Giới nhà báo là giới thạo tin. Những tin thâm cung bí sử gì liên quan đến các lãnh đạo hỏi những nhà báo giỏi họ đều biết. Ví dụ thì nhiều; các cuốn sách như Bên Thắng Cuộc của Huy Đức hay Đèn Cù của Trần Đĩnh ngồn ngộn những thông tin thâm cung bí sử.
Giới nhà báo còn có một khả năng nổi trội nữa đó là quan hệ. Làm báo mà không có quan hệ thì không lấy được tin, không viết được báo, coi như bỏ nghề. Quan hệ của nhà báo rộng, từ giới chính khách, cho tới giới doanh nhân, trí thức.
Trong một thể chế như Việt Nam, khi mà không gian luật pháp và quyền lực mờ ảo, vừa có thông tin vừa có quan hệ, lại có quyền lực ở một tờ báo lớn nữa thì chuyện trở nên giàu có không phải là điều gì quá khó.
Khi vừa nắm được tin tức, vừa có quan hệ, lại có tiền, thì nhà báo nghiễm nhiên trở thành một trung tâm quyền lực khi mà nhiều người sẽ chạy tới nhờ vả. Trong đó phải kể đến giới chính khách. Giới chính khách cần vận động để làm đẹp hồ sơ của mình, cần tin tức từ nhà báo để nắm bắt các thông tin thuộc dạng thâm cung bí sử chung của những đối thủ, và giới chính khách thông qua nhà báo để tiếp cận mở rộng các mối quan hệ khác. Nguyễn Công Khế là một người đóng vai trò như vậy. Không chỉ có Khế. Bất cứ ai ở vị trí của Khế cũng sẽ làm công việc như vậy.
Với vai trò là tổng biên tập báo Thanh Niên, một tờ báo lớn ở phía Nam trong một thời gian dài, Khế nghiễm nhiên trở thành một trung tâm thông tin và nối kết quyền lực ở phía Nam. Các chính trị gia như Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, hay giới lãnh đạo ở Sài Gòn đều ít nhiều có mối liên hệ với Khế.
Việc bắt Khế sẽ đem lại nhiều lợi ích cho phe bắt Khế. Thông qua Khế, họ moi được những thông tin có giá trị và từ đó khống chế các chính trị gia phía Nam.
Để ý rằng sức khoẻ của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quá yếu và trước sau gì ông cũng sẽ phải xuống, nhường chiếc ghế tổng bí thư lại cho người kế nhiệm. Nhưng ai sẽ thay thế ông.
Trong Bộ Chính trị, đa phần các thành viên hiện đã ở tuổi xấp xỉ hơn 65. Phạm Minh Chính đã 66 tuổi. Vương Đình Huệ 67 tuổi. Trương Thị Mai 66 tuổi. Trần Cẩm Tú 63 tuổi. Phan Văn Giang 64 tuổi. Tô Lâm 67 tuổi. Nguyễn Văn Nên 67 tuổi. Đinh Tiến Dũng 63 tuổi. Phan Đình Trạc 66 tuổi. Trần Thanh Mẫn 62 tuổi. Nguyễn Xuân Thắng 67 tuổi. Lương Cường 67 tuổi. Trần Tuấn Anh 60 tuổi. Và Võ Văn Thưởng là trẻ nhất mới 54 tuổi.
Với giới hạn tuổi tác, trừ trường hợp ngoại lệ, những người có thể còn ngồi lại Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới có lẽ chỉ còn Võ Văn Thưởng và Trần Tuấn Anh.
Hai người này không có đủ uy tín trong đảng Cộng sản để có thể giữ vị trí tổng bí thư.
Người ta có thể giữ lại một trường hợp ngoại lệ để làm tổng bí thư như ông Nguyễn Phú Trọng đợt vừa rồi nhưng ai sẽ ngồi lại? Phạm Minh Chính và cả Vương Đình Huệ cũng không có đủ uy tín trong Đảng để có thể đảm nhiệm vị trí tổng bí thư.
Vấn đề là phe ở phía Nam với các cựu lãnh đạo Đảng như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, và Nguyễn Minh Triết vẫn còn đó và vẫn còn uy tín trong Đảng. Phe Miền Nam chắc chắn sẽ vận động và can thiệp để viết lại luật chơi trong Đảng.
Việc bắt Khế có nhiệm vụ chính là khai thác thông tin và tìm cách khống chế quyền lực phe phía Nam. Bởi như đã nói Khế là một mắc xích trung tâm quan trọng của phe quyền lực ở đây.
Về mặt hình thức, bên công an bắt Khế thông qua cáo trạng Khế xin miếng đất của nhà nước để xây trụ sở cho báo Thanh Niên nhưng sau đó hợp thức hoá để bán sang tay kiếm lời. Chuyện này đã xảy ra ít nhất là 14 năm vì năm 2008 Nguyễn Công Khế đã nghỉ hưu.
Nếu ông Trọng và những người xung quanh ông thật sự muốn “đốt lò”, muốn diệt tham nhũng và thất thoát thì có lẽ phải khởi tố hết tất cả các quan chức chính phủ từ Bắc tới Nam, bởi vì chỗ nào có dự án bất động sản thì chỗ đó ít nhiều đều có vi phạm. Họ có thể dễ dàng thấy bằng chứng và khởi tố nó đối với những vụ việc diễn ra trong khoảng thời gian vài năm gần đây chứ không phải moi lại một dự án đã diễn ra hơn 14 năm.
Việc phe cộng sản đang nắm quyền cố tình kềm chế quyền lực chính trị của phe Miền Nam nó cho thấy một sự đấu đá quyết liệt bên trong đảng Cộng sản nhằm tranh đoạt vị trí khống chế và lãnh đạo đảng Cộng sản trong thời kỳ mới sau khi ông Trọng rời đi.
Việc một phe nào đó ngay trong đảng Cộng sản cố tình tung tin ông Trọng bị bệnh nặng cũng là một cách làm áp lực dư luận để ông Trọng phải nhanh chóng rời đi chiếc ghế để nhường lại cho họ.