Trong không gian lành lạnh của mùa Giáng sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào Thiên Chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ Chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
Ngày cánh cửa nhà giam khép lại sau lưng anh, Phạm Chí Dũng để lại một khoảng trống thông tin, một khoảng không gian vắng lặng. Không ai còn được nghe những phản biện sắc bén của anh về những sự kiện chính trị xảy ra trong nước. Ngày ấy khởi đầu cho một kỷ nguyên đen tối về quyền tự do biểu đạt ở nước ta. Nó là dấu chấm hết cho cuộc chiến giành thông tin đầy gian nan của anh.
Phạm Chí Dũng đã chia cùng những phóng viên quả cảm trên thế giới cái giá khắc nghiệt của một cuộc chiến không cân sức. Nhà văn Balzac bảo rằng: “Sự tự do về chính trị, sự hòa bình của một quốc gia và chính cả khoa học là những món quà mà định mệnh đánh thuế nặng nề bằng máu!” Dù ta sống ở bất kỳ đâu trên Trái đất này, tự do chưa bao giờ là món quà cho không của Thượng đế.
Đất nước hoà bình thịnh vượng, xã hội văn minh tự do là thứ mà dân tôi cả hai miền Nam-Bắc dù khác biệt chính kiến đã trả bằng máu suốt mấy chục năm để giành cho bằng được. Thế nhưng với cái giá đắt đỏ đó, nửa thế kỷ qua đất nước vẫn chìm đắm, người dân vẫn phải sống với áp bức và một nền tư pháp lạc hậu.
Những vụ bắt bớ vô tội vạ gần đây, từ người mẫu Ngọc Trinh, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cho đến đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã cho thấy hàng rào sắt đang dần khép lại. Bộ Công an, một lực lượng kiêu binh có thể tạo dựng chứng cớ để bắt bớ bất kỳ ai. Một chế độ “công an trị” theo mô hình Stasi ở Đông Berlin đã dần hình thành ở quê nhà. Trách cứ ai đây? Chúng là sản phẩm của thời đại chúng ta.
Trong tiếng chuông ngân của mùa Giáng sinh, tôi bỗng nhớ giọng hát ấm áp của Bruce Springsteen. Nhớ Phạm Chí Dũng, tôi lại nghĩ đến cái ánh sáng nhấp nháy trong ca khúc “Tiếng Chuông Tự Do”(Chimes of Freedom) mà Bruce trình bày trước hàng trăm ngàn người trẻ ở Đông Đức. Tôi tưởng tượng đến lối trình diễn tưng bừng, cuốn hút của anh. Mặc dù không được tận mắt, nhưng tôi có thể cảm nhận được nỗi khát khao tự do mà Bruce đã đánh thức ở Đông Berlin như thế nào. Tôi cũng từng một thời tuổi trẻ, cũng từng xuống đường hò hét tự do cho Việt Nam.
Những ngày Chicago trở gió, gió thổi tung, gió muốn quật mình ngã, đám sinh viên Việt tị nạn chúng tôi ốm gầy như những cây khô trụi lá mùa Đông. Suốt con phố Argye, chúng tôi đi trong tuyết lạnh, đi giữa rừng cờ quạt, hàng người dài từ đầu phố đến cuối phố. Tóc mình xanh, hồn mình xanh, áo mình xanh bay trong gió. Chúng tôi yêu đất nước mình và không muốn dân mình phải chìm đắm trong chế độ cộng sản. Bây giờ tóc không còn xanh, nhìn về những thế hệ ở quê nhà, chẳng biết đến bao giờ mới có được tự do!
Nhớ Phạm Chí Dũng, tôi thấy Bruce thật hạnh phúc. Mặc dù anh không phải là một nhà hoạt động, nhưng có ai góp mặt trên cuộc đời này mà không muốn góp phần mình vào những thay đổi của xã hội? Và mặc dù Bruce mào đầu rằng anh đến Đông Bá Linh chỉ để giới thiệu dòng nhạc rock’n roll, nhưng suốt bốn tiếng đồng hồ mê hoặc, anh đã biến đêm nhạc 19 Tháng Bảy 1988 trở thành một sự kiện lạ thường. Một nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc đã đánh giá đêm biểu diễn của anh là một sự kiện âm nhạc “quan trọng nhất trong thế kỷ 20”. Đó là những nhát búa đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Bá Linh một năm sau đó.
Không rộn ràng như Bruce Springsteen, Phạm Chí Dũng đơn độc nhưng bản lĩnh. Thái độ vững vàng, trực diện của anh đã để lại trong chúng tôi sự quý mến và một niềm kính trọng sâu xa. Từng là đảng viên cộng sản suốt 20 năm, từng là một cán bộ công tác tại ban An ninh Nội chính Thành ủy TP.HCM, Phạm Chí Dũng rất chuyên nghiệp. Anh không lý lẽ, không dài dòng, khi nhận bản cáo trạng từ tay vị đại diện Viện kiểm sát, anh thản nhiên viết thẳng vào bản cáo trạng: “Tôi không vi phạm pháp luật Việt Nam” rồi ký tên vào đó.
