Cơ chế mới & kinh nghiệm, mới giúp nông dân “ra biển lớn”

- Quảng Cáo -

RFA

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Lê Minh Hoan trong những ngày đầu năm Giáp Thìn phát biểu rằng nông dân phải thay đổi cách làm, liên kết doanh nghiệp để ra biển lớn, không nên chỉ tự hào vào kinh nghiệm. Thế nhưng trong thực tế từ chuyên gia nông nghiệp đến người nông dân đều cho rằng, lãnh đạo Chính phủ cứ hô hào mà chưa thấy cơ chế nào rõ ràng giúp nông dân bước ra khỏi “mảnh ruộng” của mình.

Thực tế không sáng sủa

Một người làm nghề nông ở Hậu Giang không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói với RFA hôm 14/2/2024:

- Quảng Cáo -

“Nói chung Nhà nước cũng giúp, nhưng nhỏ giọt thôi, còn để cho nông dân tự sản xuất. Tôi thấy người nông dân tự làm thì chất lượng hơn, còn cái gì của Nhà nước cũng không đạt. Người ta tự làm từ mấy chục năm trước đến giờ. Như năm nay dưa hấu, bông ế nhệ hết trơn mà Nhà nước có giúp gì đâu”.

Với ý tưởng liên kết nông dân qua hợp tác xã trong thời kỳ trước đây, người nông dân này cho biết ý kiến:

“Vô hợp tác xã thì chết thôi, như tôi hồi năm 1979 vô tập đoàn làm cho đã, rốt cuộc họ ghi công điểm gì đó, mà có đưa đồng bạc nào đâu… Tới 10 năm sau, năm 1989 họ bãi trào họ hốt đi hết, tôi thì đói thôi”.

Nói chung nhà nước cũng giúp, nhưng nhỏ giọt thôi, còn để cho nông dân tự sản xuất. Người ta tự làm từ mấy chục năm trước đến giờ. Như năm nay dưa hấu, bông ế nhệ hết trơn mà nhà nước có giúp gì đâu.
-Nông dân

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, Hiệu trưởng trường Đại học An Giang hôm 14/2/2024 nhận định với RFA về các mục tiêu của Chính phủ thời gian qua:

“Nói chung Chính phủ nói nhiều, nhưng cơ chế để áp dụng những kỹ thuật mới hơn, hoặc những cách làm mới hiện bây giờ cũng chưa rõ lắm. Tức là không có cơ chế. Ví dụ như nói hợp tác với nông dân thì phải làm sao để nông dân không làm cái lẻ mà phải là một người nông dân lớn có 2.500 héc-ta. Như thế thì nông dân phải hợp tác lại với nhau, kết hợp với nhau thành hợp tác xã, từ đó huấn luyện họ để làm theo quy trình mới, sản xuất đảm bảo giá thành hạ”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân nói thêm, dù người nông dân có gắn kết với nhau thì việc bán sản phẩm cho ai để đạt hiệu quả cũng chưa rõ ràng. Bởi lẽ, thực tế, Việt Nam có nhiều thương lái, nhưng những thương lái này không nghĩ đến việc tập hợp lại để cùng thu mua một hướng, theo hướng dẫn của Nhà nước đã quy định… Do đó, tuy Chính phủ nói “phải hợp tác với doanh nghiệp”, nhưng nông dân vẫn ai muốn làm gì thì lại tự làm:

“Cách làm mới thì ở Việt Nam gần như là rất ít hay gần như là chưa có nông dân làm. Cho nên tôi hy vọng trong chương trình một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, sẽ có đủ cơ chế để tổ chức sản xuất theo mô hình mới”.

Kinh nghiệm luôn cần thiết

Còn nói về kinh nghiệm của người nông dân có quan trọng hay không, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, vẫn rất quan trọng:

“Đầu tiên phải tìm hiểu kinh nghiệm của người nông dân. Bởi vì tại đó người ta làm từ thời ông bà tới giờ, nay người ta còn giữ những kinh nghiệm. Mình phải học mấy cái kinh nghiệm đó, đầu tiên mình coi kinh nghiệm nào mà chưa được đổi mới, thì mình trao đổi với nông dân để thử cách làm mới hơn. Đúng ra mình phải gặp người nông dân và không được nói họ dốt, mà phải kính trọng kinh nghiệm của người nông dân”.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, từ kinh nghiệm của người nông dân, cộng với kiến thức và kỹ năng mới có thể cải tiến để nâng cao kỹ năng của người nông dân, để có thể giúp người nông dân canh tác với một phương pháp mới, có thể hạ được giá thành cho bà con nông dân.

Liên quan đến việc liên kết nông dân, Ông Lê Minh Hoan vào năm 2022 từng nói ‘hợp tác xã đóng vai trò đặc biệt trong việc phát triển nông nghiệp Việt Nam’. Và, mọi người cần hướng tới. Vì khi vận hành hợp tác xã, không chỉ đóng vai trò trung gian mà phải tham gia vào chuỗi giá trị của một ngành, một vùng nông sản…

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA vào thời điểm đó, từ Hà Nội, cho rằng:

“Tôi ủng hộ ý tưởng hợp tác xã, và là một hình thức liên kết tự nguyện, hợp lý, có hiệu quả để tiến lên sản xuất lớn… Đối với các hộ nông dân nghèo thì tiến lên sản xuất lớn bằng cách gia tăng đầu tư và mua thêm đất đai là điều không tưởng. Vì vậy cho nên phải ủng hộ việc đổi mới hợp tác xã, và tôi hy vọng là ông Lê Minh Hoan, ông Bộ trưởng mới, có thể tìm ra một mô hình hợp tác xã thuận lợi để thu hút người nông dân. Tôi không nghĩ rằng ông Bộ trưởng sẽ lập lại cái mô hình hợp tác xã cũ đã bị phá sản trước đây”./.

- Quảng Cáo -