Hoàng Hoành Sơn – VOA
Ngày 13/12/2020, nhiều báo đài trong và ngoài nước đăng tải hình ảnh thẩm phán Trương Việt Toàn sau khi xử ông Nguyễn Đức Chung, đã đi xuống bắt tay và vỗ vai thân mật với bị cáo (1). Ông thẩm phán này còn cho biết: Chúng tôi (hội đồng xét xử) thấy rất xót xa (2)!
Các báo đài của đảng và cá nhân ông Trương Việt Toàn đã cho rằng hành động của ông này thể hiện tính nhân văn, tình người, xót xa trước cảnh bị cáo Nguyễn Đức Chung là người từng đứng đầu cơ quan điều tra, nhưng vì động cơ cá nhân dẫn đến phạm tội.
Thế nghĩa là ông thẩm phán biết đau thương, xúc động trước hoàn cảnh của một thiếu tướng công an, một chủ tịch thủ đô Hà Nội, ủy viên trung ương đảng, và cũng là một đại gia có công ty gia đình riêng, có con du học ở Mỹ, từng là đảng viên ưu tú, là cán bộ “nguồn”, là Anh hùng lực lượng vũ trang. Việc xúc động này là dễ hiểu và dễ đồng cảm.
Tuy nhiên, cái điều khúc mắc khiến cho người dân Việt Nam (VN) nói riêng và dư luận thế giới nói chung, phải lên tiếng nghi vấn: Tại sao ông thẩm phán biết rung động trước tình cảnh của Nguyễn Đức Chung nhưng chả hề thấy rung động trước cái chết đầy uẩn khúc, đau thương làm kinh động đến cả thế giới của cụ Lê Đình Kình, cũng là một đảng viên lão thành bậc cha chú của cả ông Toàn và ông Chung?
Tại sao cái ngành tòa án, mà ông Toàn đang là cán bộ cao cấp ở đấy, lại không hề có chút tình người hoặc sự đồng cảm nào với cái chết của cụ Kình, mà vẫn tiếp tục tuyên 2 án tử hình cho hai người con cụ Kình là anh Lê Đình Công và Lê Đình Chức, cả cụ già đảng viên lão thành Bùi Viết Hiểu. Họ bị bắn gần chết cũng phải hầu toà lãnh án mười mấy năm tù, cộng thêm mười mấy người dân Đồng Tâm khác. Tất cả đều lãnh những bản án nặng nề… chỉ để bảo vệ 59ha đất ruộng nuôi sống gia đình. Chả thấy ông thẩm phán nào bộc lộ cái tính người và cái tình đồng cảm gì sất?
Đang khi đó cả nước đều biết Cụ Lê Đình Kình, cụ Bùi Viết Hiểu và các con cái cháu chắt cụ Kình vô tội. Riêng ông Chung tội danh quá rõ ràng: chiếm đoạt bí mật Nhà nước, ăn tàn phá hại của nhân dân, tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa như thế. Vậy mà chỉ lãnh 5 năm tù nhẹ hều. Lại còn được cảm tình từ thẩm phán và sự đồng thuận của hơn 5 triệu đảng viên đảng cộng sản (đcs) thật thắm thiết nghĩa tình môi hở răng lạnh?
Phải chăng dưới triều đại “đất nước có bao giờ được như thế này”, do đcs cầm quyền, chỉ xem quan chức lãnh đạo làm trọng, còn dân đen dù có mấy chục năm tuổi đảng, có è lưng nộp thuế nuôi quan chức cộng sản, cống hiến cho đất nước, thì vẫn chỉ là mạng kiến cỏ, chịu mọi dẫm đạp, cướp đất dân cày, xử tội dân thế nào tùy ý đảng? Dân hiển nhiên là vịt, quan chức đảng viên là chim ưng. Lấy vịt mà nuôi chim ưng có gì là lạ chăng? (nguyên văn lời của tướng thời Trần, Trần Khánh Dư)
Rõ ràng là ông thẩm phán Toàn đã nói láo và chống chế khi ông ta kể: “Hôm đó, tuyên án xong, tôi đi về phòng làm việc của mình. Lúc đó, đương nhiên phải đi qua hàng bị cáo.” Lời nói này chân hay giả dưới đây tôi sẽ phân tích kỹ lưỡng thêm. Việc chủ tọa phiên tòa và bị cáo có những tiếp xúc thân mật kiểu bắt tay vỗ vai ngay sau phiên tòa, cho thấy những gì?
