Vì sao người ta lạy [tượng] Phật, lạy “xá lợi”, lạy thánh tích…? Lạy cũng không sao, nhưng phải hiểu ý nghĩa của hành động ấy.
Khi đối trước tượng Phật, một người cúi xuống, thì có nghĩa rằng người đó đang thể hiện lòng tôn kính trước một trí tuệ và nhân cách lớn và đó cũng chính là hành động phát nguyện, rằng từ nay mình sẽ noi theo gương sáng của vị thầy [Phật] ấy mà sống cho tử tế và sáng suốt, ra sức học tập để không đi vào đường mê nữa. Cái lạy ấy đồng như việc quy y (quay về sống với những chân giá trị), là một sự thức nhận sâu xa và quyết tâm mãnh liệt đi theo điều thiện và cái đúng.
Sách vở Phật giáo nói rằng sự cung kính lễ lạy mang lại lợi ích lớn là vì lẽ trên, tức là một khi anh đã xác quyết sẽ sống một đời đức hạnh, tử tế và đúng đắn, ra sức làm những việc lợi mình – lợi người thì anh sẽ có được hạnh phúc, an vui và thành tựu trong cuộc đời. Lý ấy là hiển nhiên, có gì thần bí đâu.
Bây giờ hầu hết lạy lục vì nỗi khiếp sợ thần quyền hoặc cầu mong được ban phước. Các sư tuyên truyền về quyền năng siêu nhiên của các hình tượng, “xá lợi”… để mê hoặc dân chúng – trong khi đáng ra phải nói cho họ hiểu rằng “anh lạy xuống nghĩa là anh phải quyết tâm thay đổi tư tưởng, lời nói, việc làm để tự cứu lấy cuộc đời mình, bằng không sẽ là việc vô ích, thậm chí rơi vào u mê ám độn”. Nhưng đây, họ bảo “lạy xá lợi cũng là thấy Phật, công đức vô lượng”. Xin hỏi, thời Phật còn sống, ông đi khất thực và dạy học khắp nơi suốt mấy chục năm trường, bao nhiêu người trông thấy hàng ngày, rồi thì sao? Ngay một người sống bên cạnh Phật suốt bao nhiêu năm là Đề-bà-đạt-đa, không những không được phước báu gì mà còn ngày càng trở nên xấu xa, đến mức bày mưu hại Phật, huống gì là thấy một sợi tóc??
Giá trị có hay không là phụ thuộc vào việc anh có chịu học và làm cho đúng hay không, chứ không phải ở chỗ thấy rồi lạy như bổ củi suốt ngày.
Việc tuyên truyền mê tín dị đoan và tà thuyết, khiến dân chúng sợ hãi và tin vào để rồi sống dựa dẫm vào những thần linh thần bí, đó là hành vi hủy hoại giáo pháp và kéo lùi dân trí, tạo ra một xã hội trì trệ trong sự dốt nát và bạc nhược. Đất nước và xã hội sẽ không thể phát triển nếu còn dung túng cho sự tuyên truyền sai lạc và những trò lừa dối tồi tệ này.
Thái Hạo