Du An (VNTB)
Phải có người cụ thể chịu trách nhiệm về quản trị quốc gia, không thể cứ chung chung là “Đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội”.
Xưa, ở miền núi, lũ là hiện tượng bình thường. Mùa mưa (khoảng tháng 7 – 8), sau liền mấy ngày đêm mưa lớn kéo dài, lượng nước lớn dồn ứ quá hạn, lập tức sinh ra lũ.
Nếu chia theo cấp độ từ nhỏ đến lớn, từ thượng nguồn đến hạ lưu thì nhỏ nhất là lũ khe. Thường ngày khe chỉ ri rỉ róc rách, nhiều đoạn đá trơ ra rêu xanh; nhưng có lũ thì cũng thành dòng như tên bắn ngay. Băng băng, vèo vèo, réo gào… hoa mắt.
Tiếp theo là lũ suối. Suối là hợp lưu của nhiều khe “không tên” trong một khu vực. Qua thời gian, dần dần suối biến đổi phù hợp với lượng nước trong địa bàn, nghĩa là đủ độ rộng độ sâu, để “cầm lái” được dòng lũ hung dữ. Cuối cùng, qua những cánh rừng bản làng, lũ ra đến sông. Đến nơi mênh mang, bờ bên này nhìn sang bờ bên kia mờ xa hút tầm mắt, lũ tuy vẫn còn sức mạnh nhưng bị hóa giải ngay bởi “đại lộ” tràng giang.
Thiên nhiên đã sinh ra lũ, và có ngay khe suối, sông để biến lũ thành an toàn, hài hòa. Nghìn năm, triệu năm đã mưa đã lũ như thế rồi. Nhưng tại sao mấy chục năm nay, nhất là những năm gần đây hễ đến mùa mưa, ở miền núi lại có những trận lũ ống lũ quét kinh hoàng, thiệt hại vô cùng lớn?
Ai cũng có thể trả lời ngay là, tại phá rừng, tại xây dựng lấn chiếm dòng chảy…
Quả đúng như thế, con người đã tác động xấu đến thiên nhiên, môi trường sống của mình. Cái gốc của vấn đề là những con người hiện tại đã không thuận theo núi rừng, phá vỡ quy luật tự nhiên. Bình thường khi mưa nhiều mưa lớn thì có lũ. Cũng bình thường, mưa xuống có điệp trùng rừng cây chào đón níu giữ. Chính vì thế, lượng nước sức mạnh mười phần dẫu là lũ cũng chỉ còn hai, ba.
Cơ chế sinh ra lũ, lũ an toàn là vậy… vấn đề cốt lõi là có rừng già “cầm chân” giữ nước để nước bị giảm dần sức mạnh theo khe, suối, sông… đến bão hòa. Từ đây, chúng ta dễ hiểu tại sao ngày nay ở miền núi, lũ ống lũ quét lại nhiều, lại tàn phá ghê gớm như vậy.
Một thời gian dài, nhất là những thập niên tám mươi, chín mươi… của thế kỷ trước, diễn ra tình trạng phá rừng đồng loạt. Rồi sau đó, khi rừng cạn kiệt dần, có sửa sai bằng phong trào trồng rừng, giữ rừng. Rừng trồng mới, rừng tái sinh, khoanh nuôi bảo vệ đã mang lại màu xanh cho phần lớn diện tích núi trọc.
Nhưng rừng loại ấy trong tương quan với lượng mưa thì chưa đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ điều hòa lũ nên lũ ống lũ quét vẫn xảy ra. Cộng thêm nữa, việc khai thác cát sỏi quá mức, công trình xây dựng lấn chiếm ngăn cản dòng chảy… vô hình trung đã nhân lên sức tàn phá của lũ.
Sau lũ ống lũ quét ở miền núi phía Bắc, khả năng cao (dù không ai muốn) là lũ lụt miền Trung, rồi đồng bằng sông Cửu Long.
Điệp khúc buồn ấy vẫn sẽ là vùng cuối nguồn sông đê vỡ, người chết, nhà cửa tài sản bị “bà thủy” cuốn phăng trong giây phút. Đến giờ chúng ta quá hiểu rằng, dù lũ miền núi hay lụt ở đồng bằng, từ Bắc chí Nam thì đều chung nguyên nhân gốc – mưa nhiều mưa lớn, rừng không còn đủ sức chặn lại mà tiêu lũ; đã thế ao hồ lại bị lấp không có chỗ lưu giữ dòng nước; sông ngòi vốn là đường đi của nước, cần thông thoáng lại bị ngăn cản bởi những công trình… nhô ra.
Phải chung sống với lũ lụt – đấy là ý cam chịu, nhất thời. Về lâu về dài, mỗi người dân – mà đặc biệt là với lãnh đạo tối cao như Tổng bí thư, cần phải biết tại sao lũ hung dữ, để rồi từ đó có cách giữ rừng, giữ môi trường như giữ tính mạng sống còn của chính Đảng Cộng sản Việt Nam./.