Trước nhất đây là phiên tòa xử kín, nên trong phiên tòa này sẽ có những khoảnh khắc “rất là xót xa”, “rất là đồng cảm”, tràn đầy tính người đến mức chuyện bắt tay, vỗ vai chỉ là đoạn cuối của buổi xử thân mật, thắm đượm tình đồng chí.
Thứ đến, để có phiên tòa nghiêm minh, các nhà làm luật đã tránh sự tiếp xúc gần gũi từ mọi phía đến với phạm nhân. Hẳn chúng ta cũng nghe được ở phiên tòa xử vụ Đồng Tâm, các luật sư của bị cáo phải đi lòng vòng mới vào được trong tòa và không thể tiếp xúc thân mật với các bị cáo, nói gì đến ông chủ tọa phiên tòa. Mới xử xong đã bước xuống an ủi bị cáo Nguyễn Đức Chung, như thể bầu khí ở tòa giờ đấy, chỉ là lúc trà dư tửu hậu.
Sự thật việc ngài thẩm phán đến hồ hởi bắt tay, thân mật vỗ vai bị cáo trong trường hợp này còn nhiều vấn đề chưa đúng pháp luật như sau:
– “Phòng xử án” là nơi được luật pháp quy định cụ thể, trong đó sơ đồ chỗ ngồi, vị trí của chủ tọa, thành viên HĐXX, đại diện viện kiểm sát, bị cáo, luật sư, người tham dự… cụ thể rõ ràng. “Phòng xử án” được quy định tại khoản 1 điều 2 Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC của Tòa án Nhân dân Tối cao: “Phòng xử án là không gian tổ chức xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của tòa án” (3).
Vì thế, thẩm phán hoàn toàn không được phép tiếp xúc bị cáo như bắt tay, động viên… tại nơi xử án. Thậm chí, điều 77 Luật Tổ chức TAND 2014 quy định những việc thẩm phán không được làm, có việc cấm: “Tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định” (4).
Như thế, là người học hiểu, am tường pháp luật VN, nhưng ông Toàn đã vi phạm pháp luật, đồng thời khi ông thẩm phán nói rằng: “đương nhiên phải đi qua hàng bị cáo” là hoàn toàn lấp liếm, gian dối. Ông đã xử án bao nhiêu năm lại không biết điều 77 kể trên hay sao? Hoặc là ông đinh ninh vì tòa xử kín nên không cần che giấu nỗi niềm công – chính – liêm – minh đối với bị cáo? Một thẩm phán gian xảo như thế có thể làm đại diện lương tâm của cả quốc gia chăng?
– Điều đáng nói nữa chính là sau phiên tòa xử kín của thẩm phán Trương Việt Toàn lần này, thì giai đoạn xét xử vẫn chưa chấm dứt. Theo điều 332, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, thẩm phán xét xử sơ thẩm còn phải tiến hành tố tụng trong việc nhận đơn kháng cáo và các hành vi tố tụng khác trong ký, cấp, tống đạt bản án. Cho nên thẩm phán xét xử sơ thẩm hình sự chỉ hoàn tất hoạt động tố tụng khi nào xong thủ tục kháng cáo và đã chuyển hồ sơ vụ án lên tòa phúc thẩm; hoặc khi án sơ thẩm có hiệu lực do bị cáo, người tham gia tố tụng khác không kháng cáo và Viện kiểm sát không kháng nghị. Tức là, khi mới tuyên đọc xong bản án tại phiên tòa, thẩm phán xét xử sơ thẩm chưa kết thúc công việc tiến hành tố tụng.
