Châu Nam Việt (VNTB)
Cứ mưa là sạt là chết, những người sống bằng tiền thuế của dân phải có trách nhiệm đề ra những phương án, tính toán về ngắn hạn, trung hạn, dài hạn như thế nào.
Chưa năm nào Việt Nam có nhiều vụ sạt lở như năm nay, không cần bão hay áp thấp nhiệt đới, chỉ cần mưa lớn là sạt đất và có người mất tích, thương vong. Như ngày 29/9, một cơn mưa lớn ở Hà Giang đã gây lũ quét, sạt lở đất khiến 5 người chết và mất tích, 6 người bị thương, 9 căn nhà bị sập hoàn toàn, 30 căn khác bị hư hỏng; 24,05 ha lúa bị hư hỏng; 128 con gia súc, gia cầm bị chết, 4,15 ha thủy sản mất trắng. (1)
Trước đó là những vụ sạt lở khủng khiếp ở thôn Làng Nủ, thôn Nậm Tông (Lào Cai). Theo dự báo thì trong ngày 30/9, 1/10 vẫn tiếp tục có mưa vừa và mưa rất to tại 7 tỉnh vùng núi phía bắc. Kèm theo đó chắc chắn là nguy cơ xảy ra lũ và sạt lở đất.
Cách ứng phó mà nhà nước đưa ra thì cũng chỉ chung chung và hầu như là quy trách nhiệm cho người dân. Chẳng hạn như: “Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất… Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí an toàn hơn”. (2)
Mưa bão không phải chỉ vài ngày tới rồi thôi, mà mưa bão diễn ra hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Những phương án tức thời, cấp bách chỉ giải quyết được tình trạng trước mắt, thậm chí cũng không chắc là có thể cảnh giác được không hay là tới khi chuyện đã rồi thì phải đi tìm thi thể người thân. Hoặc cho dù có cảnh giác được, thì chẳng lẽ cứ mỗi mùa mưa tới là phải sống trong hồi hộp, căng thẳng.
Chuyện không chỉ là khi có sạt lở chôn vùi cả căn nhà. Những căn nhà không sập, chỉ bị nứt, thì phải xử lý như thế nào. Nhà nước không hỗ trợ tiền để dọn đi, ở lại thì ngày nào cũng nơm nớp lo sợ. Ăn không ngon ngủ không yên thì làm sao tính chuyện giàu có, hạnh phúc?
Từ đó vấn đề đặt ra là trách nhiệm của nhà nước, những người sống bằng tiền thuế của dân phải có những phương án, tính toán về ngắn hạn, trung hạn, dài hạn như thế nào. Bây giờ rừng thì đã phá, muốn trồng lại thì phải có kế hoạch trăm năm mới có những khu rừng đầy đủ các tầng cây, rễ ăn sâu vào đất để dẫn nước thấm xuống các mạch nước ngầm. Trồng rừng lại từ đầu là việc phải làm, nhưng cần thời gian.
Vậy trung hạn là phải tìm cách thoát nước mỗi khi mùa mưa tới. Phương án không phải không có. Ví dụ ở Tây Bắc, có những ngọn đồi ruộng bậc thang người dân phá rừng để trồng lúa nhiều đời qua vẫn không bị sạt lở. Vậy tức là chỉ cần tìm cách thoát nước cho những quả đồi trọc, như thế nào để nước không tạo thành dòng lũ. Thuê chuyên gia, các nhà khoa học tư vấn là sẽ có cách chứ không phải là bế tắc.
Còn trước mắt, nhà nước phải dùng tiền thuế của dân hiệu quả, các khoản quyên góp phải dùng đúng nơi, đúng chỗ. Đặc biệt là xây dựng các khu tái định cư, dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao. Dù sẽ tốn nhiều tiền, nhưng không thể không làm.
Cùng với đó là phải tính toán phá bỏ bớt các đập thuỷ điện, nguyên nhân chính gây ra động đất, phá vỡ kết cấu địa hình. Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng để chuyển sang đầu tư điện mặt trời, điện gió thì tại sao cứ dồn tiền vào việc phá rừng xây đập rồi cứ mỗi mùa mưa về là lại xả lũ?!
____________________
Tham khảo:
(1) https://thanhnien.vn/mien-bac-mua-lon-5-nguoi-chet-va-mat-tich-o-ha-giang-185240929224914473.htm