Chúng ta còn nhớ năm 2014, tổ chức Phóng viên không biên giới đã tặng Phạm Chí Dũng danh hiệu “Anh hùng thông tin”. Cách xử lý của anh khi bị tuyên 15 năm tù đã chứng thực điều đó. Thông báo với luật sư về quyết định không kháng án, anh bảo: “Hãy để bản án này cho thế giới thấy cái gọi là quyền tự do nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam như thế nào.”
Còng tay anh, lãnh đạo cộng sản nghĩ rằng họ đã thắng trong mặt trận truyền thông; thế nhưng, Phạm Chí Dũng vẫn làm chủ cuộc chiến thông tin lúc ấy. Anh vẫn đẩy cuộc chiến của anh đi tới. Và ngay lập tức, ở ngoài này, chúng ta cảm nhận được cái lực đẩy đó từ anh. Một số nghị sĩ Quốc hội Đức đã ra thông báo ngay sau phiên toà, họ gọi bản án của nhà cầm quyền Việt Nam là “vô nhân đạo”.
Nhớ Phạm Chí Dũng, tôi không chỉ nhớ đến vẻ cứng cỏi bề ngoài của anh. Như bao nhiêu nhà hoạt động ở nước ta, họ đều phải đơn độc đối diện với một môi trường hoạt động khắc nghiệt. Họ cũng có gia đình, có trái tim biết đớn đau, họ cũng yêu vợ con, yêu sự tự do của chính mình.
Tôi còn nhớ phút giây mềm lòng của hai người đàn ông trong khung cảnh tù ngục, khi luật sư Đặng Đình Mạnh vào thăm Phạm Chí Dũng vào trung tuần Tháng Mười Một 2020. Dường như cả hai cùng đoán được một bản án dài nhiều năm sẽ là cái kết cho anh. Trong không gian ấy, Phạm Chí Dũng tâm sự rằng anh thường nhìn thấy vợ con trong giấc mơ nhưng lại không thấy Chúa, người dẫn đường tinh thần cho mình. Luật sư Mạnh buột miệng tiếp lời: “Anh được bình an mỗi ngày thì chẳng phải Chúa lúc nào cũng hiện diện trong anh hay sao?” Câu buột miệng của luật sư Mạnh làm hai người đàn ông cùng dừng lại. Cái khoảng lặng cảm xúc đó làm họ rơi lệ!
Hình ảnh Phạm Chí Dũng nghiêng người qua mặt bàn, siết chặt bàn tay luật sư Mạnh cho chúng ta cảm nhận được cái sức mạnh họ chuyền cho nhau. Sức mạnh và tình cảm thân thiết của hai người đồng hành. Chúa, Phật, Thượng đế trên cao có thể đã chứng kiến bao lần con dân Việt phải đối mặt với thử thách, nhưng có lẽ không gì có thể cho chúng ta sức mạnh bằng tình cảm của một người đồng hành. Khi cảm nhận được nó, người ta có thể chiến thắng mọi nghịch cảnh. Chúng ta có thể không có đủ để cho nhau về vật chất, nhưng thiết tưởng trong suốt đoạn đường lịch sử của một quốc gia nhược tiểu, đó là thứ mà chúng ta luôn dành để trao cho nhau.
Trong niềm kính trọng và biết ơn đến tiến sĩ Phạm Chí Dũng, xin được siết chặt tay anh. Từ đây cho đến ngày rời bỏ hành tinh này, có thể chúng ta chưa được nhìn thấy tự do có mặt trên quê mẹ, nhưng tôi nghĩ đoạn đường anh đi cũng đủ. Vì cho dù ở đâu, dù sống ở nơi nào anh vẫn đang sống với những giá trị mà mình trân trọng. Anh vẫn là người tự do. Tôi nhớ đến câu nói của một họa sĩ trẻ người Nga, cô Akiane Kramarik:
“Khi ta có mặt trên đời này ta là người được (Chúa) chọn, nhưng chỉ những người anh hùng mới rời khỏi cuộc đời này và để lại một nơi chốn tốt đẹp hơn cho người khác”.
Trong không khí an lành của đêm Chúa Giáng sinh, tôi xin được dâng lời cầu nguyện cho những nhà hoạt động hữu danh và vô danh đang gánh chịu những bản án khắc nghiệt ở quê nhà. Một lần nữa, xin cám ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng, xin Chúa luôn ở cùng anh.
Giáng sinh 2023