Tiến trình tòa vẫn đang trong khung pháp lý như thế, mà ông thẩm phán vẫn thản nhiên xuống bắt tay bị cáo như thể ủy lạo cải tạo cho tốt. Ông ta còn nói: “tuyên án xong là xong” (5), khiến công luận chưng hửng. Thế là thế nào? Một phiên tòa xử kín như thế đã nói lên bao điều khuất tất, che giấu và cả vú lấp miệng nhân dân; nay lại còn diễn tuồng bắt tay, vỗ vai chú chú, anh anh và những lời chống chế cưỡng từ đoạt lý quá lộ liễu từ một thẩm phán chủ tọa phiên tòa vậy đấy. Đủ để người nghe trong và ngoài nước hiểu thêm một trong 3 cái tam quyền phân lập do đcsVN dựng nên, vận hành ngông nghênh như vậy đấy.
– Rồi hình ảnh một thẩm phán khoác trên người chiếc áo công vụ (chứ không phải thường phục nhé) mà tiếp xúc tình riêng với bị cáo. Thẩm phán khi xét xử phải mặc áo công vụ có tính lễ nghi, luật pháp muốn tạo ra tính nghiêm minh trong tòa án, chứ không phải là buổi trình diễn cho có hoặc múa may quay cuồng theo kiểu tuồng hài. Nó thuộc về nguyên tắc “Công lý hình thức”. Mang chiếc áo công vụ là để xử án, không được phép mang nó trong ứng xử khác, kể cả trong buổi làm việc khác thuộc phạm vi giải quyết vụ án như lấy lời khai, chủ trì đối chất…
Người thi hành luật, ban hành án lệnh, xét xử trong tòa án… mà nhận thức về luật kém cỏi như vậy, toàn sai những lỗi cơ bản như kể trên, thì thử hỏi những vụ án ở VN hiện nay có được bao nhiêu vụ án được kể là công, chính, liêm, minh, chí công vô tư? Hay chỉ rặt mỗi kiểu rừng rú, luật pháp chỉ là hình thức cho có, tòa xử sao tùy theo ý đảng?
Dân đen chỉ có ăn cắp vặt, vi phạm mấy điều luật nho nhỏ lại bị thổi phồng lên để áp đặt những mức án trên trời. Chẳng hạn, người dân trộm con vịt về nhậu lãnh 7 năm tù giam (6). Quan chức đảng viên như em Lê Thanh Hải, Lê Tấn Hùng tham ô hơn 13 tỷ đồng chỉ bị kỷ luật từ khiển trách lên cảnh cáo (7).
Hai thiếu niên đói quá lấy trộm mấy ổ bánh mì, trị giá 45 ngàn đồng VN, lãnh mức án 8 – 10 tháng tù (8); Tất Thành Cang, ủy viên ban chấp hành trung ương đcsVN khóa XII, đã phù phép bán 32,4 ha đất công ở Phước Kiển (Nhà Bè) có giá thị trường hơn 2 ngàn 4 trăm tỷ đồng VN. Ông này đã nhón nhẹ sang tay “mẩu đất” này cho đàn em với giá chỉ vỏn vẹn 419 tỷ đồng VN, cùng hàng loạt sai phạm ngàn tỷ khác. Hình phạt cho quan tham này là “phê bình” vì “hết thời hiệu” (9).
Đấy hẳn là tính chất cả bi lẫn hài. Không có chánh chỉ có tà. Thể hiện sự nhất quán trong hệ thống độc tài dưới sự giám sát, chi phối của đcs ở ngay tòa án VN hiện nay. Lúc ngồi xử các tù nhân lương tâm, các vụ án dân bị cướp đất oan ức, những anh chị em đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ, hoặc chống sự bành trướng của Trung cộng… Các thẩm phán chủ tọa phiên tòa đều xem họ như kẻ thù, tuyên cáo những bản án khắc nghiệt nhất có thể. Chả có chuyện thể hiện tình người nồng ấm. Cho dù tội danh của những con người anh hùng đó chỉ là đom đóm so với ánh lửa tham tàn của cả đám cháy rừng cắn nuốt, xà xẻo tài sản công từ các đảng viên.
