Trần Hiếu Chân
“Chưa bao giờ đất nước ta có được… uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”. Tuyên bố nằm lòng và quen thuộc ấy của Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng trúng phóc khi người dân cả nước những ngày này ‘tin tưởng, hồ hởi và phấn khởi’, đang theo dõi phiên tòa xét xử vụ gian lận tài chính lớn nhất nước, được bắt đầu vào ngày 5/3 và dự kiến kéo dài cho đến 29/4.
Theo Reuters, nếu các cáo buộc được chứng minh là đúng, đây có thể là một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất châu Á. Vì vụ bê bối tham nhũng đình đám 1MDB (1Malaysia Development Bhd) của Malaysia năm nào cũng chỉ liên quan đến khoảng 4,5 tỷ USD, còn vụ này trị giá trên 12 tỷ USD, chiếm khoảng 3% GDP Việt Nam. Phiên tòa xử nữ Chủ tịch của Tập đoàn phát triển bất động sản Vạn Thịnh Phát (Van Thinh Phat Holdings Group) Trương Mỹ Lan chưa từng có tiền lệ về quy mô, tầm mức gây hại, với hàng ngàn người bị / được triệu tập và khoảng hơn hai trăm luật sư tham gia tố tụng (1).
Mà không chỉ lớn nhất châu Á, việc xử một phụ nữ ngày nào còn bán vải ở chợ An Đông (TP. Sài Gòn) chắc hẳn sẽ được xếp vào một trong những vụ án lừa đảo tài chính lớn nhất thế giới, có thể ‘sánh vai’ cùng những Enron, Madoff và Barings ở Mỹ… (2). Nhưng Van Thinh Phat Holdings Group còn ‘trên tài’ các ‘siêu lừa thế kỷ’ trên đất Mỹ ở chỗ, các bậc đàn anh kia bị các cơ quan công quyền phát hiện ngay trong một thời gian ngắn. Còn cô gái người Việt gốc Hoa từ chợ An Đông, chỉ mới tốt nghiệp trung học ngày nào, đã nhanh chóng mọc đủ nanh vuốt để khuynh đảo thương trường và chính trường trong cả nước suốt gần hai chục năm trời. Mà quá trình khuynh đảo ấy lại diễn ra dưới con mắt giám sát và theo dõi chặt chẽ của guồng máy công an khét tiếng trong chế độ toàn trị. Mọi nhất cử nhất động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, không thể nào lọt qua cặp mắt nghiệp vụ của ‘các đồng chí an ninh’. Mạng lưới ‘điệp ngầm’ ở Việt Nam ‘nằm vùng’ trong mọi cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong hệ thống ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại là dày đặc, thậm chí họ còn theo dõi lẫn nhau. Vậy sao lại để ‘con lạc đà Vạn Thịnh Phát chui lọt qua được lỗ kim’ như thế?
Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ còn xử vụ này trong vòng 60 ngày, nhưng chỉ mới sau ngày đầu tiên, hôm 6/3/2024, Bí thư thành ủy Sài Gòn Nguyễn Văn Nên đã vội vã đưa ra lời cảnh báo, rằng đây là một vụ án lớn… có yếu tố nước ngoài. Rồi ông Nên kêu gọi mọi người phải kịp thời phát hiện, phòng ngừa âm mưu phá hoại, vì liên quan đến rất nhiều người dân, trên 30.000 người (3).
Không rõ, ông Bí thư sợ cái gì từ những người dân tay không, theo dõi vụ án mà công an và mật vụ canh gác nghiêm ngặt cả vòng trong lẫn vòng ngoài? Tại sao suốt cả chục năm trời, ông không thấy sợ và không ‘nêu cao cảnh giác’ với chính những kẻ trong Đảng của ông từng ‘nuôi án’ từ thời Vạn Thịnh Phát ‘phất lên như diều gặp gió’? Chắc chắn là ông chả lạ lẫm gì những kẻ giấu mặt này, nhưng tại sao ông không giúp Đảng xử lý được chúng? Một số kẻ trong đường dây mafia này, như ông biết, hiện vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, kể cả một vài ‘hung thần trùm cuối’ của vụ án, mà người dân Sài thành cũng như người dân trong cả nước, ai cũng có thể vạch mặt chỉ tên! Chả nhẽ dân thường biết mà ông Bí thư không biết? Hay ông biết nhưng đành thúc thủ?
Nói người dân ‘tin tưởng, hồ hởi và phấn khởi’ theo dõi phiên tòa chẳng qua là người viết chú ý tới cái ‘tâm lý đám đông’ thôi, thưa đồng chí Bí thư Nguyễn Văn Nên. Dân bây giờ giác ngộ lắm. Hình như chính TBT Nguyễn Phú Trọng cũng có lần đã phải thừa nhận thế. Người dân họ biết tuốt. Họ biết, có thể không chính xác đúng như con số thống kê, từ khi ông Trọng trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (4). Quả thực đây là một thành tích ‘vĩ đại’ của công cuộc ‘đốt lò’. Nhưng tại sao thành tích lớn như vậy nhưng ‘chủ lò’ vẫn băn khoăn tự hỏi: ‘Chúng ta đã quyết liệt xử lý cán bộ, vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn… Có phải do cán bộ không biết sợ?
