Kết nối với ‘Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở’ (FOIP), theo cách là một “thành viên theo sát’ trong không gian của ‘Bộ Tứ’, đất nước chắc chắn sẽ có thêm nguồn lực trong cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hoàng Sa – Trường Sa: Hiện tại và tương lai
Hiếm có những ngày nào như trong tuần qua, tinh thần Hoàng Sa bất tử được thể hiện mạnh mẽ và rộng khắp ngoài giải đất hình chữ S, nhưng lại bị đè bẹp và trấn áp trên toàn cõi Việt Nam. Đã không có bất cứ một hoạt động tưởng niệm chính thức mang tính quốc gia nào, không có cả những cuộc dâng hương tập thể như một số năm lẻ trước đây. Trái khoáy hơn, ngày 18/1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lại đến tận toà Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội để kỷ niệm 74 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung. Trong hoàn cảnh trớ trêu và ngặt nghèo ấy, 6 tổ chức Xã hội Dân sự (XHDS) đã ra Tuyên bố về 50 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm (1). Các tổ chức XHDS yêu cầu chính quyền cộng sản ghi sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) 50 năm trước vào lịch sử dân tộc, đồng thời hoàn thành xây dựng Đài Tưởng niệm sự kiện này. Bàn tuyên bố được công khai trước ngày tưởng niệm cuộc hải chiến, trong đó 74 quân nhân VNCH đã ‘vị quốc vong thân’. Các quân nhân này, cả lính lẫn sĩ quan sẽ mãi mãi đi vào lịch sử bi tráng của dân tộc Việt, cũng tương tự như tên tuổi của 64 chiến sĩ và sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh 15 năm sau, vào ngày 13/4/1988, khi bảo vệ Gạc Ma bị Trung Quốc cưỡng chiếm dã man.
Điều day dứt hiện nay là Nhà nước cộng sản chưa bao giờ thừa nhận sự hy sinh của 74 quân nhân VNCH một cách chính thức. Ngược lại, khi người dân trong nước tổ chức tưởng niệm, thì chính quyền lại cho Công an sách nhiễu, đàn áp, thậm chí bắt giam. Ông Lê Thân, một cựu tù nhân Côn Đảo, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một trong 6 tổ chức đứng tên trong Tuyên bố ngày 15/1 cho rằng, Hà Nội nên đối xử bình đẳng với tất cả những người đã ngã xuống trong mọi cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhà nước cần vinh danh những người lính tử trận ở Hoàng Sa, Gạc Ma (Trường Sa), cũng như các liệt sỹ chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, ngày 17/2/1979 (2). Những ngày qua, trên nhiều châu lục, từ Mỹ qua Úc, từ Á qua Âu, cộng đồng người Việt xa xứ đã có nhiều hoạt động về sự kiện 50 năm mất Hoàng Sa. Đặc biệt là cuộc Hội thảo về Hoàng Sa tại Quốc hội Hoa Kỳ ngày 19/1/2024 (3). Một số nhân sĩ trí thức hải ngoại đã góp ý cho chính quyền trong nước. Cụ thể, yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục đấu tranh kiên quyết nhằm đòi lại Hoàng Sa. Cấp thiết nhất, Việt Nam phải có đơn yêu cầu Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS – International Tribunal for the Law of the Sea), xét xử và ra phán quyết, cách tuyên bố áp dụng Luật Biển của Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa là không phù hợp với Luật Biển quốc tế.
Tại Hoa Kỳ, chiều 10/1/2024, Hội đồng Thành phố Westminster (HĐTP), California bỏ phiếu với đa số tuyệt đối, thông qua Bản Tuyên bố 50 Năm Hoàng Sa. Thị trưởng Westminster tuyên đọc nội dung Tuyên Bố, nêu rõ Westminster ghi nhận Việt Nam đã thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ 19 cho đến khi bị Trung Quốc cưỡng đoạt, dẫn đến sự hy sinh của 74 chiến sĩ Quân lực VNCH. Tuyên bố lên án hành động xâm lược và tiếp tục chiếm đóng của Trung Quốc. Văn kiện còn trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng các hành vi bành trướng và tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp của Trung Quốc đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực. Thành phố Westminster là trung tâm Little Saigon, thủ phủ tinh thần của người Việt Tỵ nạn, với hơn 40% dân số là người Việt và là thành phố đầu tiên tại Hoa Kỳ có Thị trưởng và đa số Nghị viên gốc Việt trong HĐTP (4). Vậy là sau Hawaii và California, được biết Florida và một số tiểu bang khác trên đất Mỹ đã/đang chuẩn bị ra Tuyên bố công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa (5).
Biển Đông trong FOIP: Năng lượng và sức mạnh mới
Ngày 20/1/2024, trả lời việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa cách đây 50 năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao từ Hà Nội Phạm Thu Hằng cũng tuyên bố: ‘Như đã nhiều lần nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa….’ Tuyên bố mang tính ‘playback’ này cũng nhấn mạnh: ‘Chân lý, lẽ phải và cơ sở pháp lý đối với chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, bất chấp sự việc có lùi xa bao nhiêu năm’ (6). Một cách khá hiếm hoi là đã dùng đến từ ‘chiếm đoạt’ để mô tả hành động Trung Quốc, nhưng đáng tiếc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao vẫn né tránh đề cập đến VNCH và trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974. Điều này phản ánh phần nào sự bế tắc của Hà Nội trước yêu cầu khách quan phải thừa nhận thực thể VNCH trong lịch sử. Như TS. Nguyễn Nhã từng chỉ rõ, về pháp lý quốc tế cũng như về lịch sử, VNCH là một thực thể chính trị rất hiển nhiên không thể chối cãi. Ngày nay, nhận thức này cần biến thành hành động, khi đất nước đã thống nhất và đang có nhu cầu hòa hợp, hòa giải và đoàn kết dân tộc để phát triển, đấu tranh chống các nguy cơ thuộc quốc hay tụt hậu (7).