Chắc chắn rằng trong hệ thống độc tài của đcs, mọi đảng viên đều quá biết nhau, đã từng ngồi ủng hộ nhau chia chác ghế này chức nọ, cài cắm phe ta phe mình vào những chiếc ghế có thể tương hỗ nhau khi cần. Lẽ dĩ nhiên, sẽ có những chia chác, đi cửa hậu, san sẻ các món lợi khổng lồ từ tài sản quốc gia. Nó diễn tả tội danh chiếm đoạt bí mật Nhà nước mà ông Chung bị cáo buộc. Nhưng đây chỉ là cái cớ để lấp liếm và giảm nhẹ hình phạt hơn các tội khác. Ở nhiều nước trên thế giới, tội chiếm đoạt và làm lộ bí mật Nhà nước đều bị khép vào thứ tội phản bội tổ quốc, không dễ bị bỏ qua.
Trong các chế độ độc tài, do việc sát nhập giữa đảng với nhà nước, đảng cầm quyền loại trừ mọi giá trị dân chủ, để trở thành một tổ chức độc quyền quân sự và công an trị, giải quyết mọi mâu thuẫn bằng sức mạnh đàn áp. Vì là độc đảng nên trong đảng không hề có tranh luận, bàn bạc chính trị, nguyện vọng công khai, mà chỉ có sự thống nhất mù quáng, sự phục tùng đồng loạt câm lặng. Đảng viên ở bất cứ chức vụ nào đều làm theo chỉ đạo nhất quán từ trung ương, chỉ có cúi đầu vâng lệnh, cấm cãi.
Nó lý giải cho việc đảng cầm quyền trở thành một thứ hội gồm những kẻ cùng chung ý nghĩ từ đảng trưởng, vâng nghe cùng một tư duy; các đảng viên không dám có suy nghĩ nghịch lại ý đảng, vì sẽ bị liệt vào các nhóm chống đối, xét lại, đòi đổi mới, vốn là kẻ thù của đảng độc tài. Trong đảng là thế. Riêng người dân, nếu khó bảo, đảng sẽ trừng trị, sẽ xử lý dân bằng những ngược đãi, nhà tù và án tử hình.
Nó cũng lý giải cho lý do vì sao dân đen phạm tội bị xử án cực kỳ nghiêm khắc, trong lúc đảng viên xộ khám lại được xử tội hết sức nhẹ nhàng. Nó vừa thể hiện uy quyền của đảng; vừa thành động lực cho những kẻ cơ hội vào đảng để có đường thăng tiến và được bao bọc trong vòng tay đcs; vừa dành cho đảng viên cơ hội tham gia hệ thống đảng trị lũng đoạn, hút kiệt sức dân và tài nguyên đất nước.
Và người dân có quyền nghi ngờ hành động “đồng cảm” của ông thẩm phán Trương Việt Toàn với bị cáo Nguyễn Đức Chung. Đàng sau hành vi này phải có điều khả nghi nào đấy, chứ không hề có chuyện xử kín mà vẫn khách quan, minh bạch, nhân văn như báo đảng quảng cáo. Tòa án VN luôn nhẹ tay với đảng viên và cực kỳ nặng tay đối với người dân. “Đốt lò không có vùng cấm” xem ra chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền.
Tư liệu tham khảo:
(1) https://vtc.vn/bat-tay-bi-cao-nguyen-duc-chung-tham-phan-truong-viet-toan-noi-gi-ar585192.html
(2) https://vtc.vn/chu-toa-phien-toa-xet-xu-ong-nguyen-duc-chung-chung-toi-thay-rat-xot-xa-ar585095.html
(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-to-chuc-Toa-an-nhan-dan-2014-259724.aspx
(7) https://tuoitre.vn/ong-le-tan-hung-bi-ky-luat-canh-cao-ve-mat-dang-20190111191330928.htm
(8) https://kenh14.vn/toa-tuyen-phat-hai-thanh-nien-cuop-banh-mi-8-10-thang-tu-20160719235355685.chn
(9) https://dantri.com.vn/xa-hoi/sai-pham-vu-thu-thiem-het-thoi-hieu-ong-tat-thanh-cang-chi-bi-phe-binh-20200807181318916.htm