Dân Trần (VNTB)
Sau những lời hô hào kêu gọi cắt giảm biên chế của Tô Lâm thì rất nhiều vấn đề lộ ra cho thấy chuyện cắt giảm này sẽ không thể giúp CSVN thu hút nhân tài, xây dựng bộ máy “tinh gọn, trong sạch” được.
Trước nhất là việc tuyển dụng nhân sự ngay từ đầu đã bất minh. Người có năng lực thật, có thể lọt qua khe cửa hẹp của các kỳ thi tuyển công chức không nhiều, nhưng họ là lực lượng chính để gồng gánh khối lượng công việc khổng lồ cho cơ quan nhà nước. Mà họ cũng chính là những người có nguy cơ bị cắt giảm do không cạnh tranh lại với những “quan chức có thế thực khác”.
Thế lực khác ở đây là những cán bộ được đưa vào bộ máy nhà nước bằng tiền, mối quan hệ bà con, họ hàng, hoặc mối quan hệ bạn bè, thân hữu. Nhóm này hiện nay chiếm đa số trong bộ máy hành chính CSVN, từ trung ương tới địa phương. Có những phòng, sở cấp huyện, tỉnh mà chỉ toàn người nhà, bà con thân thuộc làm việc không khác gì đại gia đình bên trong cơ quan nhà nước.
Chẳng hạn gia đình Triệu Tài Vinh ở Hà Giang, gia đình Nguyễn Nhân Chiến ở Bắc Ninh. Hoặc ngay cả Tổng bí thư Tô Lâm cũng nổi tiếng với việc đưa hàng loạt thân tín đồng hương Hưng Yên vào bộ Công an và Trung ương đảng. Người đứng đầu bộ chính trị lại lũng đoạn hệ thống chính trị như vậy thì còn gì để tin về chuyện tinh gọn?
Hơn nữa, chuyện cắt giảm biên chế sẽ là do người đứng đầu cơ quan quyết định chuyện giữ lại ai và cho ai thôi việc. Chuyện này lại càng dẫn tới nhiều “tiêu cực”, tham nhũng hơn. Vì chính những người đứng đầu đó đã đưa người thân của họ vào cơ quan nhà nước, hoặc nhận tiền để bán ghế; thì làm sao họ có thể cho thôi việc những người họ đã đưa vô?
Thậm chí việc cắt giảm sẽ càng giúp những tham quan có cơ hội làm giàu, khi ghế thì ít, người muốn ngồi lại thì nhiều, giá ghế chắc chắn phải tăng, ai muốn ở lại thì phải chung chi đậm hơn. Ngoài ra cũng sẽ có những kẻ lợi dụng việc cắt giảm để “thanh lý” những đối thủ chính trị, giữ lại thân tín, xây chắc thế lực của mình.
Những ngày qua cũng xuất hiện một số đề xuất của các chuyên gia về những cách cắt giảm biên chế. Người thì kêu gọi “tự nguyện ra khỏi bộ máy”, người thì kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm, người thì đề nghị bốc thăm ngẫu nhiên, người thì muốn tổ chức thi sát hạch lại toàn bộ hệ thống, người lại yêu cầu dựa vào kết quả đánh giá cán bộ viên chức trong những năm gần đây.
Thế nhưng cách nào cũng có vấn đề. Trừ khi bị lộ ra vụ án gì đó như Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ thì mới có chuyện nộp đơn xin thôi chức. Chứ những kẻ đã mua ghế, nhờ vả người thân để vào nhà nước rồi thì làm sao tự nguyện rút ra? Còn việc bỏ phiếu tín nhiệm rõ ràng chỉ là trò hề, khi mà cả cơ quan đều là người nhà của nhau thì làm gì có chuyện họ tín nhiệm người ngoài, lá phiếu đó có khi lại là cách để loại bỏ hết nhân tài có thực lực.
Nếu làm theo cách bốc thăm ngẫu nhiên, hên xui may rủi thì lại càng chứng tỏ việc cắt giảm cũng chỉ là “trò đỏ đen”, hoàn toàn không có ý nghĩa tinh gọn giữ lại nhân tài. Cũng cần phải nói thêm là lá thăm cũng có thể được sắp xếp, đánh tráo, chẳng có gì là minh bạch ở đây!
Đề xuất thi sát hạch lại toàn bộ thì cũng chỉ tốn thêm ngân sách, kỳ thi cũng do đảng cộng sản tổ chức, người ra đề cũng là họ, người chấm thi cũng là họ, người thi cũng là người thân của họ. Tổ chức thi cử rầm rộ cho dân xem, chứ bên trong vẫn “chạy điểm”, mua đề, bản chất vẫn là vậy.
Trường hợp dựa vào kết quả đánh giá cán bộ viên chức trong những năm gần đây thì lại đặt câu hỏi “ai là người đánh giá”? Cũng cái hệ thống quan liêu đó quản lý mọi thứ thì lấy đâu ra công bằng.
Muốn thật sự tinh gọn thì phải có dân chủ, người dân bầu chọn lãnh đạo bằng lá phiếu trung thực. Dĩ nhiên là phải có tam quyền phân lập rõ ràng và phải có đa đảng để cạnh tranh, kiểm soát lẫn nhau. Chỉ như vậy thì những thành phần bất tài, quan liêu mới bị loại bỏ, những tinh hoa, tâm huyết mới có cơ hội cống hiến cho đất nước.
Còn nhà nước độc tài mà nói chuyện tinh gọn thì chỉ là mị dân, thanh ý môn hộ, đấu đá chia phe chia phái…