kremlin có thể một cú hích cho tập đoàn quân sự Miến Điện.