Để đẩy mạnh tiến trình “quốc tế hóa” cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển Đông, trong đó có chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, các nhà học giả từ cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đã từng đề xuất, chính quyền Hoa Kỳ và các nước thành viên nên tạo mọi điều kiện để Việt Nam tham gia vào không gian ‘Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở’ (FOIP). Giờ đây là lúc Việt Nam và các nước nên đặt vấn đề an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông như một hình thái an ninh mới xuất hiện. Điều khích lệ đối với người dân Việt Nam là Hoa Kỳ mới đây đã chính thức tuyên bố ‘kề vai sát cánh’ cùng Việt Nam trong sứ mệnh xây dựng “Không gian Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 14/12/2023 tuyên bố: ‘Hoa Kỳ và Việt Nam có chung ý thức về mục đích và tầm nhìn về một khu vực Ấn Thái Dương an toàn, thịnh vượng và cởi mở, trải dài từ sự hợp tác chặt chẽ về di sản chiến tranh và các vấn đề nhân đạo đến an ninh khu vực, thịnh vượng chung, hợp tác sâu sắc hơn trong việc giải quyết các vấn đề khủng hoảng khí hậu, bệnh truyền nhiễm… tăng cường hợp tác hàng hải và chống tội phạm xuyên quốc gia’ (8).
Đặt vấn đề Biển Đông trong không gian FOIP, cuộc đấu tranh trường kỳ của Việt Nam sẽ được tiếp thêm nguồn năng lượng mới và sức mạnh mới. Một mình Việt Nam không thể đối phó được cái gọi là ‘chiến lược vùng xám’ mà Trung Quốc hiện đang áp dụng. Các hoạt động này thường dưới ngưỡng một cuộc xung đột vũ trang và trong hầu hết các trường hợp, thường được làm mờ đi ranh giới giữa các hoạt động quân sự và phi quân sự. Những năm gần đây vẫn còn rất nhiều trường hợp ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, xịt vòi rồng khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đánh giá sự tấn công của Trung Quốc nhằm vào ngư dân Việt Nam nhìn chung vẫn cao. ‘Cả năm 2023, vẫn có tàu chấp pháp Trung Quốc ở Trường Sa, Hoàng Sa xua đuổi tàu ngư dân Việt Nam. Bà con bị cản phá, ngăn trở, có trường hợp đâm va, lên tàu cướp tài sản…’ Không những rủi ro bị Trung Quốc tấn công hay xua đuổi, sinh kế của hàng ngàn ngư dân ở Việt Nam còn bị ảnh hưởng trước lệnh cấm đánh bắt cá thường niên của Trung Quốc tại vùng biển phía bắc vĩ tuyến 12 trở lên, từ ngày 1/5 đến 16/8 hàng năm (9). Riêng hiện trạng này đủ nói lên tính chất vô nghĩa của khẩu hiệu “Hải quân bám bờ, ngư dân bám biển” lâu nay (10).
Sau Cấp cao Trung – Việt cuối năm ngoái, nhiều đánh giá từ giới phân tích cho rằng, ‘ngoại giao cây tre’ của Việt Nam từ nay chỉ còn giá trị như một biển chỉ đường đi đến ‘ngõ cụt’ trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chủ nghĩa đầu hàng trước Bắc Kinh đang mách bảo, ‘Việt Nam còn có nhiều vấn đề về kinh tế, chính trị, chiến lược với Trung Quốc. Cho nên lãnh đạo đều có khó khăn của họ. Mục tiêu quan trọng nhất bây giờ là giữ được đất nước không bị cuốn vào chiến tranh, giữ được hòa bình và tạo ra không gian để phát triển’ (11). Trong khi đó thì Thiếu tướng An ninh Đỗ Lê Chi cho rằng, trước sau gì, một tổ chức an ninh đa phương của khu vực, có tính ràng buộc sẽ phải ra đời và đó chính là lợi ích quốc gia của Việt Nam và chúng ta cần phải sớm tính toán cách thức phù hợp để thúc đẩy nó (12). Chính vì thế, Việt Nam không nên coi việc nghiên cứu khả năng FOIP sẽ tác động đến an ninh trên Biển Đông như một chủ đề húy kỵ, mà cần phải cho truyền thông tiếp cận một cách rộng rãi hơn (13). Bàn thảo lộ trình an ninh dài hạn mà không nhận diện được không gian chiến lược, thì ‘sang nhầm thuyền’ là một nguy cơ. Trung Quốc đang cố lập trục Trung – Nga – Bắc Hàn – Iran… và một số ‘quốc gia bất hảo khác’. Một Việt Nam đang trong thời kỳ ‘chuyển tiếp lãnh đạo’ với nhiều bất ổn về đối nội lẫn đối ngoại, liệu có đủ bản lĩnh và quyết tâm để nâng hệ thống ‘đối tác chiến lược toàn diện’ với tất cả các thành viên trong QUAD (Bộ Tứ) lên quy chế ‘thành viên theo sát’ để có một chiến lược lâu dài và ổn định về Biển Đông?
Tham khảo:
(3) https://viettan.org/ban-tin-viet-tan-tuan-le-15-24-1-2024/
(4) https://viettan.org/ban-tin-viet-tan-tuan-le-15-24-1-2024/
(7) https://tuoitre.vn/thua-nhan-viet-nam-cong-hoa-la-buoc-tien-quan-trong-1372210.htm
(9) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv25yj17gdxo
(12) https://viettimes.vn/viet-nam-dang-co-loi-the-chien-luoc-rat-lon-post138092.html