Không phải đâu, thưa ngài Tổng bí thư! Chính vì sợ nên Trương Mỹ Lan đã tung nhiều chiêu khá độc. Thị đã từng nhờ Dương Chí Dũng chuyển lên Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ một triệu USD ‘để bôi trơn’ (5). Nhưng dù có mánh lới và quỷ quyệt đến mấy thì Trương Mỹ Lan và đồng phạm cũng chưa thể là đối thủ của hệ thống ‘chuyên chính hữu sản’ trên đất nước này. Vậy tại sao bà Trương Mỹ Lan lại có thể tự tung tự tác để thâu tóm tiền bạc trái pháp luật suốt bao nhiêu năm trời, công khai trước bộ máy công an và chính quyền? FB Võ Xuân Sơn đã đưa ra câu trả lời chính xác. Đó là do cái định chế của nhà nước này sinh ra vốn để kiểm soát bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn đã thoái hóa, thối nát đến cùng cực. Nguyên một đoàn thanh tra gồm các thành viên Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, các thành viên của Kiểm toán Nhà nước, các thành viên của Thanh tra Chính phủ, các thành viên của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, và hàng loạt cán bộ cao cấp của Ngân hàng Nhà nước… Tất cả đều nhận hối lộ và đều đồng ý ký vào các Biên bản thanh tra, để bao che cho sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và ngân hàng SCB (6). Vậy thì liệu sau gần hai tháng xử, các ông có chắc, Tòa TP. Hồ Chí Minh sẽ bóc tách được mọi đầu mối của đường dây mafia này không?
Người viết bài này không tin rằng sau 60 ngày, Tòa án TP. Hồ Chí Minh sẽ trả lời được những câu hỏi hóc búa nêu trên. Bởi vì, như đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) mới đây vừa phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội, các vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt cũng như số lượng tiền bị chiếm dụng trong vụ Vạn Thịnh Phát là nhiều nhất từ trước đến nay, nhưng ‘tất cả cũng chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, vẫn còn những tảng băng khác chưa bị vỡ’. Phát biểu của vị đại biểu này đặt ra vấn đề, sau khi cắt ‘đỉnh tảng băng’, ai sẽ là người đủ thẩm quyền để xử tiếp ‘phần chìm bên dưới những tảng băng khác chưa vỡ’? (7). Hơn nữa, số tiền bà Lan chiếm đoạt ‘khủng’ tới mức nếu quy đổi ra tiền 500 nghìn đồng thì nó nặng tới 68 tấn và khi trải ra thì có thể dài tới 10.366 cây số. Khối lượng tiền tương đương với tổng tài sản của năm đại gia giàu nhất Việt Nam hiện nay, lên đến khoảng từ 12 đến 13 tỷ USD (8). Lại nữa, chồng bà Mỹ Lan là ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee, 68 tuổi), mang hộ chiếu Hong Kong (Trung Quốc). Vậy thì với ‘yếu tố nước ngoài’ này, hàng chục tỷ USD ‘thụt két’ hiện đang nằm ở đâu? Vẫn còn ở trong hay đã được chuyển ra ngoài Việt Nam?
Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, từ Vạn Thịnh Phát nhìn lại các đại án tham nhũng chấn động mấy năm trở lại đây, đại chúng có thể thấy một mẫu số chung khá khôi hài. Chia sẻ với nick name @trunghieuphan554 trên một YouTube: ‘Các quan lớn, quan nhỏ cứ tham nhũng vô tư, nếu bị phát hiện thì trả lại ‘một mớ’ là án được giảm nhẹ. Sau khi đem tiền nộp tại Tòa xong thì tiếp đến ‘màn’ khóc lóc kể khổ, kể hoàn cảnh gia đình, kể công trạng đóng góp cho cách mạng, trưng ra các bằng khen, giấy khen, các loại huân huy chương… Mà những công trạng này vốn đã được ghi nhận, đã được tưởng thưởng trước đây thông qua nâng lương, hay phong cấp phong hàm. Nay ra tòa còn đòi được ghi nhận tiếp các công trạng ấy để giảm án’ (9). Giảm vì thành tích gì? Chẳng nhẽ vì thành tích ‘tham nhũng xuất sắc’? Chống tham nhũng kiểu ‘‘Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín’ như thế thì khác nào khuyến khích các đại quan cứ tha hồ đục khoét (10). Người dân có quyền đặt vấn đề, phải chăng hàng trăm tập đoàn, hàng ngàn công ty ngoài kia đang vận hành có khác gì những kẻ đứng trước ‘vành móng ngựa’, nhưng chẳng qua họ biết ‘ăn chia đúng và đủ’ cho các ‘đồng chí đang mai phục trong đống rơm’ nên vẫn tha hồ bòn rút tài sản công và tiền thuế của dân một cách vô tội vạ?
Tham khảo: